(SGTT) - Trăm người như một, tay thoăn thoắt làm việc, tiếng cười giòn giã vang khắp không gian cao rộng. "Trái tim" của làng rộn rã vào mùa thay áo mới, như một nghi lễ thiêng liêng phản chiếu tâm hồn con người và vẻ đẹp nguyên vẹn của văn hóa xứ sở, trong niềm kiêu hãnh của người Ba Na.
- Lễ cầu mưa trên đỉnh Chư Tao Yang của người Jrai ở Gia Lai
- Cận cảnh ‘suối đá đĩa’ triệu năm ở Gia Lai
- Khám phá kiến trúc độc đáo của nhà thờ Yali ở Gia Lai
Việc của làng

Những ngày đầu tháng Tư, người làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) đang tất bật sửa lại nhà rông, đó là công việc hệ trọng nhất của làng. Mọi người í ới gọi nhau từ khi cái nắng còn chưa bắt đầu ló ra trên chỏm núi, rồi từng đoàn người cứ rầm rập bước chân hướng đến nhà rông - “trái tim” của làng Ba Na miền cao nguyên xa xanh.
Những đám trai thoăn thoắt dựng tre làm cầu thang, con gái tỉ mẩn lựa tranh bó lại thành từng bó dựng sát vào nhau, những người già chẻ mây, vót lạt, bọn trẻ nít tung tăng vây quanh mỗi đám người một chút, rồi tụ tập dưới bóng cây to phía trước sân nhà rông chơi mấy trò quen thuộc. Phía gần đó, những người già như già Sôl, già Yưuh, già Chor... cùng mấy bô lão trầm ngâm nhìn về hướng nhà rông đang sửa chữa mà ước lượng, tính toán.

Nhà rông vẫn được dựng hoàn toàn thủ công, sử dụng những vật liệu truyền thống như tranh, tre, nứa, lá và mây lạt mộc mạc, giữ nguyên tinh thần bao đời nay truyền lại. Đặc biệt, nhà rông này còn lớn hơn cả nhà rông ở làng Kon Klo (Kon Tum) – nơi từng được xem là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên.
“Quý lắm, nó là trái tim của cả làng, của cả Ba Na mình!”, Già Sôl bộc bạch như thế khi nhìn người làng làm việc. Sửa chữa nhà rông là việc của làng, phải mất khoảng một năm chỉ để chuẩn bị nguyên vật liệu. Cả làng cùng chung tay. Đàn ông, thanh niên thì vào rừng lấy gỗ, tre, mây, nứa; còn phụ nữ thì đi lấy tranh về lợp mái.

Nhà rông này được dựng lại sau khi nhà rông cũ bị cháy. Đó là hồi cuối mùa khô năm 2015, ngọn lửa đã thiêu rụi nhà rông và nhiều ngôi nhà cổ khác ở làng Kon Sơ Lăl cũ, cách làng mới chừng 3 km. Phải mất gần 2 năm chuẩn bị thu thập nguyên liệu, tới năm 2017 ngôi nhà rông mới được dựng lại. Đến nay cũng đã 8 năm trời, những phần mái theo thời gian gió mưa đã mục nát.
Già Sôl bảo, theo phong tục Ba Na, lúc bắt đầu xây dựng, già làng thông báo quyết định làm nhà rông cho tất cả thành viên trong làng được biết trước một năm để tập trung dân làng và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yang để xin phép cho làng thực hiện.
“Làng không có nhà rông như nhà không có bếp, như buổi sáng không có tiếng gà gáy, như ban ngày không có ánh mặt trời!” Già Sôl bảo với người làng như thế khi quyết định cùng cả làng góp công góp của dựng lại nhà rông mới.
Già làng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của. Những mái nhà rông được lợp chủ yếu bằng cỏ tranh. Đan mái lợp không khó khi đã thuần tay, nhưng để tìm ra số lượng cỏ tranh đủ để lợp mái tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả, nhất là khâu đi lấy cỏ tranh về làm.

