Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đồ trên trời bán đầy dưới đất

Những chiếc chăn nỉ (mền), những bộ muỗng nĩa, những cái chén sứ, thậm chí cả những hộp bơ, hộp mứt đóng nhãn mác các hãng hàng không trong và ngoài nước đang được rao bán đầy trên mạng xã hội, trang bán hàng trực tuyến và cả tại nhà riêng. Khách hàng của những món hàng này là những người chuộng đồ dùng hàng không, vì tin rằng chúng có chất lượng tốt. Nguồn gốc những món hàng này, có đúng là từ các hãng hàng không tuồn ra hay là hàng nhái thương hiệu?

Cần hãng nào, có hãng đó

Chị Thanh Trúc, nhà ở quận Tân Bình, TPHCM, cho biết qua lời bạn bè, chị mua thử một vài món đồ có đóng mác hãng hàng không Vietnam Airlines về sử dụng. Thấy chất lượng khá tốt, chị giới thiệu cho một vài người bạn. Tương tự, chị Bảo Ngọc, nhà ở quận Bình Thạnh, cho biết chị thường xuyên mua hộp nhựa đựng thực phẩm của hãng hàng không này vì thấy giá rẻ và chất lượng cũng ổn. Thỉnh thoảng chị còn mua cả sữa chua, bơ, mứt về sử dụng.

Tâm lý chuộng đồ hàng không của nhiều người tiêu dùng giống như chị Trúc, chị Ngọc đang tạo ra đất sống cho những người buôn bán nhỏ, những người bán hàng qua các trang mạng xã hội. Hiện nay, không khó để tìm một địa chỉ bán sản phẩm được gắn thương hiệu đồ hàng không.

Trang mạng chuyên giới thiệu và bán đồ hàng không.
Trang mạng chuyên giới thiệu và bán đồ hàng không.

Một chiếc mền giá 55.000-60.000 đồng, bộ muỗng nĩa giá 25.000 đồng, miếng bịt mắt giá 5.000 đồng, hộp bơ giá 4.000 đồng, hộp mứt hoa quả khoảng 3.000-7.000 đồng, hay cái chén sứ có giá 20.000 đồng. Ngoài các mặt hàng này còn có cả dép đi trong nhà, khăn giấy, nước rửa tay, nước chùi rửa đa năng. Trên thân sản phẩm hay trên bao bì luôn có khắc dấu hay logo của hàng không. Không chỉ là sản phẩm của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), mà còn của các hãng hàng không nước ngoài như Singapore Airlines, Asiana Airlines, Japan Airlines, Emirates Airlines...

Chủ một trang web bán hàng trực tuyến tên L. cho biết hiện không chỉ có khách hàng tại TPHCM mà những người sống ở Hà Nội và Đà Nẵng cũng ưa chuộng những mặt hàng của các hãng hàng không. Một người bán hàng khác tên Ng. cho biết nhiều cửa hàng tại ba thành phố trên đang mua sản phẩm từ cửa hàng của chị. Chị Ng. cho biết thêm có những tháng chị bán cả ngàn bộ dao, muỗng, nĩa và vài trăm chiếc chăn nỉ các loại. Đây cũng là hai mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường.

Chưa biết thực hư ra sao, nhưng chị Ng. cho rằng nguồn hàng một phần do tiếp viên, nhân viên trong sân bay tuồn ra ngoài bán, số lượng không nhiều. Một nguồn khác nhiều và ổn định hơn là hàng bị rút ra từ kho của các nhà sản xuất cung ứng sản phẩm cho các hãng hàng không. Còn theo người bán hàng tên L. được nói ở trên, những sản phẩm của các hãng hàng không nước ngoài sở dĩ có để bán tại thị trường Việt Nam có thể là do “hàng được các hãng máy bay nước ngoài gửi tại kho ở sân bay Tân Sơn Nhất rồi được nhân viên ở đây tuồn ra ngoài”.

Tìm đến cửa hàng bán đồ khuyến mãi của chị Th. ở quận Tân Phú, TPHCM cũng nghe giải thích tương tự. Chị cho biết thường mua hàng từ nhân viên các hãng hàng không, “còn bằng cách nào họ có được thì tôi không biết”.

