(SGTTO) - Vì những lý do riêng, nhiều người Việt ở lại Singapore đón Tết mà không về Việt Nam dịp xuân mới. Và họ cũng có những nhiều trải nghiệm về Tết trên quốc đảo sư tử.
Tết ở Singapore, đi chơi đâu?
Chị Diệp Phạm Phương Uyên, một người Việt tại Singapore, đang theo học ở một chương trình trao đổi sinh viên tại Singapore. Do chương trình kéo dài từ tháng 1-2020 đến tháng 5-2020 nên chị ở lại Singapore mà không về Việt Nam ăn Tết (Tết truyền thống của Singapore diễn ra cùng thời điểm với Tết cổ truyền Việt Nam). Để bù lại nỗi nhớ nhà, chị Phương Uyên thăm thú một số nơi ở Singapore.
Vốn đã đến Singapore nhiều lần, chị Phương Uyên đã có những thông tin nhất định về Tết ở Singapore. Năm nay, một địa điểm mà chị Phương Uyên tới thăm là Chinatown, nơi diễn ra các sự kiện chào xuân từ đầu tháng 1-2020. Chị Uyên rất ấn tượng với những chiếc lồng đèn làm thủ công với muôn hình vạn trạng, từ các mẫu thiết kế cổ điển đến những sáng tạo mới mẻ, hiện đại như các tiểu cảnh 12 con giáp, đồng tiền vàng, các loại hoa lá hay những lời chúc mừng đầu năm. Tất cả càng khiến đường phố lung linh ảo diệu hơn.
Lễ hội River Hongbao - diễn ra từ ngày 23-1-2020 đến 1-2-2020 - cũng là nơi chị Phương Uyên sẽ đến thăm vào tết này. River Hongbao là nơi có tiếng về dàn lồng đèn khổng lồ trên cao luôn toát lên vẻ đẹp đặc biệt trên nền pháo hoa rực rỡ. Bên cạnh đó, chương trình ca múa nhạc và biểu diễn pháo hoa thường niên cũng rất hoành tráng.
Chị Uyên cũng sẽ tới xem đoàn diễu hành Chingay Parade tại vịnh Marina. Sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày, từ 31-1-2020 đến 1-2-2020. Cuộc diễu hành thường niên này có tuổi đời gần 50 năm, bao gồm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của người Hoa, người Ấn Độ, Malaysia…
Còn anh Nguyễn Sĩ Nhật, người đã ăn Tết tại Singapore suốt 12 năm sinh sống và làm việc tại đây, thích tới Chingay vào dịp xuân mới. Tới đây, anh được chiêm ngưỡng những hoạt động liên quan đến văn hóa để hiểu thêm về đất nước, con người nơi đây.
Người Singapore ăn gì và chúc nhau điều gì trong năm mới?
Chị Lê Đỗ Quyên (24 tuổi) cho hay vào dịp Tết, người Singapore thường thăm hỏi nhau, ăn chung trên mâm cỗ truyền thống. “Lần đầu đến đây du học mình mới 14 tuổi, nên trường có xếp cho mình được một gia đình tại Singapore làm người bảo hộ. Tết đầu tiên đến nhà họ chúc Tết, theo tục lệ truyền thống, mình mang hai trái cam làm quà. Lần đầu ăn Tết xa nhà, mình còn rụt rè nhưng người Singapore rất thân thiện. Họ mời mình ăn món Lo-Hei truyền thống ngày Tết”, chị Đỗ Quyên kể.
Món Lo-Hei chị Đỗ Quyên nhắc đến còn được gọi là gỏi cá thịnh vượng Yu Sheng. Cá sống được thái lát thật mỏng và xếp gọn gàng chung một đĩa với nhiều loại rau củ quả thái sợi khác rồi được làm lạnh trước khi ăn.
Thú vị hơn cả là cách cả nhà “lấy lộc” ở bàn ăn. Khi ăn, mọi người cùng đứng quanh bàn ăn, dùng đũa vừa đảo vừa tung các nguyên liệu của món gỏi vào với nhau và trao nhau lời chúc phúc lành. Nguyên liệu được tung lên càng cao thì sang năm càng được nhiều lộc may.
Đỗ Lan