Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024

Đến Hà Nội thăm làng quạt giấy Chàng Sơn

(SGTT) - Quạt giấy Chàng Sơn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Tây xưa, nay thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Từ thế kỷ 19, sản phẩm quạt của làng đã vang danh trong và ngoài nước.
Nhắc đến Chàng Sơn, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất “bách nghệ” với các nghề truyền thống như làm nón, mộc, tạc tượng, nghề sơn... Tuy nhiên, nghề làm quạt giấy chính là yếu tố làm nên tên tuổi của Chàng Sơn. Nghề này đã tồn tại hàng trăm năm, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của địa phương. Ảnh: Bảo Ân
Theo thông tin từ dantocmiennui.vn – TTXVN, để làm ra một chiếc quạt giấy đạt chuẩn, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ việc lựa chọn ống tre già làm nan quạt, sử dụng sợi mây chắc chắn để làm viền, đến việc chọn giấy chất lượng cao để tạo cánh quạt. Ảnh: Bảo Ân
Các loại quạt của Chàng Sơn rất đa dạng, bao gồm quạt giấy, quạt ghép, quạt the, quạt thư pháp, quạt lụa... Trong đó, quạt the vẫn được yêu thích nhất nhờ tính thẩm mỹ và độ bền cao. Ảnh: Bảo Ân
Nguyên liệu cơ bản để làm quạt the gồm tre, giấy, vải và hồ nếp. Tre phải dẻo, già, không bị mối mọt và có tuổi đời từ 3 năm trở lên để đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ cho nan quạt. Ảnh: Bảo Ân
Trước đây, nghệ nhân Chàng Sơn thường sử dụng giấy dó Bắc Ninh và nhựa quả cậy, tuy nhiên, với sự khan hiếm của các nguyên liệu này, hiện nay họ chuyển sang dùng giấy Bãi Bằng, vừa dễ tìm, vừa tạo màu sắc rực rỡ cho quạt, đặc biệt phù hợp với không khí lễ hội. Ảnh: Bảo Ân
Công đoạn làm quạt đòi hỏi sự khéo léo và tay nghề cao. Khi dán giấy vào nan quạt, người thợ phải đảm bảo giấy không bị nhăn, các nếp gấp phải phẳng và đều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vẽ tranh. Các họa sĩ khi vẽ cần tính toán kỹ lưỡng từng nét cọ sao cho khi gấp quạt, bức tranh không bị méo các chi tiết như người, cảnh vật. Ảnh: Bảo Ân
Nhờ tìm được nguồn nguyên liệu mới như vải voan mỏng, nhẹ, giúp tiết kiệm chi phí, nghệ nhân Chàng Sơn đã khắc phục nhược điểm của quạt the truyền thống, làm cho quạt nhẹ tay hơn và tạo gió đều hơn. Ảnh: Bảo Ân
Sau khi hoàn thành, quạt được phủ lớp sơn bóng để tăng độ bền và tạo vẻ đẹp sáng bóng. Ảnh: Bảo Ân
Trong số các loại quạt, quạt tranh được xem là loại khó làm nhất. Quạt tranh có kích thước và mẫu mã đa dạng, không chỉ là vật dụng cầm tay mà còn là món đồ trang trí nội thất được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Bảo Ân
Tranh trên quạt được vẽ trên lụa hoặc thêu ren cầu kỳ trước khi gắn vào nan quạt. Đề tài trên quạt tranh thường xoay quanh các tích cổ, phong cảnh thiên nhiên, hoặc các họa tiết trang trí giàu tính nghệ thuật, góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa. Ảnh: Bảo Ân
Làng nghề quạt giấy Chàng Sơn không chỉ bảo tồn những nét đẹp truyền thống mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch địa phương. Đây là minh chứng sinh động cho sự khéo léo, sáng tạo và tâm huyết của các nghệ nhân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Ảnh: Bảo Ân

Theo dantocmiennui.vn – TTXVN

Bảo Ân - Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề