(SGTT) - Ruột non là cơ quan đảm nhiệm phần lớn vai trò đưa dưỡng chất vào cơ thể, nhưng mức độ hấp thu lại phụ thuộc vào trạng thái cân bằng của hệ vi sinh đường ruột. Khi hệ vi sinh rối loạn, khả năng tiếp nhận vitamin, khoáng chất và vi chất thiết yếu suy giảm rõ rệt, không chỉ làm giảm hiệu quả dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến miễn dịch và quá trình trao đổi chất toàn thân.
- Người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng các loại nước uống tốt cho sức khỏe
- Sức khỏe tâm thần tuổi teen: nhận biết, can thiệp và phòng ngừa
Mối tương quan giữa sức khỏe đường ruột với khả năng hấp thụ dưỡng chất
Vitamin và khoáng chất được hấp thụ chủ yếu qua ruột non nhưng hiệu quả lại phụ thuộc vào hệ vi sinh vật đường ruột. Lợi khuẩn khỏe mạnh giúp phân giải chất xơ thành axit béo chuỗi ngắn (SCFA), hỗ trợ nuôi dưỡng niêm mạc ruột và tăng khả năng hấp thu các loại khoáng chất như canxi, magie.
Ngược lại, mất cân bằng vi sinh – tức là lợi khuẩn suy giảm và hại khuẩn gia tăng – sẽ gây suy giảm enzyme tiêu hóa, làm yếu hàng rào ruột, khiến khả năng hấp thu các vitamin B, D, sắt, magie giảm tới 40%, theo nghiên cứu của Gut Microbiota Research (2023).

Phương pháp cải thiện sức khỏe đường ruột
Tăng cường chất xơ tự nhiên
Chất xơ là nguồn “thức ăn” chính của lợi khuẩn. Khi được đưa vào đại tràng, chất xơ lên men để tạo ra các axit béo có lợi, gián tiếp hỗ trợ hấp thụ khoáng chất. Để đảm bảo lượng chất xơ cần thiết, nên ưu tiên bổ sung rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu và trái cây còn vỏ trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Bổ sung thực phẩm lên men
Các lợi khuẩn như Lactobacillus và Bifidobacterium không chỉ giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột mà còn có khả năng tổng hợp nội sinh các vitamin nhóm B và K, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và trao đổi chất. Các thực phẩm lên men giàu lợi khuẩn như sữa chua, kim chi, miso (tương đậu Nhật Bản) là nguồn bổ sung tự nhiên giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đường tinh luyện
Thực phẩm chế biến sẵn, đường và tinh bột tinh luyện là “nguồn sống” của vi khuẩn có hại. Tiêu thụ quá nhiều nhóm thực phẩm này khiến hệ lợi khuẩn suy yếu, gây viêm ruột và tổn thương niêm mạc, từ đó cản trở quá trình hấp thu vi chất. Đặc biệt, các loại đồ uống giàu fructose còn có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ ruột, tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch.

Duy trì giấc ngủ đủ và kiểm soát căng thẳng
Ngủ không đủ giấc hoặc căng thẳng kéo dài sẽ phá vỡ nhịp sinh học của đường ruột, làm rối loạn nhu động và phá vỡ sự cân bằng hệ vi sinh. Các chuyên gia nhấn mạnh phải duy trì chất lượng giấc ngủ từ 6–8 giờ mỗi đêm, kết hợp với các bài tập thư giãn như thiền, vận động nhẹ, sẽ giúp cải thiện sức khỏe đường ruột rõ rệt.
Hiểu và sử dụng thực phẩm chức năng đúng cách, đúng thời điểm
Hiệu quả hấp thu của thực phẩm chức năng không chỉ phụ thuộc vào thành phần mà còn vào phương pháp và thời điểm sử dụng. Các vitamin tan trong dầu như A, D, E và K nên được uống sau bữa ăn chứa chất béo để cơ thể hấp thu tối ưu.
Trong cơ chế hấp thu khoáng chất, sắt và canxi không nên sử dụng cùng lúc do cùng được hấp thụ tại ruột non, hai vi chất này cạnh tranh trực tiếp, khiến canxi dễ làm gián đoạn khả năng hấp thụ sắt, đặc biệt là ở những người thiếu máu. Do đó, sắt và canxi nên được uống cách nhau ít nhất 2 giờ.
Ngược lại, vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, đặc biệt là sắt từ thực vật, bằng cách tăng độ axit trong dạ dày – điều kiện cần để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Vì vậy, sử dụng thực phẩm sắt, đặc biệt là người ăn chay hoặc thiếu máu nên kết hợp với vitamin C (như nước cam, chanh hoặc viên uống) để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Với nhóm sản phẩm men vi sinh (probiotics) và chất xơ hòa tan (prebiotics), hai thành phần thiết yếu cho hệ vi sinh đường ruột, nên dùng khi bụng đói hoặc trước khi ngủ. Đây là thời điểm hệ tiêu hóa ít hoạt động, giúp tăng tỷ lệ sống sót của lợi khuẩn trong đường ruột.
Theo Wkorea, Tistory