(SGTT) - Hiếm có hướng dẫn viên du lịch nào có cái tết trọn vẹn với gia đình vì họ đã chọn một nghề đặc biệt, khi nhà nhà rộn rã cùng du xuân thì họ phải chia tay người thân để lên đường, đem đến niềm vui cho du khách.
Trên những cung đường tour mùa xuân đó, niềm vui cũng có nhưng những phút chạnh lòng nhớ tết, nhớ người thân cũng đầy ăm ắp.
Những người ăn tết trước
Anh Phạm Văn Út, 29 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tại điểm Cồn Sơn, thành phố Cần Thơ, vẫn nhớ như in cái tết xa nhà đầu tiên vào năm 2016. Lúc đó, Út dẫn đoàn khách Việt kiều đi du lịch Nha Trang, định bụng sẽ thật vui vẻ, tạo trò vui trong suốt bữa trò chuyện với khách vào đêm giao thừa để tạo không khí tưng bừng chào đón năm mới. Thế nhưng, khi pháo hoa bừng sáng rồi lời ca tha thiết của bài hát Happy New Year vang lên, anh bỗng khựng lại.
“Tự nhiên nhớ nhà quá nên mắt cứ rưng rưng”, anh Út kể. Đến nay, khách du lịch đến Cồn Sơn nhiều hơn, anh được ở gần nhà hơn nhưng tết nào cũng đi suốt.
Nhiều tuổi nghề hơn Út, anh Trương Phước Khang, hướng dẫn viên của Bến Thành Tourist, có đến hơn 10 cái tết liên tục xa nhà. May mắn thì có tour khởi hành vào sáng Mùng 1 còn không là phải đi suốt cho nên cứ gần tết là anh phải tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, cho vợ con đi chơi trước để sẵn sàng lên đường. Nếu đưa khách đến những nơi cũng đón Tết Nguyên đán giống người Việt như Hồng Kông, Trung Quốc hay Hàn Quốc thì còn có chút không khí xuân, bằng không thì cứ làm việc như ngày thường. Phút mủi lòng nhớ nhà, nhớ vợ con thường chỉ đến vào thời điểm giao thừa.
“Cho dù kinh nghiệm một năm hay 10 năm thì cũng vậy thôi. Khoảnh khắc đó đặc biệt lắm, đã tự nhủ lòng là công việc phải làm nhưng đôi khi cũng chạnh lòng, lúc mọi người đoàn tụ đón năm mới mình phải xoay vần với công việc”, anh Khang nói.
Số lượng người Việt đi du lịch tết ngày càng nhiều và gần như không còn kiêng kỵ chọn ngày xuất hành. Dù 30 tháng Chạp hay Mùng 1 Tết, du khách vẫn lên đường nên tần suất làm việc và xác suất phải đón tết xa nhà của những hướng dẫn viên như anh Út, anh Khang ngày càng cao.
Ở nhiều công ty lữ hành như Bến Thành Tourist, Hoàn Mỹ... 100% hướng dẫn viên khối du lịch nước ngoài phải làm việc xuyên tết. Với những nơi có lượng khách lớn cùng đội ngũ hướng dẫn viên hùng hậu hơn như Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, số lượng hướng dẫn viên nhiều năm phải ăn tết xa nhà cũng lên đến 80%. Còn lại là những người đã đi xa quá nhiều năm nên công ty sắp xếp luân phiên để hướng dẫn viên có thể sum vầy với người thân sau những năm dài vắng mặt.
Tại nhiều công ty, nhóm hướng dẫn viên thường được tổ chức cho ăn tết trước, nghỉ tết sớm hơn tất cả những nhân viên khác. Tuy nhiên, ít có người tận dụng được khoảng thời gian này để vui chơi vì đây là thời gian những thành viên trong gia đình còn bận đi học, đi làm.
“Có mỗi cái tết lúc bà xã chuẩn bị sinh con là tôi ở nhà. Hồi con còn bé, trước tết hoặc sau Mùng 10, khi đã xong việc là có thể đưa đi du lịch bù lại nhưng nay cứ phải khất vì đến ngày mình về thì con lại đi học nên thằng nhỏ cứ nhắc hoài”, anh Lương Thanh Xuân, một hướng dẫn viên tự do nói. Anh cho biết dù những ngày xuân làm việc có thu nhập tốt hơn nhưng đôi khi cũng có chút ngần ngại khi nhận tour vì nhớ đến những lời trách nhỏ của con trẻ.
Đi tour tết phải khác
Điểm khác đầu tiên là ở hành lý của hướng dẫn viên, đặc biệt là những người dẫn khách đi nước ngoài. Ngày thường, hành lý của những người phục vụ vốn đã đủ những thứ lặt vặt như chút kẹo ngậm cho đỡ say xe; chút gia vị, chút nước mắm... để khách đỡ nhớ món Việt thì ngày tết còn lỉnh kỉnh hơn.
