Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Thiếu vitamin D, tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp của cơ thể sẽ cao hơn

(SGTTO) - Các loại thực phẩm lành mạnh mỗi người dùng trong bữa ăn hằng ngày đều cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, trong đó, thực phẩm giàu vitamin C và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Chính vì thế, thay vì dùng thuốc, bạn nên tận dụng nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Ảnh: Internet.

Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị Online đã có buổi phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - để tìm hiểu thêm về cách tăng cường hệ miễn dịch bằng thực phẩm.

Phóng viên SGTTO: Thưa bác sĩ, những loại thực phẩm nào giúp tăng cường sức đề kháng?

- Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM:

Trong thời điểm này, tăng cường dinh dưỡng để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp chúng ta phòng chống các tác nhân gây bệnh có chứa virus SARS-CoV-2. Vì vậy, để các bộ máy của cơ thể, trong đó có bộ máy miễn dịch hoạt động bình thường thì cần nạp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng.

Ảnh: Internet.

Trong thành phần của bữa ăn hằng ngày, chúng ta cần có chất bột đường để cung cấp năng lượng, chất đạm, chất béo để xây dựng nên các thành phần của một hệ miễn dịch. Mỗi loại thực phẩm có một số chất dinh dưỡng đặc trưng. Do đó, chúng ta nên ăn đa dạng thực phẩm và cân bằng tất cả các loại thực phẩm. Ví dụ, ăn cân bằng nhóm thực phẩm giàu chất bột đường từ cơm, bún, phở, bánh mì…, cân bằng nhóm thực phẩm giàu chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, thêm một ít chất béo từ dầu hoặc các loại hạt và tăng cường gấp đôi rau xanh, trái cây trong khẩu phần để có thể cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng. Khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng, hệ miễn dịch của chúng ta cũng khỏe mạnh và sức đề kháng cũng được tăng cường để chống lại virus.

Việc bổ sung vitamin, khoáng chất có cần thiết trong mùa dịch này không, thưa bác sĩ?

- Có một số thực phẩm chứa nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin β-Carotene, kẽm, PolyPhenol… Đây là những chất chống oxy hóa, có vai trò kháng khuẩn và hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. Chẳng hạn trái sơ-ri, cam, bưởi, ớt chuông, ổi, các loại rau có màu xanh đậm… sẽ có rất nhiều vitamin C, vitamin E giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể chúng ta.

Các loại thực phẩm khác như sữa tách béo, trứng, hải sản có nhiều vitamin D sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Ngoài ra, các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt óc chó... có nhiều kẽm, Polyphenol. Đây là những thành phần có chất chống oxy hóa, đồng thời hỗ trợ và cải thiện đường tiêu hóa của chúng ta tốt hơn.

Ảnh: Internet.

Một số thực phẩm đặc biệt khác như trà, tỏi, hành, gừng có những chất chống viêm và làm tăng hoạt động của hệ tế bào miễn dịch.

Sữa chua sẽ cung cấp nguồn Probiatic là những lợi khuẩn đường ruột giúp chống lại những tác nhân gây bệnh từ virus và các chất xơ hòa tan như từ gạo ít xay xát, lúa mạch, cam, chuối, khoai lang… để cung cấp nguồn bổ dưỡng cho lợi khuẩn đường ruột.

Bên cạnh đó, chúng ta cần uống đủ nước, ít nhất 1,5 lít mỗi ngày và uống nhiều hơn khi tập thể dục, vận động mạnh vì nước tham gia vào tất cả các quá trình sinh lý của cơ thể. Một khi cơ thể bị mất nước thì tác dụng chống lại các tác nhân gây bệnh cũng bị ảnh hưởng theo.

Cụ thể hơn, những thực phẩm trên giúp ích gì cho hệ hô hấp, thưa bác sĩ?

- Hệ hô hấp cũng giống như tất cả các hệ cơ quan khác trong cơ thể, đều phụ thuộc vào bộ máy miễn dịch chung bao gồm các tế bào diệt vi khuẩn và các kháng thể. Để các tế bào hoạt động bình thường cần những chất dinh dưỡng nói trên. Lưu ý rằng không có thực phẩm đặc biệt nào dành riêng cho hệ hô hấp để tăng cường sức đề kháng.

Theo một số nghiên cứu, nếu cơ thể thiếu vitamin D sẽ làm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn. Vì vậy, chúng ta phải bảo đảm có đủ vitamin D cho cơ thể. Vitamin D có 2 nguồn cung cấp gồm từ ánh nắng mặt trời hoặc từ thực phẩm như sữa tách béo hoặc hải sản, trứng, nấm…

Ảnh: Internet.
Vậy, việc sử dụng thực phẩm chức năng có giúp tăng khả năng hấp thụ hay không?

- Thực phẩm chức năng sẽ có vai trò trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn người suy dinh dưỡng vốn dĩ đã thiếu những chất dinh dưỡng, có hệ miễn dịch yếu hoặc người đang mắc bệnh nào đó có thể bổ sung thực phẩm chức năng hay đơn thuần bổ sung những vitamin, khoáng chất từ thuốc để cung cấp thêm cho những chất dinh dưỡng bị hao hụt.

Thành phần trong thực phẩm chức năng sẽ nhiều hơn so với những chất dinh dưỡng lấy từ thực phẩm cần thiết.

Đối với những người khỏe mạnh, bình thường, nếu sử dụng thường xuyên thuốc hoặc thực phẩm chức năng, có khả năng dư vitamin và khoáng chất cho cơ thể hoặc gây ra những tác dụng phụ đối với cơ thể.

Hoàng Nhung thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thắc mắc mùa dịch: Uống nước chanh sả gừng mỗi ngày...

0
(SGTT) - Gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ về công thức nấu nước chanh, sả, gừng...

Những lợi ích sức khỏe không nên bỏ qua từ nấm

0
(SGTTO) - Nấm là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần. Ngoài việc được...

Những loại trà lạnh vừa giải nhiệt lại giúp giảm viêm

0
(SGTTO) - Trong những ngày thời tiết oi bức, nhu cầu nạp nước cho cơ thể sẽ trở nên nhiều hơn. Ngoài việc uống...

Ăn nhiều trứng vịt muối có hại không?

0
(SGTTO) - Trứng vịt muối được nhiều người yêu thích nhờ vị mặn, bùi đậm đà, dễ ăn. Đây cũng là nguyên liệu được...

Những điều ít người biết về sự khác biệt của trái...

0
(SGTTO) - Độ chín thường mang lại màu sắc và hương vị hấp dẫn cho các loại trái cây. Nếu bạn thưởng thức cùng...

Ăn đúng thực phẩm để kiểm soát chứng trào ngược

0
(SGTTO) - Thực phẩm bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến lượng axit mà dạ dày tạo ra. Do đó, ăn đúng loại thực phẩm...

Kết nối