(SGTT) - Theo đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM, các cơ quan chức năng cần sớm có quy hoạch tổng thể hệ thống các khu văn hóa, thể thao cho người lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp... Cùng với đó là xem xét ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí xây dựng nhà ở, nhà giữ trẻ, khu vui chơi giải trí để người lao động có nơi sinh hoạt sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp.
- Thị trường lao động cuối năm: việc vẫn chờ người
- Tặng hơn 5.000 vé di chuyển về quê đón Tết cho sinh viên, người lao động khó khăn
Đây là nội dung được ông Phùng Thái Quang, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Thành uỷ TPHCM tổ chức vào sáng ngày 25-12.
Theo ông Quang, TPHCM là đô thị đặc biệt giữ vai trò đầu tàu của kinh tế đất nước và là đầu mối giao lưu, hợp tác quốc tế. Hiện nay, TPHCM có hơn 1,5 triệu đoàn viên, công đoàn và hơn 4,5 triệu công nhân, lao động đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Về công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở cho người lao động, ông Quang cho biết trong 10 năm qua, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được tổ chức sôi nổi, phong phú như hội diễn văn nghệ, thi tìm hiểu pháp luật, tiểu phẩm, hội thao, chương trình “Giờ thứ 9”… Ngày hội công nhân viên chức - lao động được các cấp công đoàn thực hiện, thu hút nhiều lao động tham gia sau giờ làm việc.
Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM cũng nêu ra một số hạn chế trong việc xây dựng, chăm lo đời sống người lao động trên địa bàn thành phố. Theo đó, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho công nhân, người lao động hiện nay còn thiếu và dàn trải. Điều kiện bố trí thời gian để công nhân, người lao động tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí còn hạn chế.
Một số nơi vẫn chưa quan tâm đến đời sống văn hoá, tinh thần của người lao động; đặc biệt là những nơi tập trung đông công nhân như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao…
Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Bí thư thường trực Quận uỷ Phú Nhuận, cũng cho biết công tác vận động doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn văn hóa trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, hệ thống các thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân, người lao động còn thiếu và bất cập.
Bên cạnh đó, với sức ép công việc, người lao động có ít thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...
Đại diện của Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng việc tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn văn hóa vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhất là tại các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn. Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động.
Trước thực trạng này, ông Quang kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm có quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho đoàn viên, người lao động tại các địa điểm có đông công nhân, người lao động. Điều này góp phần tạo điều kiện cho người lao động có nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp.
Các đơn vị liên quan cần đầu tư, dành nguồn ngân sách; có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân lao động. Cùng với đó là cần xem xét ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí xây dựng nhà ở, nhà giữ trẻ, công trình phúc lợi, khu vui chơi giải trí dành cho công nhân.