(SGTT) - Từ trung tâm thành phố Thái Bình, men theo những con đường uốn lượn qua những cánh đồng lúa chín vàng, du khách sẽ đến làng Hới – nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống.
Cách thành phố Thái Bình hơn 40km, du khách đến làng Hới – tên gọi khác của thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, sẽ có dịp tìm hiểu nghề dệt chiếu với lịch sử hàng trăm năm. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Theo trang thông tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, ở làng Hới ngày ấy có cụ Phạm Đôn Lễ, đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi (1481), niên hiệu Hồng Đức thứ 12, đời vua Lê Thánh Tông, được cử đi sứ nhà Minh. Ở xứ người, cụ học được các kỹ thuật dệt chiếu của Trung Quốc, rồi về truyền dạy cho dân làng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Từ đó, chiếu làng Hới dệt ra đẹp hơn, sợi đan đều hơn. Về sau, dân làng tôn Phạm Đôn Lễ là tổ nghề dệt chiếu, gọi là Trạng Chiếu và lập đền thờ cụ. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, làng Hới thuận lợi cho việc trồng đay, cói - nguyên liệu chính để dệt chiếu. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Với truyền thống lâu đời, làng Hới ngày nay vẫn giữ nghề, tạo ra nhiều sản phẩm chiếu nổi tiếng để cung cấp cho khách hàng thập phương. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Nói đến chiếu làng Hới là nói tới sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo của một chiếc chiếu, từ sự cầu kỳ trong chọn nguyên liệu đến kỹ thuật dệt. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Hiện nay, chiếu Hới có nhiều loại như chiếu cài hoa, chiếu trơn, chiếu cạp điều... Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Đặc điểm nhận dạng chiếu Hới là thợ ở đây dệt hình những bông hoa hồng, hoa sen, chân dung hoặc chữ thọ trên chiếu. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Phương pháp dệt này rất khó, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và sáng tạo. Điều đó tạo nên nét độc đáo riêng có của chiếu cói làng Hới, khiến sản phẩm luôn được người tiêu dùng và du khách tìm đến. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Chiếu Hới được nhuộm thành nhiều màu sắc khác nhau, tùy theo loại chiếu và yêu cầu của khách hàng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Mỗi năm, ngoài thời gian làm ruộng, người dân làng Hới thường dệt chiếu khoảng 8 tháng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Trước đây, người dân thường dệt bằng tay, tạo ra những chiếc chiếu công phu nhưng sản lượng không cao. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Hiện nay, phần lớn đã chuyển sang dùng máy dệt chiếu, giúp nâng cao năng suất và thu nhập cho người thợ. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Tuy vậy, kỹ thuật dệt chiếu truyền thống vẫn được gìn giữ, tạo nên nét đẹp vốn có của chiếu làng Hới. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Theo báo Thái Bình, tính đến năm 2023, toàn xã Tân Lễ có khoảng 29 hộ với 90 máy dệt chiếu cói, thu hút 420 lao động, 8 cơ sở dệt chiếu nilon với 310 máy, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động trong và ngoài xã. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Nguyễn Hồng Sơn - Đăng Huy