Để lợp một mái nhà rông cao vút như thế này, nguyên liệu cỏ tranh ở xung quanh là không đủ. Lấy hết ở gần, người làng lại phải đến những nơi xa mới có được nguyên liệu. Không chỉ đi xa, việc chặt và vận chuyển tranh mới thực sự nặng nhọc, vất vả bởi cỏ tranh rất sắc và có thể để lại nhiều thương tích.
Đoạn đường lấy nguyên liệu ngày càng xa, khó khăn vận chuyển nên người làng thường tranh thủ lúc trời nắng ráo để đi chặt. Do vậy, thường trong gia đình, việc đi lấy tranh do người đàn ông, thanh niên đảm nhận. Đàn ông Ba Na trước khi lấy vợ phải biết đẽo cái cây, dựng cái nhà để ở, đan cái gùi để đựng, nắm được những kỹ thuật cơ bản trong việc dựng nhà rông.

Bắt đầu sửa chữa từ những ngày đầu tháng 4-2025, dự kiến việc sửa chữa nhà rông có thể mất từ 2-3 tuần. Từng ngày khi cái nắng cao nguyên rát bỏng đổ xuống, những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi vẫn luôn nở nụ cười, thi thoảng có tiếng ai đó kể một câu chuyện vui là cả trăm người lại cười rộ lên. Trăm người như một, họ đồng lòng mang sức vóc của mình làm cho trái tim Ba Na đẹp đẽ hơn, vững chãi hơn, sừng sững hơn.
Nhà rông không có vỉ kèo, khung nhà được buộc lại bằng mây, tre lạt. Mái nhà rông lợp dày đến 20cm, ốp vào nhau như hình lưỡi rìu khổng lồ hướng thẳng lên trời cao. Dẫu mái nhà rông chỉ được đan chéo bằng nhiều dây mây, dây lạt vào từng thân cây gỗ, thân tre nhưng vẫn rất chắc chắn và kiên cố. Những thanh niên dũng cảm, không sợ độ cao trong làng thực hiện công việc lợp mái khó nhọc ấy.

Với một công trình thủ công đồ sộ ấy, điều đặc biệt là không cần một bản vẽ thiết kế nào, nhưng trong trí nhớ của những già làng không biết chữ, từng góc cột, góc kèo, từng nan mây, từng hoa văn của nhà rông cũ đã hằn in như thể từ trong ấy cuộn cuộn tuôn ra tri thức, ra chất xám, ra văn hóa, ra kinh nghiệm, ra từng trải... để dẫn dắt người làng từng chút một, bởi nó được làm từ những đôi tay, khối óc và trái tim dân làng với ký ức không bao giờ quên lãng về nhà rông cũ.
Cứ thế từng ngày qua đi, mái nhà rông từng bước được hoàn thiện.
Niềm kiêu hãnh Ba Na
Từ bao đời nay, nhà rông là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên cao nguyên. Ðối với các buôn làng dân tộc Ba Na, sự tồn tại của làng gắn với nhà rông là mối quan hệ không thể tách rời. Nhà rông là một tác phẩm nghệ thuật lớn, bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí… đặc biệt là sự thể hiện không gian thiêng liêng, sức mạnh cộng đồng, là linh hồn của Ba Na ở miền sử thi này.

Nhà rông thường được bố trí nằm ở vị trí trung tâm của buôn làng. Mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc và trang trí. Dân làng Kon Sơ Lăl có một đặc sản quý giá, to đẹp hơn cả, chính là ngôi nhà rông kỳ vĩ giữa làng. Đó là tất cả tâm tư, tình cảm, là máu thịt, mồ hôi của cả dân làng, từ già, trẻ, gái, trai cùng chung tay góp sức. Đó là ngôi nhà rông Ba Na truyền thống thâm nghiêm, vững chãi dù đối mặt với làn sóng bê tông hóa.
Nhà rông được coi như một không gian cộng đồng của làng, là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của làng, là nơi đón tiếp và lưu giữ khách mỗi khi đến làng. Vì vậy, việc sửa chữa hay làm lại nhà rông là việc lớn của cả làng – lớn hơn cả việc về nhà mới vậy. Nhà rông Kon Sơ Lăl hiện là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên, với chiều dài 23m, cao 20m, rộng chính giữa 12m, rộng hai bên mỗi bên 10m.

