Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đi thật xa trên chiếc camper: cuộc hành trình gặp gỡ với tự nhiên

(SGTT) - Trên con đường đi bộ vào thung lũng Yosemite, những vách đá cao một ngàn mét tách thung lũng làm đôi từ hàng ngàn năm trước. Ánh nắng hé mở dần như quả trứng vỡ vỏ, tỏa ấm trên phần lưng đá đối diện hướng Đông.

Mặt trời chuyển động trên thung lũng như một nhân vật dự phần vào vẻ đẹp kỳ ảo của kỳ quan đỉnh cao thuộc công viên quốc gia ở Mỹ này.

Vào tự nhiên
Khung cảnh trong chuyến du hành trên đất Mỹ. Ảnh: Khải Đơn

Tôi vẫn còn nhớ, đó là tuần đầu tiên trong chuyến đi dài - khi tôi và bạn trai muốn thực hiện cuộc hành trình một năm đi vòng quanh nước Mỹ để lướt sóng và leo núi. Chúng tôi chất lên lưng xe một chiếc giường, một căn bếp mini, biến chiếc xe thành camper - loại xe cắm trại mà người Mỹ ưa chuộng cả trăm năm qua. Trên bản đồ Mỹ, chúng tôi để mình tự nhiên đi qua, chỉ kết nối những vùng có núi cao, bãi biển lướt sóng, nhắm hướng đó mà đi. Một chuyến đi không kế hoạch gì.

Du hành trên một chiếc camper đã tạo ra những thần tượng kiểu Mỹ cho thuở ấu thơ của tôi. Một nhà văn Jack Kerouac - kẻ lang thang từ Đông sang Tây, từ miền này tới miền kia của nước Mỹ, sống mải miết, kiệt quệ, trầm uất, đớn đau và cố gắng tìm thấy ánh sáng trong đời sống ngạt thở của anh. Một John Steinbeck lý trí và mê mải chu du, đóng một chiếc camper và quyết ra đi để tìm lại người đàn ông trong chính bản thân, khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Những người Mỹ mơ mộng ra đi, bởi nước Mỹ quá đầy đủ giấc mộng cho tất cả những ai khao khát muốn hiểu bề sâu trái tim của vô số con người có tên gọi chung là “Mỹ” – hóa ra là vô vàn biến số khác biệt và đầy đủ cung bậc lạ kỳ.

“Sự khiêu khích của độ cao, cảm giác trống rỗng và thèm khát được sống khi bấu mình trên đá cho tôi ý thức về sự sống của mình: không mơ hồ, không nhuốm những gia vị màu mè của thế giới hiện đại, không tô vẽ ồn ào hay xao động... mà chỉ có bản thân” - Khải Đơn.

Thiên nhiên trở thành nhịp sống mỗi ngày trong chuyến đi. Tôi cắm trại dưới bầu trời trong vắt của Yosemite khi mùa thu gần tàn. Cánh rừng vừa cháy vài tuần trước trong ngọn lửa cháy rừng California. Một bữa sáng, đứng từ thung lũng nhìn xuống, cánh rừng màu xám thẫm, thân cây lầm lũi thẳng trơ và đen đúa. Chuyến đi bộ kéo dài tám giờ khiến cái lạnh và buồn hiu của núi thấm đầy tay người. Nhưng giữa ngoại cảnh xám mờ đó, cánh rừng bên dưới tỏa ra mùi thơm và màu đỏ, cam, hồng lấp lánh trong nắng.

Khải Đơn với môn lướt ván khi lái xe từ San Francisco, đi ôm sát vực biển California và xuống Mexico. Ảnh nhân vật cung cấp

Mùa thu Yosemite là mùa đẹp nhất dành cho người leo núi. Không quá nóng, không quá lạnh. Những tượng đài leo núi khắp thế giới về đây, như trở về với thánh đường của giới hạn con người. Thiên nhiên sẽ chỉ dạy họ cách vượt qua giới hạn của bản thân – như chưa từng tưởng tượng.

