(SGTT) - Tuy thời đại nào giá trị đó nhưng việc kế tục, tiếp thu, tiếp nối các giá trị truyền thống tốt đẹp trước đây của tiền nhân là việc phải làm. Cái khó nhưng phải làm là chúng ta cần hiểu rõ bối cảnh, ý nghĩa, nguyên tắc, mục tiêu của mỗi hệ giá trị, từ đó mới hòng mong tìm ra cách kế tục, tiếp thu...
- Giữ gìn được những giá trị văn hóa tốt đẹp, Tết mới thật sự trọn vẹn
- Quỹ bảo tồn di sản văn hóa nhìn từ cố đô Huế
Ngã ba đường của những xung đột...
Tôi mới xem một chương trình phỏng vấn rất thú vị với Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu xoay quanh chủ đề “Học văn để làm gì?” trong series chương trình podcast “Từ tốn học”. Khi được hỏi “Học văn để làm gì?”, Tiến sĩ Hiếu nêu một quan điểm cá nhân là “Học văn không phải là học làm người”. Quan điểm đó, không ngoài dự đoán, đã gây nên một cuộc tranh luận trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube. Cuộc tranh luận này dẫn dắt trí nhớ tôi quay lại với một chương trình truyền hình có tên gọi “Nhập gia tùy tục”. Trong một số phát sóng cách đây vài năm, các khách mời là người nước ngoài đã có cuộc tranh luận gay gắt xung quanh quan điểm “Chăm sóc cha mẹ khi về già không phải là trách nhiệm của con cái”. Sự bất đồng còn lan ra cả những người xem. Cho tới bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn quay lại đọc bình luận (vốn luôn được bổ sung hàng ngày) của khán giả và ý kiến tranh luận, dù đã qua vài năm, dường như vẫn chưa hạ nhiệt.
Hai ví dụ nêu trên phản ánh một phần nhỏ bé thực tế đang diễn ra trong lòng xã hội Việt Nam, khi mọi người dường như đang ngày càng trở nên đa nguyên, đa dạng hơn trong việc lựa chọn và theo đuổi các giá trị phù hợp với bản thân mình. Từ cá nhân, gia đình, nhà trường cho tới công sở, xã hội, quốc gia, chúng ta ngày càng bắt gặp nhiều sự khác biệt và va chạm giữa các sự khác biệt đó. Từ việc cá nhân như ăn, mặc, hiếu, nghĩa cho tới việc của cộng đồng xã hội như kinh tế, văn hóa, quốc gia, dân tộc. Các dự án lấp biển, san đồi, bạt núi đang triển khai có đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế không? Tham nhũng mà được việc thì có nên bỏ qua không? Làm giàu bất chấp nhưng lại tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân thì có chấp nhận không? Báo chí là cơ quan ngôn luận của một vài cơ quan, tổ chức hay là tiếng nói trung thực, khách quan của xã hội? Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... không gì là không có góc nhìn, quan điểm khác biệt dựa trên các giá trị khác nhau.
Một trải nghiệm cá nhân sâu sắc của tôi khi phải đứng giữa ngã ba đường của những xung đột giá trị này chính là bản án mà tòa án nhân dân tuyên phạt Lê Văn Luyện đối với hành vi sát hại ba người và gây thương tích nghiêm trọng cho một người trong cùng một gia đình. Hai trong số các nạn nhân là hai em nhỏ. Nhưng bị cáo Luyện chỉ bị tuyên phạt 18 năm tù giam.
Khi bản án được tuyên, có không ít người cả quen và không quen với tôi trên mạng đã vào chất vấn, mắng nhiếc và thậm chí là sỉ vả tôi (chắc họ nghĩ tôi cũng là người đại diện cho pháp luật và công lý vì tôi nghiên cứu, giảng dạy và có tư vấn luật) vì bản án mà họ cho là bất công dù tôi đã cố gắng giải thích rằng bản án đó được tuyên trên một giá trị rất nhân văn mà cả thế giới xiển dương: không tuyên và thi hành án tử hình đối với trẻ em hay người chưa thành niên phạm tội. Cũng hy vọng là sau từng ấy năm, họ đã chia sẻ được với tôi về giá trị nhân đạo phổ quát này. Hoặc ít ra là chấp nhận rằng tồn tại những giá trị khác có thể áp dụng cho việc nhận định, đánh giá đối với vụ việc đó.
Khủng hoảng hệ giá trị?
