(SGTT) - Theo ghi nhận từ khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), trong những ngày nghỉ Tết Ất Tỵ đã có nhiều trường hợp đến khám, cấp cứu do đường huyết tăng cao. Trước thực trạng trên, Sài Gòn Tiếp Thị đã có buổi trao đổi với bác sĩ Lâm Quang Thư (*), bác sĩ chuyên ngành nội tiết với 20 năm kinh nghiệm trong ngành y, về những biến chứng cũng như giải pháp cân bằng đường huyết cho người bệnh tiểu đường hậu Tết.
- Bản tin 360 độ sống khoẻ: Mối nguy hại từ trào lưu dùng thuốc tiểu đường để giảm cân
- Cảnh báo về trend dùng thuốc tiểu đường để giảm cân trên TikTok
![](https://cdnsgtt.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/bac-si-Lam-Quang-Thu-2.png)
SGTT: Thưa bác sĩ, có những biến chứng nào thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường sau dịp Tết Nguyên Đán?
Bác sĩ Lâm Quang Thư: Tết đến mang theo không chỉ niềm vui sum vầy mà còn những “cơn bão đường huyết” với bệnh nhân tiểu đường. Theo thống kê của Bộ Y tế tại Việt Nam, hơn 60% bệnh nhân tiểu đường có đường huyết tăng vọt sau Tết, trong đó 30% cần điều chỉnh lại thuốc, thậm chí nhập viện vì biến chứng cấp tính.
![](https://cdnsgtt.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/4-2.jpg)
Những biến chứng thường gặp sau Tết có thể kể đến như tăng đường huyết đột ngột, gây mệt mỏi, khô miệng, tiểu nhiều, hoa mắt; hạ đường huyết do dùng thuốc không đúng cách, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh; biến chứng tim mạch như huyết áp tăng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ; biến chứng thần kinh và mắt dẫn đến tê bì chân tay, mờ mắt, thậm chí nguy cơ mù lòa. Trong đó tăng đường huyết sau tết và hạ đường huyết trong tết là thường gặp nhất.
Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng này là do nhóm thực phẩm tết phần lớn chứa nhiều tinh bột hấp thu nhanh như nếp, đồ ngọt, bánh, kẹo… Có một bệnh nhân của tôi còn chia sẻ thật lòng là “Ngày thường thì ăn uống rất lành mạnh nhưng Tết phải làm mân cúng, cúng xong mà không ăn thì biết làm gì hả Bác Thư?”.
Ngoài ra, lý do dẫn đến hạ đường huyết còn vì bệnh nhân phân tâm quản lý sức khỏe. Tết thì dọn nhà, đi chợ, vui cùng con cháu, tiệc tùng… những việc này làm xáo trộn lịch sinh hoạt thường ngày, hoạt động thể lực nhiều hơn so với bình thường, thuốc vẫn dùng liều cũ, nhiều khi quên cả ăn uống đúng bữa.
SGTT: Vậy theo bác sĩ, những yếu tố nào khiến người bệnh tiểu đường dễ gặp phải biến chứng sau Tết?
Bác sĩ Lâm Quang Thư: Tết là thời điểm mà tất cả các yếu tố gây hại cho sức khoẻ của bệnh nhân tiểu đường đều “hội tụ”. Người bệnh ăn uống mất kiểm soát với các loại thực phẩm như mứt, bánh chưng, rượu bia, đồ ngọt… chứa quá nhiều tinh bột và đường. Bên cạnh đó, Tết là dịp nghỉ ngơi, nhiều người dành cả ngày xem TV, chúc Tết mà quên đi việc phải vận động. Đồng thời, việc thức khuya, ngủ không đủ giấc để tận hưởng, vui chơi trong những ngày Tết vừa qua cũng khiến đường huyết biến động mạnh. Cuối cùng, nhiều người bệnh còn bỏ qua việc theo dõi đường huyết vì nghĩ "Tết mà, thả lỏng chút không sao", nhưng sự thật là một tuần mất kiểm soát có thể kéo theo nhiều tháng phải điều chỉnh sau đó.
SGTT: Những sai lầm thường gặp trong chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường trong dịp Tết và hậu Tết là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lâm Quang Thư: Tôi xin tổng kết một vài sai lầm mà người bệnh tiểu đường thường gặp kèm với đó là giải pháp để người bệnh rút kinh nghiệm cho các mùa Tết sau.
Sai lầm 1: Ăn uống theo cảm xúc, quên mất đường huyết
Giải pháp: Học cách điều chỉnh khẩu phần hợp lý ngay trong bữa tiệc. Bạn hoàn toàn có thể ăn một miếng bánh chưng nhỏ theo như nguyên lý “quy tắc ăn ngược” để giảm tác động từ tinh bột nhanh thành tinh bột chậm hoặc cắt giảm tinh bột ở các bữa khác để không làm tăng đường huyết quá mức.