Lịch sử bộ môn leo núi thế giới đã ghi tên những kỹ sư, những tay trai trẻ không việc làm, không nhà cửa, những doanh nhân thành đạt, những nhà hoạt động xã hội... đến đây vì cùng đam mê: được leo lên đỉnh của The Nose – khối đá nguyên khối cao 1.000m, leo lên Lost Arrow – phần đá tách thành mũi tên dị biệt thẳng lên trời. Đó là những chàng trai, cô gái của thế hệ “Vietnam War” chán chường thế giới đầy biến động và đổ vỡ niềm tin, tìm đến núi để giải đáp chính mình. Từ họ, những “siêu nhân” leo núi của thế kỷ 20, 21 dần xuất hiện - tất cả đều khao khát ghi dấu bản thân mình ở Yosemite.

Điều chỉnh bản thân
Sống cùng thiên nhiên giúp ta nghiệm ra nhiều điều mới mẻ. Ảnh: Khải Đơn

Hiện diện gần thiên nhiên khiến con người tương tác và điều chỉnh bản thân mình, để trở nên mạnh mẽ và khéo léo tuyệt vời trong sinh tồn hàng triệu năm qua. Người tìm đến núi để bày tỏ khao khát được mạnh mẽ, để thấy giác độ khác của sự trưởng thành trong tinh thần và thể chất. Sự im lặng kỳ bí của núi như đẩy tinh thần người vào những vùng trắng trong suốt cực điểm – nơi họ chẳng còn chọn lựa nào ngoài sinh tồn và đối thoại với bản thân trong im lặng và thành thật.

Sự khiêu khích của độ cao, cảm giác trống rỗng và thèm khát được sống khi bấu mình trên đá cho tôi ý thức về sự sống của mình: không mơ hồ, không nhuốm những gia vị màu mè của thế giới hiện đại, không tô vẽ ồn ào hay xao động... mà chỉ có bản thân.

Suốt vài tháng, chúng tôi lang thang ở Yosemite, Grand Canyon, ở Navajo National Park, ở Red River Gorge, ở Red Rock Canyon, Zion, Escalante... Tôi nhìn thấy những chú thỏ bé xíu, con cầy hương băng qua đường, đàn la trong thung lũng đi dạo, bóng một con gấu từ rất xa đứng nhìn người nghiêm trang rồi lặn dần vào bóng tối. Cây cối như sống trong trường tưởng tượng của riêng chúng. Một đời sống khác. Một phương pháp sinh tồn và thở khác, mà thường tôi chỉ đọc trong sách hay coi sự tồn tại đó là ngẫu nhiên cạnh mình.

Cây cối tạo ra sự sinh tồn như dải màu sắc, biến đổi theo mùa, cử động theo nhiệt độ, phản ứng theo thời điểm của ngày. Cây đuôi thỏ trong thung lũng nếu xanh hơn thì dưới đáy hẻm núi đó là mạch nước ngầm. Cây thông xanh biếc tồn tại hàng chục năm dài giữa hoang mạc hiếm lần nào mưa. Vài bông cúc dại chỉ cần một đêm ẩm ướt mùa xuân là nhuốm vàng cả thung lũng. Người bộ hành, dù biết mình chết khát, cũng không được vục tay uống nước từ khe đá chảy ra nếu dòng nước trong veo chết chóc, không loài côn trùng nào sống được.

Kỳ diệu. Bé nhỏ. Vĩ đại. Sự xao động tự nhiên đó, con người đã học bao nhiêu để rồi quên mất tất cả – để từ chối sự tồn tại của những sinh vật sống hòa bình cạnh mình – mà ly khai bản thân vào thành thị, quay lưng với sự hài hòa, yên tâm?

Giữa đại dương

Phần sau của chuyến đi là những tháng chúng tôi lái xe từ San Francisco dọc theo The Big Sur, đi ôm sát vực biển California và xuống Mexico, dừng chân tại hàng trăm bãi biển để lướt sóng mỗi ngày. Tâm hồn của California – như trên mọi tấm poster xa lạ mà thế giới từng thấy – là những thanh niên trẻ ăn mặc gợi cảm – đẩy ván ra bờ biển và đứng thẳng trên sóng biển tấp vào bờ.