Cũng phải khách quan mà nhận định rằng một mặt, cái sự khác biệt, bất đồng này phản ánh sự đa dạng và luôn phát triển của xã hội; là một hiện tượng tích cực. Nó phản ánh dân tộc ta đã bắt đầu dần quen và học cách tôn trọng, khoan dung với tự do và khác biệt của mỗi cá nhân được mưu cầu hạnh phúc theo cách riêng của họ. Đấy cũng là động lực cho sự phát triển của kinh tế, văn hóa, chính trị của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Nhưng ở khía cạnh khác, dường như cũng có không ít người nhận ra là sự bất đồng, mâu thuẫn hiện hành là chỉ dấu của một vấn đề hệ trọng hơn: chúng ta đang bị khủng hoảng hệ giá trị! Rằng hình như chúng ta chưa xác lập được một hệ giá trị phù hợp cho dân tộc, đất nước ta trong kỷ nguyên mới này để giúp mỗi cá nhân định hướng hành vi, xã hội định hướng nhận định tập thể, và quốc gia định hướng việc xây dựng chính sách, pháp luật cho phù hợp. Khủng hoảng tới mức nhiều cuộc tranh luận về phải trái, đúng sai của một hành vi, một quy định hay một chính sách bây giờ thường đi vào ngõ cụt bởi không thể tìm được giá trị chung. Rất nhiều tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng hoặc chuyển thành bạo lực dưới nhiều hình dạng khác nhau như ngôn từ hoặc thể chất hoặc chấm dứt trong sự im lặng, không thừa nhận, tôn trọng lẫn nhau. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín lại thành cái cớ để bác bỏ nhau thay vì là giá trị chung để tìm kiếm giải pháp hợp tình, hợp lý.
Còn có thể học được gì, dùng được gì?
Ôn cố tri tân, khi hiện tại không cho chúng ta giải pháp phù hợp thì mọi người có khuynh hướng nhìn lại quá khứ. Hoặc ít ra là bài học lịch sử từ nó. Nhìn lại lịch sử ngàn năm văn hiến thì dân tộc ta có vẻ như không có truyền thống lập ngôn, lập thuyết. Các hệ giá trị mà ông cha ta chấp nhận được du nhập, tiếp biến và phát triển từ những dân tộc, quốc gia bên ngoài.
Đầu tiên là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ trên hệ giá trị tam cương ngũ thường. Cả ngàn năm ông cha ta đã giáo dục cá nhân là: thân chi sơ, tính bản thiện; tính tương cận, tập tương viễn; cẩu bất giáo, tính nãi thiên; giáo chi đạo; quí dĩ chuyên... để xây dựng một xã hội trật tự, chính danh: vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, chồng cho ra chồng, vợ cho ra vợ, con cho ra con. Nhưng từ cuối thế kỷ 19, chúng ta lại bị va chạm một cách áp chế với các giá trị tự do, bình đẳng, bác ái hướng tới các giá trị cộng hòa, dân chủ, pháp quyền. Sau đó từ năm 1945 và nhất là sau năm 1954, chúng ta lại tập trung xây dựng hình ảnh con người mới xã hội chủ nghĩa và đạo đức cách mạng.
Người Nhật đã rất thành công khi biến chữ kinh tế từ ngữ nghĩa tư bản hoang dã là làm giàu một cách bất chấp thành kinh bang tế thế: làm giàu cho mình và cũng là làm giàu cho xã hội. Đó là một ví dụ đáng để học hỏi.
Các hệ giá trị này rõ ràng đã có tác động to lớn tới mọi mặt của dân tộc, quốc gia trong suốt ngàn năm lịch sử. Từ việc định hình đạo đức cá nhân tới xây dựng luân lý của xã hội. Các hệ giá trị này cũng trở thành nền tảng để xây dựng chính sách và ban hành pháp luật quyết định việc thừa nhận, bảo vệ và phân định quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước như chúng ta đã thấy. Quy định về để tang và hình phạt nếu vi phạm đã là quy định đầu tiên trong Quốc triều Hình luật, là phản ánh của nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất - “hiếu”, trong khi bây giờ chúng ta không thể tìm thấy một quy định pháp luật chính thức nào về việc để tang người thân cả. Thậm chí, thừa kế còn từng bị xem như là một phương tiện để duy trì sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất có tác dụng củng cố giai cấp tư sản, do đó, cần bị bãi bỏ.
Trong tình trạng bùng nhùng, đan xen, va chạm, phát triển của các hệ giá trị đó, liệu dân tộc ta bây giờ còn có thể học được gì, dùng được gì?
