Thứ hai, Tháng Một 27, 2025

Trăm năm sắc chiếu Định Yên

Du lịchHành trình - Điểm đếnTrăm năm sắc chiếu Định Yên
(SGTT) - Không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng lúa bạt ngàn, vườn cây trĩu quả... xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp còn vang danh với nghề dệt chiếu truyền thống suốt một thế kỷ qua.

Nằm bên dòng sông Hậu, làng Định Yên sở hữu nhiều cồn, bãi bồi màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng cây cói, cỏ lác – những nguyên liệu chính để dệt chiếu.

Chính nhờ điều kiện tự nhiên này, nghề dệt chiếu tại Định Yên đã hình thành và phát triển suốt hơn một thế kỷ qua. Theo các nhà nghiên cứu, cư dân làng chiếu Định Yên có gốc gác từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định). Khi vào phương Nam, người dân đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống và phát triển mạnh tại địa phương.

Ngày nay, nghề dệt chiếu chủ yếu tập trung ở hai xã Định An và Định Yên, đặc biệt là tại các ấp An Lợi A, An Lợi B, An Khương và An Bình của xã Định Yên. Điều đặc biệt là các hộ dân làm chiếu phần lớn sinh sống xung quanh ngôi đình Định Yên.

Tại đây, họ thường phơi những tấm chiếu với các màu sắc xanh – vàng – đỏ dọc theo ngôi đình và hai bên đường vào làng, tạo thành một hình ảnh đặc trưng, quen thuộc và đẹp mắt, phản ánh rõ nét bản sắc của làng nghề dệt chiếu.

Văn hóa “chợ ma” độc đáo

Làng chiếu Định Yên từng nổi tiếng với phiên "chợ ma" đặc trưng – một phiên chợ chỉ họp vào ban đêm trong sân đình, chùa, dưới ánh đèn dầu lấp lánh.

Theo đó, trước cổng đình Định Yên, những thương lái, người bán chiếu đi bộ hoặc bơi xuồng, ghe đến chợ mua bán lác và thành phẩm chiếu. Giữa không gian tĩnh mịch của đêm quê, trên đường đi đến chợ, họ đốt đèn dầu mù u hay những ánh đuốc lá dừa lập lòe, vừa đi vừa quơ rọi đường đi, lúc ẩn lúc hiện.

Đến chợ, cùng những chiếc đèn dầu dùng để mua bán, chẳng khác nào những “bóng ma” giữa những con đường, sông rạch dày đặc bóng đêm. Chính vì thế, dân gian gọi đây là "chợ ma".

Những năm gần đây, chính quyền địa phương và ngành du lịch Đồng Tháp cũng đã phục dựng nét văn hóa này, biến thành một sản phẩm du lịch độc đáo để giới thiệu vùng đất và con người Đồng Tháp đến với du khách trong và ngoài nước.

“Chợ ma Định Yên” ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò đã được tái hiện và chính thức trở thành sản phẩm văn hoá du lịch đặc sắc ở tỉnh Đồng Tháp.

Quy trình sản xuất tỉ mỉ

Theo Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp, nguyên liệu làm chiếu là cỏ lác tự nhiên, được thu hoạch, phơi khô và nhuộm màu kỹ lưỡng. Các nghệ nhân trong làng chia sẻ, để màu sắc tươi sáng và bền, lác được nhuộm nhiều lần trước khi đem phơi nắng.

Nghề dệt chiếu khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt.

Khi dệt chiếu cần hai người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, từ chiếu trắng đến chiếu hoa văn, như vảy ốc, con cò, chiếu cưới... đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Trong các loại chiếu thì chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo.

Dù trải qua nhiều biến động, người dân Định Yên vẫn kiên trì giữ gìn nghề truyền thống và sáng tạo để làng nghề trở thành điểm đến văn hóa – du lịch hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp.

Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Mỗi năm, người dân địa phương sản xuất hàng triệu chiếc chiếu với hoa văn tinh tế, bền chắc, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chiếu Định Yên được tiêu thụ rộng rãi, không chỉ bởi độ bền mà còn nhờ tính thân thiện với môi trường. Nghề này đã giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình, ổn định kinh tế nông thôn và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Năm 2012, đình thần Định Yên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Một năm sau, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia – một niềm tự hào của người dân làng nghề dệt chiếu Định Yên.

Hiện nay, một số cơ sở kinh doanh lớn cũng đã đưa máy móc vào một số công đoạn trong sản xuất chiếu, góp phần giảm sức lao động tay chân và tăng số lượng sản phẩm cho các hộ làm nghề. Theo Cổng TTĐT Đồng Tháp, làng chiếu Định Yên hiện có 620 máy dệt chiếu, 62 máy may bìa chiếu, hai máy se chỉ, hai máy lau bóng sản phẩm, với 431 hộ dân sinh sống bằng nghề dệt chiếu.

Hàng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu khoảng 80 tỉ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.800 hộ dân sản xuất, buôn bán, dịch vụ.

Ngoài những hộ dệt truyền thống bằng khung dệt, tại làng chiếu Định Yên đã thành lập một hợp tác xã và ba tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương và các vùng lân cận, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ giới thiệu đến độc giả những làng nghề truyền thống trăm năm, từ mảnh đất “địa đầu Tổ quốc” Hà Giang đến cố đô Huế hay xuôi về miền sông nước Nam Bộ.Cụ thể, từ ngày 25-1 (26 Tết) đến ngày 2-2 (Mùng 5) Tết, chuỗi bài viết “Trăm năm làng nghề giữ lửa” sẽ đưa du khách khám phá làng dệt lanh Lùng Tám (Hà Giang), làng mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội), nghề làm hoa giấy Thanh Tiên (Huế), làng rèn Bao Vinh (Huế), làng rau Trà Quế (Quảng Nam), nghề đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài (Đồng Tháp), làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp), làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp) và làng bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ).

Trần Hoàng Vân Hùng - Nguyên Phong

1 BÌNH LUẬN

  1. Một bài viết rất chăm chút từ câu từ đến hình ảnh. Cảm ơn tác giả đã đưa những thông tin rất ý nghĩa này. Hy vọng đây là chiếc cầu nối để đọc giả như tôi trau dồi thêm những nét đẹp văn hoá làng nghề của Việt Nam quê hương tôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục