Thứ Hai, Tháng 7 28, 2025

Crisps – món khoai tây chiên giòn khiến người Anh phát cuồng

A.I
(SGTT) - Khi nhắc đến ẩm thực Anh Quốc, người ta thường nghĩ ngay đến món cá chiên và khoai tây (fish and chips), bánh Shepherd’s pie hay trà chiều sang trọng. Nhưng nếu nhìn vào những gì người Anh ăn mỗi ngày, không thể bỏ qua món bình dân mà ai cũng đam mê, crisps - hay còn gọi là khoai tây chiên giòn trong túi bạc.

Không cần bày ra đĩa, không cần hâm nóng, những lát khoai mỏng giòn tan này chính là “món ăn tinh thần” của cả nước Anh, vừa tiện lợi, vừa... thơm ngon.

‘Ăn’ crisp trên sóng radio

Vào mỗi sáng Chủ nhật, trên đài BBC Radio 6 Music, bên cạnh nhạc Radiohead hay CMAT, bạn có thể bất ngờ nghe thấy tiếng nhai rộp rộp. Đó là chuyên mục quen thuộc mang tên “Crisps on the Radio”, nơi hai MC Marc Radcliffe và Stuart Maconie thử các loại crisp mà thính giả gửi về rồi đoán hương vị. Nghe tưởng đùa, nhưng chương trình này tồn tại lâu năm, là minh chứng rõ ràng cho tình yêu của người Anh với món ăn vặt này.

Hai MC Marc Radcliffe và Stuart Maconie thử các loại crisp mà thính giả gửi về rồi đoán hương vị. Ảnh: BBC

Thống kê cho thấy, người Anh tiêu thụ khoảng 10 tỉ bịch crisp mỗi năm, tính ra trung bình hơn 150 bịch/người. Vào giờ nghỉ trưa, chỉ cần ghé qua siêu thị bất kỳ, bạn sẽ thấy các combo ăn trưa đều có một bịch crisp đi kèm. Trên mạng xã hội có cả cộng đồng phân loại crisp theo "hệ thống xếp hạng" và tranh luận sôi nổi như thể đang bàn về một bộ phim bom tấn.

Món ăn "quốc dân", từ vỉa hè đến nhà hàng sang trọng

Mặc dù crisp ra đời từ Mỹ vào thế kỷ 19, nhưng nước Anh mới là nơi món ăn này được nâng tầm văn hóa. Huyền thoại truyền hình Nigella Lawson từng hợp tác với hãng Walkers (thương hiệu crisp lớn nhất Anh) để làm hẳn... công thức sandwich kẹp crisp chuẩn vị. Còn ở thành phố Hull, có nhà hàng mở hẳn buffet "ăn crisp không giới hạn".

Tác giả Natalie Whittle thậm chí còn viết một cuốn sách tên Crunch: An Ode to Crisps (tạm dịch: Crisp - Một bản tình ca giòn rụm) để nói về tình cảm kỳ lạ mà người Anh dành cho món ăn này.

Crisp ngày nay không chỉ còn là món vặt. Tại quán rượu Shirker’s Rest ở phía Nam London, người ta phục vụ “slab crisps”, lát khoai dày, vị trứng chiên ăn kèm với nước sốt nâu đậm vị đặc trưng của Anh. Còn tại nhà hàng Manifest ở Liverpool, bạn có thể gọi món crisp chiên nóng mang hương vị cổ điển từ tận năm 1853.

Một biến tấu món ăn có thành phần crisps. Ảnh: CNN

Thậm chí ở Edinburgh (Scotland), một vở kịch tại Liên hoan Nghệ thuật Fringe còn lấy cảm hứng từ... túi crisp. Ngoài các thương hiệu truyền thống như Walkers, giờ đây người Anh còn chuộng những dòng crisp cao cấp hơn như Torres của Tây Ban Nha có vị jambon Iberico hay dầu ô-liu thượng hạng. Món vặt này đã bước vào thế giới tapas kiểu Anh một cách nhẹ nhàng nhưng đầy mãnh liệt.

Có “hại”... nhưng ăn tiếp

Đúng là crisp chứa nhiều muối, nhiều dầu, từng bị các tổ chức y tế cảnh báo. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng ăn uống lành mạnh đã giúp các dòng crisp “nướng không dầu” hay làm từ đậu, khoai lang, củ dền... được ưa chuộng. Nhưng với người Anh, những loại “healthy crisp” đó không thể thay thế vị giòn mặn béo truyền thống.

Walkers hiện sản xuất khoảng 125 hương vị khác nhau, nhưng đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là Cheese & Onion (phô mai, hành tây). Ngoài ra còn có Ready Salted hay Salt ‘n’ Shake, loại bạn phải tự rắc muối vào túi mới đúng điệu.

Crisps Cheese & Onion. Ảnh: CNN

Neil Ridley, tác giả cuốn sách The Crisp Sommelier nhận xét “Crisp là món bình dân nhưng không hề rẻ tiền, chúng có thể hiện diện ở mọi tầng lớp. Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là món ăn của nước Anh”.

Ngay cả giám đốc tiếp thị của Walkers cũng phải công nhận “Ít có đất nước nào yêu món ăn vặt như nước Anh yêu crisp. Nó giản dị, nhưng gần gũi và quan trọng, như một biểu tượng văn hóa”.

Theo CNN

Phúc An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hành trình khám phá mỹ vị miền cao

0
(SGTT) - Đêm biên giới A Lưới (TP Huế) mang đến cho du khách trải nghiệm ẩm thực độc đáo của đồng bào dân...

Ẩm thực kể chuyện: Khi vlog nấu ăn hóa thành ‘phim...

0
(SGTT) - Không chỉ chia sẻ công thức nấu ăn, một số nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, YouTube tại Việt Nam đang...

Những loại thức uống ‘wellness’ cho mùa hè thanh mát, dinh...

0
(SGTT) - Khi xu hướng sống khỏe, sống xanh (wellness) tiếp tục nở rộ trong giới trẻ, đặc biệt trên các nền tảng như...

Những quán ăn giữ ‘màu thời gian’ ở TPHCM

0
(SGTT) - TPHCM là nơi giao thoa văn hóa ẩm thực vùng miền và quốc tế, với nhiều quán ăn, nhà hàng đa dạng...

‘Bánh nhà làm’ và khoảng trống an toàn thực phẩm

0
(SGTT) - Còn ba tháng nữa mới đến Tết Trung thu 2025, nhưng cơ quan quản lý đã cảnh báo về tình trạng bánh...

Thử vị ‘Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia’...

0
(SGTT) - Sau câu chuyện bún bò Huế là món ăn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thực khách...

Kết nối