Nhà rông là hồn cốt dân tộc, là văn hóa mà ông bà để lại từ hàng ngàn đời nay. Vì vậy, già Sôl luôn tìm mọi cách để giữ gìn vốn quý đó. Thời gian qua, nhà rông của làng đã xuống cấp nhiều quá. Người già trong làng đưa đôi mắt buồn hoang vắng nhìn những cọng tranh của nhà rông còn sót lại, như cố giữ lại những ngày hội, những đêm say rượu cần bên nhịp xoang, tiếng chiêng trong tiềm thức.
Không chỉ là nơi linh thiêng, là biểu tượng sức mạnh, nơi đây còn biểu trưng cho tinh thần cộng đồng và tình đoàn kết của đồng bào dân tộc Ba Na. Trong ngôi làng Ba Na này, có những ngôi nhà cũ với nguyên liệu hoàn toàn lấy từ rừng: cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tranh săng. Tuyệt nhiên không tìm thấy một thứ gì bằng kim loại, dù chỉ là một chiếc đinh.

Quần tụ quanh nhà rông vẫn là những ngôi nhà sàn truyền thống không kém phần bề thế, và tất nhiên, những nguyên liệu cũng hoàn toàn lấy từ rừng. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng. Những ngôi nhà tranh lá ấy lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng – không theo trật tự nào nhưng đều quây lấy nhà rông như gà con quây mẹ.
Chiều tà khắc khoải, người làng lần lượt ngừng tay, dừng công việc trong một ngày. Mấy đứa trẻ đứng quanh già Sôl, già Yưuh, già Chor và mấy người già khác trong làng. Lũ trẻ hỏi mấy câu gì đó, già Sôl cười, xoa đầu và trả lời bằng tiếng Ba Na. Chỉ thấy lũ trẻ gật đầu, còn đám người già trầm ngâm mơ màng.
Kon Sơ Lăl này là nơi họ được sinh ra, được nuôi lớn – nơi tâm hồn họ thấm đẫm trong văn hóa dân tộc mình. Những người già vẫn thủy chung với văn hóa Ba Na, có lẽ vì trong sâu xa, họ tìm thấy ở đó những gì thiết thân nhất, gần gụi nhất.
Trải qua hàng trăm năm với nhiều đổi thay, những nhà rông – như niềm kiêu hãnh của Ba Na – vẫn luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng. Đó là nơi đào tạo và giáo dục thế hệ kế thừa của dân làng, nơi phát huy truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo dân gian của người dân bản địa, trở thành biểu trưng của các tộc người Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết, quá trình dựng nhà rông có nhiều công đoạn nguy hiểm, đặc biệt là lúc lợp tranh, ghép gỗ. Mỗi khi hoàn thành một công đoạn như vậy, dân làng lại cùng nhau làm lễ, sau đó quây quần dưới công trình để ăn mừng cho sự thành công. Vì vậy, dù công trình có hàng trăm chi tiết lớn nhỏ, được làm hoàn toàn thủ công, nhưng không hề xảy ra tai nạn lao động nào. Việc bảo tồn thành công những ngôi nhà rông như thế này là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng và chung sức của dân làng.
Thời gian gần đây, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều chỉ thị và triển khai các hành động thiết thực nhằm khôi phục những nhà rông truyền thống, vừa giữ gìn bản sắc, vừa nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào. Nhà rông đã trở thành biểu trưng không chỉ của vùng đất Tây Nguyên mà còn là sản phẩm du lịch đặc biệt, thu hút du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.