(SGTT) - Lăng Dục Đức, hay còn gọi là An Lăng là nơi an nghỉ của ba vị vua triều Nguyễn là Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu).
- Quần thể Di tích Cố đô Huế đã đón gần 2,8 triệu lượt khách năm 2024
- Làng nghề mứt gừng trăm năm xứ Huế vào vụ Tết
Tọa lạc trên đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế, di tích An Lăng được vua Thành Thái xây dựng vào năm 1889. Đây là nơi chôn cất và thờ cúng vua Dục Đức, sau này cũng là nơi an nghỉ của hai vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân. Mặc dù quy mô khiêm tốn hơn so với các lăng tẩm khác, nhưng An Lăng vẫn mang một vẻ đẹp riêng.
Theo Sở Du lịch thành phố Huế, An Lăng gồm hai khu vực là điện Long Ân và lăng mộ vua cùng hoàng hậu, lấy cồn Phước Quả ở đằng trước làm “tiền án”, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm yếu tố “minh đường” và ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm “hậu chẩm”.
Bên trong điện Long Ân hiện có ba án thờ, thờ bài vị của ba vị vua Dục Đức và vợ (giữa), vua Thành Thái (trái) và vua Duy Tân (phải). Phía sau điện Long Ân ngày xưa là chốn hậu cung của các bà vợ vua, giờ được mở rộng và chỉnh trang thêm.
Chính giữa Bửu Thành có một nhà Huỳnh Ốc dạng phương đình, thay thế cho nhà bia. Bên trong nhà Huỳnh Ốc không có bi ký, thay vào đó là một sập đá và kỷ đá dùng để bày hương án và hào soạn mỗi khi cúng giỗ nhà vua. Hai bên tả, hữu là mộ vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh. Phía trước lăng mộ có khắc chữ nổi “song hỷ” đắp bằng sành sứ.