(SGTT) - Trong nhiều món lẩu ngon ẩm thực Việt, lẩu vịt nấu gừng nổi bật nhờ hương vị đậm đà, xen lẫn vị cay ấm đặc trưng của gừng tươi, ăn kèm bún hay mì đều bắt vị.
- Thanh mát nồi lẩu gà nấm mối cho bữa cuối tuần nhiều hương vị
- Thanh mát nồi lẩu tôm nấu bầu trưa cuối tuần
Lẩu vịt không phải là món xa lạ, nhưng nấu cùng gừng lại là cách chế biến quen thuộc, đặc biệt là các gia đình yêu thích món ăn mang hương vị dân dã, vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe. Thịt vịt kết hợp với gừng không chỉ giúp át mùi tanh, mà còn làm nổi bật vị ngọt thịt tự nhiên và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Để có một nồi lẩu vịt nấu gừng ngon, khâu chọn nguyên liệu quan trọng. Người nấu nên chọn vịt xiêm hoặc vịt cỏ vì thịt chắc, ít mỡ. Sau khi làm sạch, vịt chà xát với muối và rượu trắng để khử mùi, rồi chặt miếng vừa ăn và ướp với nước mắm, tiêu, hành tím và đặc biệt là gừng giã nhuyễn.
Gừng là “linh hồn” của món ăn, ngoài phần dùng để ướp thịt, một phần gừng được nướng sơ cho dậy mùi, sau đó đập dập thả vào nồi nước dùng. Nhiều người còn thêm sả cây, hành tây và tàu vị yểu (nước tương đậm đặc) để tạo màu và tăng độ ngọt. Tùy sở thích, một số nơi còn thêm hạt sen tươi hoặc khoai môn giúp nước dùng thơm và bùi béo hơn.
Khi thịt vịt được xào sơ để săn lại thì mới đổ nước dùng vào. Nồi nước nên hầm trên lửa nhỏ khoảng 30–40 phút để thịt mềm, gia vị thấm đều, nước dùng đậm đà nhưng không ngấy. Thành phẩm là nồi lẩu có màu nâu trong nhẹ, thoảng mùi gừng ấm nồng và vịt chín mềm vừa tới.
Khi dọn lẩu ra bàn, không thể thiếu đĩa rau ăn kèm. Tùy vùng miền mà người nấu chọn rau muống, cải xanh, mồng tơi, nấm rơm hay bắp chuối bào. Ăn kèm với bún tươi, mì trứng hoặc miến đều hợp. Một chén nước mắm mặn giằm thêm vài lát ớt hiểm đỏ sẽ khiến món ăn tròn vị hơn.
Lẩu vịt nấu gừng không quá cầu kỳ nhưng thể hiện sự chỉn chu trong cách nấu nướng gia đình Việt. Từng miếng thịt vịt thấm vị, nước dùng ngọt thanh xen vị cay ấm, quyện cùng rau tươi và bún nóng tạo nên tổng thể hài hòa, dễ ăn, phù hợp khẩu vị nhiều người.
Theo amthucvungmien, monanngon, shopeefood