Mỗi hệ giá trị sẽ phù hợp với một thời kỳ lịch sử
Một điểm có thể nêu ra để thảo luận ngay đó là mỗi hệ giá trị vừa nêu có cơ sở hình thành, bối cảnh phát triển và mục tiêu hướng tới khác nhau. Trong các cuộc thảo luận cả chính thức và không chính thức, tôi thường nêu luận điểm cá nhân rằng hệ giá trị Nho giáo, và thực ra là toàn bộ hệ tư tưởng của văn minh Hoa Hạ, đều hình thành trong thời xã hội loạn lạc, chiến tranh liên miên nên hệ giá trị này có mục tiêu rõ ràng là thiết lập trật tự xã hội trên cơ sở ấn định vị trí và đi kèm với nó là bổn phận của từng cá nhân trong các mối quan hệ mà ngôn từ gọi là chính danh: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bạn - bè. Hệ giá trị này luôn nhìn cá nhân với con mắt nghi ngờ, là mầm mống của bất ổn xã hội. Luân lý xã hội được đồng nhất với đạo đức cá nhân để đảm bảo hành vi của cá nhân phù hợp với trật tự xã hội đã thiết lập sẵn mà thường là duy trì quyền lực của người cầm quyền. Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ. Suất thổ chi tân mạc phi vương thần.
Ngược lại, cộng hòa, dân chủ, pháp quyền trên cơ sở của tự do, bình đẳng, bác ái mà thực dân Pháp mang vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 tuy mang tiếng là công cụ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc nhưng trên thực tế lại phát triển từ nền văn minh Hy - La cổ đại. Hệ giá trị này được xây dựng khi mà Hy Lạp và La Mã ở vào thời kỳ hòa bình, thịnh trị nhất. Khi mà nền văn minh này phát triển rực rỡ nhất về mọi mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và nhất là triết học.
Chính vì vậy, ở trung tâm của hệ giá trị này là niềm tin vào năng lực và đóng góp của con người; rằng con người là một động vật chính trị có khả năng đóng góp vào phúc lợi chung của cộng đồng. Các nguyên lý của tự do, khai phóng, pháp quyền, dân chủ, cộng hòa đều có thể tìm thấy từ hệ giá trị và niềm tin này. Trong hệ giá trị này, đạo đức cá nhân tách rời với luân lý xã hội hay là đức hạnh. Ai cũng có thể theo đuổi đạo đức cá nhân của mình miễn là họ không xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Và hành vi của mỗi cá nhân sẽ được nhìn nhận từ góc độ đức hạnh chung: điều độ/thận trọng - trí tuệ/khôn ngoan - can đảm/kiên cường - công bằng/công lý đã trở thành giá trị chung của xã hội bên cạnh các nguyên tắc đạo đức riêng mà mỗi cá nhân theo đuổi.
Để có thể kế tục, tiếp thu các giá trị truyền thống tốt đẹp...
Như vậy, có thể thấy rõ là mỗi hệ giá trị sẽ phù hợp với một thời kỳ lịch sử với các bối cảnh đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội và kiểu xã hội với các mục tiêu cụ thể mà một cộng đồng mong muốn. “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung” đã là nguyên tắc đạo đức cơ bản dưới thời phong kiến trên cơ sở của hệ giá trị Nho giáo. Nhưng sau đó thì “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” lại trở thành giá trị để xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Con người thần dân hay con người công dân là kết quả của những giá trị khác biệt này.
Tuy thời đại nào giá trị đó nhưng việc kế tục, tiếp thu, tiếp nối các giá trị truyền thống tốt đẹp trước đây của tiền nhân là việc phải làm. Cái khó nhưng phải làm là chúng ta cần hiểu rõ bối cảnh, ý nghĩa, nguyên tắc, mục tiêu của mỗi hệ giá trị, từ đó mới hòng mong tìm ra cách kế tục, tiếp thu. Người Nhật đã rất thành công khi biến chữ kinh tế từ ngữ nghĩa tư bản hoang dã là làm giàu một cách bất chấp thành kinh bang tế thế: làm giàu cho mình và cũng là làm giàu cho xã hội. Đó là một ví dụ đáng để học hỏi.
Khi tôi đọc toàn văn bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tôi rất chia sẻ với cố Tổng Bí thư về những trăn trở và mong muốn của ông trong xây dựng con người mới có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên cơ sở chân - thiện - mỹ với mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là trăn trở của bậc sĩ phu luôn hữu trách với số phận quốc gia, dân tộc. Và tôi cũng nghĩ, đây là câu hỏi đầu tiên quyết định cho câu trả lời “Học văn không phải học làm người” nói ở trên. Con người ở đây chúng ta mong muốn là con người gì?