![](https://cdnsgtt.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/3-3.jpg)
Sai lầm 2: Không có kế hoạch ăn uống từ trước
Nhiều người không lập kế hoạch ăn uống trước Tết, dẫn đến tình trạng "cái gì cũng thử một chút", khiến đường huyết dao động mạnh. Khi đã ăn uống không kiểm soát trong nhiều ngày, bệnh nhân thường hoảng loạn sau Tết, tìm đến các phương pháp giảm cân, detox cấp tốc, dẫn đến suy nhược cơ thể.
Giải pháp: Trước Tết, hãy xây dựng thực đơn linh hoạt, luôn có rau xanh trong bữa ăn để hạn chế hấp thụ đường, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn (mứt, bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp), nếu có tiệc tùng, hãy ăn nhẹ trước khi đi để không ăn uống mất kiểm soát.
Sai lầm 3: Lầm tưởng "thực phẩm lành mạnh" là ăn không giới hạn
Một số người nghĩ rằng chỉ cần ăn trái cây, uống nước ép hay dùng mật ong thay cho đường là tốt cho tiểu đường. Nhưng thực tế, nhiều loại trái cây có chỉ số đường huyết cao (GI cao), dễ làm tăng đường huyết nếu ăn sai cách.
Giải pháp: Chọn trái cây GI thấp như bưởi, thanh long, dâu tây, kiwi, ăn trái cây kèm protein hoặc chất xơ để giảm tốc độ hấp thụ đường, tránh nước ép trái cây, dù là không đường vì vẫn làm tăng đường huyết nhanh hơn so với ăn nguyên quả.
Sai lầm 4: Nghĩ rằng chỉ cần "ăn kiêng" sau Tết là đủ
Nhiều bệnh nhân tiểu đường ăn uống không kiểm soát trong dịp Tết, rồi sau đó cố gắng "bù lại" bằng cách cắt giảm tinh bột hoàn toàn hoặc chỉ ăn rau trong nhiều ngày. Điều này không chỉ khiến cơ thể suy nhược mà còn làm tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức, gây chóng mặt, mệt mỏi, đột quỵ.
Giải pháp: Đừng "ăn bù" hay "cắt giảm cực đoan", mà hãy điều chỉnh dần dần, quay lại chế độ ăn hợp lý từng ngày một.
Cuối cùng, người bệnh cần có bảng kế hoạch theo dõi đường huyết xuyên Tết, theo dõi đường huyết 3 ngày 1 lần, vào các buổi sáng sớm, 2 giờ sau ăn, trước khi đi ngủ (chỉ chọn 1 thời điểm trong ngày có lịch kiểm tra đường).
SGTT: Làm thế nào để người bệnh tiểu đường có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống sau Tết để kiểm soát đường huyết hiệu quả?
Bác sĩ Lâm Quang Thư: Việc đầu tiên là đánh giá sức khỏe sau Tết như việc khám sức khỏe định kỳ chẳng hạn. Đầu năm đi khám sức khỏe tổng quát theo tôi nghĩ là việc làm ý nghĩa, cũng chẳng mất nhiều chi phí, đâu đó dưới 1.000.000 đồng nhưng mình có cái nhìn tổng thể và “tâm an” về sức khỏe.
Ngoài ra, người bệnh cần ưu tiên thực phẩm xanh - ăn theo quy trình ngược: ăn rau trước, đạm sau, tinh bột chậm. Bên cạnh đó, chia nhỏ bữa ăn để giúp đường huyết ổn định, không bị tăng vọt. Việc bổ sung nước và thực phẩm hỗ trợ kiểm soát đường huyết như trà dây thìa canh, khổ qua rừng, trà đen cũng là giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt, người bệnh cần giảm dần lượng tinh bột, không cắt đột ngột. Người bệnh có thể chuyển sang yến mạch, khoai lang, gạo lứt thay vì cơm trắng.
![](https://cdnsgtt.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/2-4.jpg)
Đồng thời, hãy coi vận động như một phần trong chế độ điều trị, không phải việc "tùy hứng". Các phương pháp vận động nhẹ nhàng như đi bộ 15-30 phút sau bữa ăn (giúp giảm 10-20% đường huyết), tập luyện kháng lực nhẹ (giúp cải thiện độ nhạy insulin), yoga và thiền (giúp giảm căng thẳng, ổn định đường huyết) cũng rất tốt đối với việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân.
![](https://cdnsgtt.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/5-2.jpg)
* Kinh nghiệm làm Giám Đốc chuyên môn, giảng dạy nhiều dự án về Tiểu Đường, Giảm cân: Bimemo, Thinsulin…
Chứng nhận Kỷ Lục Gia Việt Nam về chương trình đào tạo dành cho học viên tiểu đường, thừa cân, tim mạch.
Giám Đốc Điều Hành, Nhà Sáng Lập DOC Việt Nam