Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Dùng cả bằng giả lái xe container

Lê Anh

Trước tình hình thiếu tài xế có bằng FC, bằng lái xe container, nhiều doanh nghiệp chấp nhận cả những người chưa có bằng FC, thậm chí sử dụng cả bằng lái xe giả. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe container trong thời gian qua tại TPHCM.

Thiếu nên làm liều

Trước thực trạng nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe container và tình hình thiếu tài xế có bằng FC, ngày hôm qua (11-6), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức buổi tọa đàm tại TPHCM, với hy vọng sẽ tìm ra các giải pháp giảm tai nạn liên quan đến xe container, đồng thời tháo gỡ tình trạng thiếu tài xế như hiện nay.

Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp vận tải có sử dụng xe container mong muốn Bộ GTVT tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cảnh báo về tình trạng thiếu bằng FC, cho rằng trong quá trình hội nhập và thực hiện các hiệp định thương mại, lượng xe container sẽ còn tăng cao nữa chứ không chỉ dừng lại như hiện nay. Nếu bộ không có giải pháp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa. Trong khi lực lượng lái xe bằng C, bằng có thể lái xe loại 11-18 tấn, đang thừa thì bằng FC lại đang thiếu trầm trọng.

Thiếu tài xế, nhiều doanh nghiệp chấp nhận cả những người chưa có bằng FC, thậm chí sử dụng cả bằng giả để lái xe container.    Ảnh: Anh Quân
Thiếu tài xế, nhiều doanh nghiệp chấp nhận cả những người chưa có bằng FC, thậm chí sử dụng cả bằng giả để lái xe container. Ảnh: Anh Quân

Đại diện Công ty Lâm Vinh cho biết doanh nghiệp này hiện có 50 xe, nhưng chỉ có 40 tài xế có bằng FC. Nghe vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu vị này trao đổi thẳng thắn, rằng doanh nghiệp xoay xở tổ chức vận tải như thế nào. “Chúng tôi buộc phải chấp nhận cho tài xế có bằng C lên lái xe container và chấp nhận cả trường hợp bằng FC giả’’, vị này thẳng thắn thừa nhận.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho biết, họ phải nhận cả những tài xế có bằng FC ở các tỉnh khác, kể cả những tài xế đã bỏ nghề đi làm việc khác, nay thấy lái xe có bằng FC được trả lương cao nên quay lại với nghề.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, dù biết rằng sử dụng những người này có nguy cơ gây ra tai nạn do tài xế ở tỉnh khác không thông thuộc địa bàn, hoặc những tài xế lâu ngày không lái xe, phản xạ xử lý tình huống không còn nhanh nhẹn, nhưng doanh nghiệp không còn cách nào khác. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp không giao hàng đúng hẹn sẽ bị phạt hợp đồng.

[box type="bio"] Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2014 cả nước xảy ra chín vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe container. Tuy nhiên, chỉ riêng năm tháng đầu năm 2105, cả nước xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe container tập trung ở Hải Phòng, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Riêng TPHCM xảy ra 10 vụ làm tám người chết và năm người bị thương.[/box]

Sẽ nới điều kiện

Liên quan đến những kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, ông Thọ cho biết, ngày 10-6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý điều chỉnh theo hướng nới lỏng điều kiện lấy bằng FC. Theo đó, những người đã có bằng C, D và E muốn học và thi nâng hạng lên bằng FC chỉ cần đủ 24 tuổi và có tối thiểu một năm kinh nghiệm, cộng thêm 50.000 km lái xe an toàn. Trước đây, quy định này bắt buộc phải có ba năm kinh nghiệm mới được thi.

Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), bộ trưởng chỉ đồng ý điều chỉnh một tiêu chí là số năm kinh nghiệm rút xuống còn một năm, còn các tiêu chí khác vẫn giữ nguyên vì số ki lô mét lái xe an toàn đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nếu bỏ quy định này sẽ phải sửa luật. Hơn nữa, số ki lô mét lái xe an toàn không chỉ quy định đối với ô tô, mà còn đối với cả tàu thủy.

Trước đây, khi Luật Giao thông đường bộ chưa phân biệt giữa hạng C và hạng FC, người có bằng C có thể lái xe container. Tuy nhiên, do xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe container, luật đã tách hai loại hạng bằng này, theo đó quy định thời gian hành nghề bằng C từ ba năm trở lên mới được thi bằng FC.

Nhiều ý kiến quan ngại rằng, để có được chứng nhận tài xế có đủ 50.000 km lái xe an toàn, các doanh nghiệp sẽ khai khống để cho lái xe học và thi bằng FC. Song ông Thọ cho rằng, một khi doanh nghiệp đã ký tên đóng dấu, bản chứng nhận đó sẽ là cơ sở về mặt pháp lý, nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu tai nạn xảy ra.

Một vấn đề cũng được các doanh nghiệp đặt ra, đó là việc thẩm định bằng giả của lái xe. Trao đổi với các doanh nghiệp, vị thứ trưởng cho rằng vấn đề này không khó. Bởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện đã có phần mềm tra cứu, doanh nghiệp chỉ cần lên trang web để tra cứu số bằng, họ tên tài xế là có thể biết ngay đó là bằng giả hay bằng thật. “Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp”, ông Thọ nói.

Hiến kế cho việc giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe container, ông Trần Hữu Toán, Phó trưởng phòng Tuần tra kiểm soát thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, dẫn số liệu thống kê từ Bộ GTVT, cho biết có đến 70-80% các vụ tai nạn là do ý thức của người lái xe. Ông Toán cho rằng đa phần các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định về luật lao động, chẳng hạn như không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mà chỉ tuyển dụng dựa trên bằng lái xe. Cách làm của các doanh nghiệp hiện nay là cứ bỏ tiền ra là xong, miễn sao hàng đến đúng địa điểm giao.

“Hiện nay, doanh nghiệp trả lương cao cho tài xế có bằng FC là sự cạnh tranh không lành mạnh. Lẽ ra, để giữ chân tài xế, giúp họ có ý thức và yêu nghề, các doanh nghiệp phải quan tâm đến đời sống của họ, đóng đầy đủ chế độ bảo hiểm và quan tâm đến đời sống của họ”, ông Toán phát biểu.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến tài xế, thay vào đó cứ khoán trắng cho họ. Tình trạng này phổ biến ở các doanh nghiệp tư nhân. Người đứng đầu hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp nên quan tâm hơn đến đời sống của tài xế để họ yêu nghề hơn.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng để xảy ra tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến xe container có trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả lái xe. Theo ông, khi có chủ trương nới lỏng điều kiện, các cơ quan tham mưu của bộ nên rút ngắn quy trình để sớm ban hành thông tư sửa đổi để thực hiện trong thời gian sớm nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khan hiếm lái xe container

0
Lê Anh Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container tại TPHCM đang mệt mỏi tìm tài xế có bằng FC, bằng có thể...

Kết nối