Ghé vào ở một số nơi như chợ Tân Định (quận 1), chợ Tân Phú (quận Tân Phú), chợ Đakao (quận 1), hay chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp) đều thấy những gian hàng chuyên bán những mặt hàng này. Một nhân viên bán hàng tại chợ Đakao cho biết vì có mối quen nên hàng được lấy ra từ kho ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều mặt hàng hút khách đến mức không có để bán như chăn mền và bộ dao nĩa, bên cạnh các loại thực phẩm như sữa hộp, mứt, bánh, sữa chua. Người này còn cho biết thêm hàng về vào ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật hàng tuần.

Coi chừng hàng nhái

Khách đang mua các loại mứt tại gian hàng bán đồ hàng không ở chợ Đakao, quận 1, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến
Khách đang mua các loại mứt tại gian hàng bán đồ hàng không ở chợ Đakao, quận 1, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Một nguồn tin từ Vietnam Airlines cho biết, theo quy định của hãng, ngoại trừ những sản phẩm chỉ sử dụng một lần như giấy, còn các đồ dùng có thể tái sử dụng như mền, chén đĩa... không được cung cấp ra ngoài bằng bất cứ hình thức nào. Có thể trong quá trình sử dụng có thất thoát, nhưng số lượng không nhiều.

Vị này nói thêm, trong hợp đồng với nhà cung cấp, hãng hàng không luôn quy định hàng đã cung cấp cho hãng thì không được bán ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, người này cũng để ngỏ khả năng những lô hàng bị lỗi mà hãng hàng không không nhận và cũng không kiểm soát được hướng giải quyết của nhà cung cấp, cũng như không loại trừ khả năng hàng nhái thương hiệu.

Một tiếp viên của Vietnam Airlines cho rằng không thể có chuyện tiếp viên lấy hàng ra ngoài bán bởi làm thế là vi phạm quy định. Hơn nữa, trong thời gian ba năm trở lại đây, do chính sách tiết kiệm nên việc cấp cũng như kiểm soát đồ dùng sau mỗi chuyến bay rất gắt gao, chỉ cần mất hai sản phẩm là phải báo cáo lên cấp trên và tiếp viên phó sẽ bị kỷ luật. Vì vậy, theo cô tiếp viên này, không thể có những mặt hàng mới tinh hay sử dụng một lần được rao bán ngoài thị trường.

Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện của một đơn vị cung ứng sản phẩm cho Vietnam Airlines đã từ chối trả lời. Trong khi đó, ông Bùi Doãn Nề, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần In hàng không, đơn vị gia công giấy và các sản phẩm in cho một số hãng hàng không, cho biết theo hợp đồng, những sản phẩm công ty sản xuất chỉ cung cấp cho hãng hàng không đó, do vậy không thể có chuyện tuồn hàng sản xuất ra bán ngoài thị trường. Theo ông, những sản phẩm hàng không đang bán ngoài thị trường có thể là hàng nhái thương hiệu.

Người bán hàng tên L. được nói ở trên cho biết những mặt hàng làm bằng inox như muỗng nĩa thì chưa thấy hàng nhái, nhưng mền của hãng hàng không là đã thấy trên thị trường. Ở một số chợ, loại mền này được bày bán tràn lan, nhưng thực chất là của Trung Quốc. Mền có nhiều màu, chứ không chỉ màu xanh, có giá bán khoảng 35.000 đồng/cái. Vấn đề là hàng nhái y như thật khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật giả.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều địa phương đã sẵn sàng nguồn cung hàng hóa cho...

0
(SGTT) - Cùng với việc bình ổn giá hàng hóa, ngành công thương các tỉnh, thành như TPHCM, Hà Nội, An Giang và doanh...

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỉ đô la,...

0
(SGTT) - Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 322 tỉ đô la, giảm 5,9% so...

Việt Nam xuất siêu gần 10 tỉ đô la Mỹ

0
Năm tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 262,5 tỉ đô la Mỹ....

Bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng...

0
Theo Tổng cục thống kê, 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so...

Hàng bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi...

0
Trong tờ trình Quốc hội, so với luật hiện hành, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã bổ sung thịt heo và sữa cho...

Các nhà bán lẻ Mỹ chuẩn bị mua hàng mới khi...

0
Các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung...

Kết nối