Thứ hai, Tháng năm 5, 2025

Đại lễ Vesak 2025: Khai mạc triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam

(SGTT) – Sáng 5-5, triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TPHCM), giới thiệu 87 bảo vật quốc gia thuộc lĩnh vực Phật giáo.
Triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam vào sáng 5-5. Ảnh: Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam

Lần đầu tiên, toàn bộ 87 bảo vật quốc gia thuộc lĩnh vực Phật giáo được giới thiệu tới công chúng trong cùng một sự kiện – triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam” tổ chức tại Đại lễ Vesak 2025.

Một số hiện vật được phục dựng công phu, tiêu biểu như tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ba pho tượng Phật Tam thế chùa Linh Ứng... Những bảo vật này đại diện cho các thời kỳ du nhập, hình thành và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam.

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không gian triển lãm mang ý nghĩa tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của Phật giáo Việt Nam, trải dài qua hàng ngàn năm. Bên cạnh việc trưng bày 87 bảo vật quốc gia, triển lãm còn giới thiệu hệ thống hình ảnh, tư liệu và trích đoạn thuyết minh nhằm làm nổi bật giá trị đặc biệt của các hiện vật đang được lưu giữ tại nhiều bảo tàng, tự viện và di tích trên cả nước.

Các bảo vật không chỉ dừng lại ở tượng thờ, phù điêu hay pháp khí mà còn bao gồm kinh sách cổ, mộc bản, hiện vật thờ tự... mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo từ các triều đại Lý, Trần, Lê đến Nguyễn. Mỗi bảo vật đều gắn liền với một thời kỳ lịch sử cụ thể, phản ánh sự hòa quyện giữa nghệ thuật, tín ngưỡng và tư tưởng triết lý Phật giáo.

Đây không chỉ là những di sản vật chất quý giá mà còn là minh chứng sinh động về vai trò của Phật giáo trong đời sống tinh thần của người Việt qua các thời kỳ.

Bổ sung cho phần trưng bày các bảo vật, triển lãm còn giới thiệu những không gian văn hóa đặc sắc như nhạc cụ truyền thống, trà đạo, pháp phục, sắc phong, tranh ảnh... Mỗi khu vực đều thể hiện giá trị thẩm mỹ đồng thời hàm chứa tâm hồn, phong tục và bản sắc dân tộc. Qua đó, triển lãm góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền và lan tỏa tinh thần Phật pháp trong đời sống hiện đại.

Cũng trong sáng 5-5, vào lúc 10:00 giờ, lá cờ Phật giáo (Đại Phật kỳ) có diện tích 500m² được kéo lên, cùng với nghi thức thả khí cầu cao 10m mang chữ ký của đại biểu và quan khách. Hai hoạt động này tạo điểm nhấn trang trọng, khởi đầu cho chuỗi sự kiện tại không gian triển lãm đặc biệt này.

Đại lễ Vesak 2025 do Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức. Dự kiến có 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Vesak 2025 diễn ra từ ngày 6 đến 8-5 ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM. Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức, trước đó ở Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (năm 2014) và Hà Nam (năm 2019).

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tây Ninh hoàn tất chuẩn bị đón đoàn Vesak 2025

0
(SGTT) - Tỉnh Tây Ninh đã hoàn tất công tác chuẩn bị đón tiếp, hướng dẫn đoàn đại biểu Đại lễ Vesak Liên Hợp...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật Phật giáo quốc tế...

0
(SGTT) - Nằm trong chuỗi hoạt động Đại lễ Vesak, chương trình Giao lưu Âm nhạc Nghệ thuật Phật giáo quốc tế 2025 sẽ...

Từ rạng sáng, dòng người nối dài hàng cây số vào...

0
(SGTT) - Rạng sáng 4-5, hàng ngàn chư Tăng Ni, Phật tử và người dân từ TPHCM cùng các tỉnh lân cận đã có...

Lễ chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng...

0
(SGTT) – Lễ khai mở chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức ở Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TPHCM)...

Các hoạt động văn hóa Phật giáo trong Đại lễ Vesak...

0
(SGTT) - Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra tại TPHCM từ ngày 6 đến 8-5 với chủ đề “Đoàn kết và...

Lễ cung đón xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni...

0
(SGTT) - Sáng 2-5, tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang trọng tổ chức lễ...

Kết nối