(SGTTO) - Trong quá khứ, đã có một vài tiền lệ về các dịch bệnh bị tuyên bố là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.
Thế nào là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC)?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu (tiếng Anh: public health emergency of international concern – PHEIC) được định nghĩa là tình trạng y tế bất thường với hai đặc điểm nghiêm trọng sau:
- Gây ra mối nguy hiểm cho nhiều hơn một quốc gia do tính lây lan ra quốc tế
- Sự kiện y tế này cần đến những biện pháp ứng phối hợp ứng phó mang tầm quốc tế
Theo như định nghĩa chính thức này, WHO nhấn mạnh tính nghiêm trọng, bất thường và khó lường trước của vấn đề, đòi hỏi phải có các động thái khẩn cấp của quốc tế.
Việc ra quyết định tuyên bố một sự kiện y tế là vấn đề y tế khẩn cấp của cộng đồng toàn cầu thuộc về tổng giám đốc WHO sau khi triệu tập họp các chuyên gia trong Ủy ban khẩn cấp của WHO.
Hôm 24-1, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu sau cuộc họp khẩn kéo dài hai ngày rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố dịch viêm phổi do virus corona nCoV-2019 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Theo đó, số ca nhiễm bệnh ngoài lãnh thổ Trung Quốc vẫn còn rải rác và chưa có dấu hiệu bùng phát thành dịch tại các quốc gia phát hiện người dương tính với virus corona nCoV-2019.
Các vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu trong quá khứ
WHO đã đưa ra quy định về quy trình tuyên bố vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu từ năm 2005 sau khi xảy ra đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002 và dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2003.
WHO đã tuyên bố vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu một vài lần bao gồm đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, đại dịch Ebola năm 2014, sự lây lan virus gây bệnh bại liệt polio tại một số quốc gia năm 2014, dịch Zika năm 2016.
Việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu có thể làm thổi bùng lên làn sóng đóng cửa du lịch và thương mại đối với quốc gia có dịch từ các nước láng giềng. Do đó, WHO tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc ra tuyên bố này.
Hạnh Tâm
Theo Washington Post