Tôi học lướt sóng trước chuyến đi vài tháng, trong thời gian sống ở Bali và West Java. Mỗi buổi sáng dậy, chúng tôi tìm đường đi bộ xuống vực biển đang lao xao, dưới ánh mặt trời đỏ cam trong vắt của California, nước biển lạnh buốt. Sóng biển ở California như một thế lực khổng lồ chực chờ xa tít tắp ngoài Thái Bình Dương. Từ bất cứ đồi cao nào, con người cũng thấy đại dương khổng lồ vây bọc trước mặt. Sự choáng ngợp khiến con người bé nhỏ, đơn độc, và nhận ra rằng chỉ có sự hiểu biết mới khiến mình sống còn.

Mỗi chiều mặt trời tàn lụi như đốm lửa hồng, tôi rời biển, quay trở vào bờ bằng tấm ván và con sóng cuối cùng. Nước biển ngấm vào thân thể. Mùi của rong rêu còn nguyên. Đâu đó, những đàn cá vội vàng quay lưng khi đua nhau theo người lướt sóng chạy đuổi một con sóng. Thiên nhiên gần gũi quá. Gần gũi trong suốt như đáy biển san hô rập rờn, cỏ rong xanh biếc, và con hải cẩu lơ mơ bơi tới lui tìm bầy cá làm mồi.

Núi là bài toán mà tự nhiên bày vẽ. Đại dương là một khẳng định hùng hồn của vô tận. Lướt sóng mỗi ngày. Đối thoại với đá nhiều tháng. Tôi tưởng mình như kẻ lơ ngơ, mất lối trong đời, nhưng cũng chẳng cầu mong một định hướng nào xa xôi cho sự sống trước mặt. Thiên nhiên trao vào ngực tôi nhịp đập mới – thứ tình yêu mến trong lành, không khổ sở cực đoan, không gồng kéo điều kiện.

Chỉ là con cá heo thấy vui đòi vần vũ theo sóng biển. Chỉ là con cáo đỏ muốn sưởi ấm mình mà vươn vai đứng dưới chân núi nhìn lên.

Chỉ là tôi học cách sống theo một phương diện khác – sống bằng xung động cùng thiên nhiên – trên chiếc camper dấu yêu của mình.

Khải Đơn tên thật là Phạm Lan Phương, đã thực hiện chuyến đi dài 11 tháng, cùng người bạn là nhà thám hiểm đi vòng quanh nước Mỹ để leo núi và lướt sóng. Cô thực hiện chuyến đi sau thời gian dài bị kiệt sức vì công việc và tổn thương về cảm xúc. Lướt sóng đã giúp cô vượt qua tình trạng sức khỏe xuống dốc và cảm xúc bất ổn.Sau chuyến đi, cô viết tập sách “Đi thật xa trên một chiếc camper” – nói về những trải nghiệm sau một năm dài của sự tự chữa lành nhờ thiên nhiên và yêu thương bản thân.

Khải Đơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khám phá đầm lầy, lướt ván đứng… tại quận Indian River

0
(SGTTO) - Trải dài từ bờ biển Sebastian đến thành phố Vero Beach, Indian River thuộc bang Florida, Mỹ, có những kỳ quan sinh...

Thăm Galápagos để chiêm nghiệm về thế giới tự nhiên

0
(SGTTO) – Trong cuộc đời mê dịch chuyển của mình, bạn đừng bỏ qua quần đảo Galápagos, Ecuador. Những ngày lang thang nơi đây...

Tắm mình tại 11 khu rừng tuyệt đẹp trên thế giới

0
(SGTTO) - 11 khu rừng xinh đẹp sau đây trên thế giới sẽ giúp bạn "tắm rừng", giải toả ưu phiền. Tắm rừng và...

Những cánh rừng bí ẩn gợi sự tò mò nhất thế...

0
(SGTTO) – Giây phút ngắm nhìn những khu rừng thật tuyệt diệu, đưa con người ta gần hơn với thiên nhiên quên hết muộn...

Đến Seattle ngắm rừng thông, núi tuyết mùa hè và trải...

0
(SGTTO) – Được bao quanh bởi đồi núi và những vịnh biển, Seattle làm nức lòng du khách bởi vẻ đẹp hài hòa với...

9 điều giản dị nên trải nghiệm khi ghé thăm vùng...

0
(SGTTO) - Guatemala, châu Mỹ, là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới có phần đông dân số vẫn mặc trang...

Kết nối