Nhiều người mang theo bánh mứt, hạt dưa, dưa món... để thêm phần không khí tết cho bữa ăn của khách ngày đầu năm. Với những nước cho phép mang bánh tét, bánh chưng vào, anh em hướng dẫn viên cũng không ngần ngại mang theo một ít để dành cho những lúc đặc biệt này. Và như hiểu được tấm lòng này, khách đi du lịch tết dường như cũng dễ tính, vui vẻ và cũng dễ kết thân hơn nên quá trình phục vụ khá thoải mái.
Điểm khác nữa là những cảm xúc mới mẻ trên mỗi đường tour. Vẫn là những cung đường, những vùng đất hay là những người mà hướng dẫn viên đi qua, đi lại và gặp gỡ nhiều lần, đến mức tưởng đã quá quen thuộc nhưng vào ngày tết lại trở nên rất khác biệt.
Như anh Khang, dù đã đến Hồng Kông rất nhiều nhưng vẫn nhớ hoài lần được xem pháo hoa tuyệt đẹp rồi hòa mình vào dòng người hân hoan diễu hành đón năm mới. Hay như anh Út vẫn rất thích những buổi sáng sớm Mùng 1 tất tả xuống nhà các má, các dì chuyên làm các món bánh dân gian ở Cồn Sơn cùng soạn sửa đón du khách đến chơi.
Còn với anh Xuân, ấn tượng đẹp nhất là dẫn khách nước ngoài đi Tây Bắc mùa tết. “Tây Bắc đã đẹp rồi nhưng đến đây mùa tết thì lại càng thích, đặc biệt là đi cùng với khách nước ngoài. Họ liên tục bày tỏ sự thích thú khi thấy nét văn hóa khác biệt của người miền cao phía Bắc và sự đặc sắc trong cách đón tết ở vùng quê này nên mình cũng thấy vui theo”, anh Xuân nói.
Có thêm nhiều kinh nghiệm
Nhiều hướng dẫn viên còn “bật mí” một lợi ích nữa của việc dẫn tour tết là giúp hướng dẫn viên có thêm nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống. Vào lễ hội đặc biệt này, nỗi lo lớn nhất của người dẫn khách không phải là khách hàng khó tính mà là chuyện dịch vụ có thể thay đổi, đặc biệt là chuyện vận chuyển hàng không, ùn ứ ở sân bay hay những dịch vụ ăn uống, vui chơi trong nước vốn thường quá tải vào những ngày lễ.
Vì thế, những người có kinh nghiệm thường nhắc nhở anh em mới đi tour tết lần đầu là vào những ngày này dù đã đặt trước nhưng vẫn luôn phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng “canh” nhà bếp để có thức ăn sớm cho khách hay đến điểm tham quan thì phải “liếc dọc liếc ngang” để khách không bị lạc...
Với tour nước ngoài, hướng dẫn viên lại có những điều khó khăn khác. Đặc biệt, với những điểm đến có mùa đông quá lạnh, thời tiết thất thường, hướng dẫn viên phải biết “trông” thời tiết để tính toán, lên kế hoạch thay thế từ sớm. Vì chỉ cần một trận bão tuyết hay một cơn mưa làm đường trơn, đi chậm là cũng có thể phải thay đổi tour, dời hàng loạt dịch vụ ăn uống, tham quan đã được chuẩn bị trước. “Xuất hành đầu năm chỉ mong tour tết suôn sẻ chứ lỡ có trục trặc gì thì không những khổ mình mà nhiều anh em điều hành ở nhà cũng bớt vui vì phải cùng giải quyết sự cố”, anh Khang nói.
Cuối cuộc trò chuyện, anh Khang – người hướng dẫn viên có nhiều năm kinh nghiệm – tâm sự, hầu như những người làm dịch vụ như anh đều hiểu việc phải đón tết xa nhà, thậm chí không có cái tết đúng nghĩa là điều đương nhiên của nghề hướng dẫn viên du lịch. Đã chọn nghề thì phải chấp nhận. Thế nhưng, anh vẫn không tránh được chút bâng khuâng mỗi khi nghe tiếng nhạc xuân hay nhìn thấy pháo hoa sáng bừng đón năm mới khi xa nhà.
Và những lời chia sẻ về một chút bùi ngùi, vài khó khăn trên những đường tour tết như nói trên chỉ là vài câu chuyện để người khác hiểu thêm về nghề hướng dẫn viên, không phải là lời than phiền. Với anh Khang, tết vẫn rất vui và nếu dẫn tour tốt, làm cho người khác có thêm niềm vui trong những ngày xuân thì coi như đã có lộc đầu năm.
Khánh Lam