(SGTT) - Nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng), nhà cổ Cai Cường (Vĩnh Long) hay chùa Tiêu Dao (Hà Nội)… là những công trình nổi bật, được nhiều độc giả bình chọn trong chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2024 đang được Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức.
- Ngắm những điểm du lịch biển qua đề cử ‘Top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ không trung’
- Khám phá những điểm cắm trại trong đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam’ 2024
- Thăm những làng nghề truyền thống trong đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam’ 2024
Chùa Tiêu Dao, Hà Nội
Nằm tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, chùa Tiêu Dao được mệnh danh là “ngôi chùa gốm sứ” với kiến trúc độc đáo. Trải qua nhiều biến cố, vào năm 2011, chùa được trùng tu với ý tưởng đưa các tinh hoa gốm sứ của làng nghề vào công trình, tạo nên nét đặc sắc riêng.
Hiện tại, chùa Tiêu Dao có khoảng 78 pho tượng gốm được chế tác bởi các nghệ nhân trong làng. Xung quanh chùa còn có nhiều bức tượng, tiểu cảnh… làm bằng gốm sứ, mang lại không gian thanh tịnh.
Bình chọn cho chùa Tiêu Dao vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Nhà thờ Kiên Lao, Nam Định
Theo Trang thông tin Nhà thờ Công giáo Việt Nam, nhà thờ giáo xứ Kiên Lao được xây dựng lần đầu vào thế kỷ 16. Trải qua nhiều thăng trầm, công trình xuống cấp và được xây mới, khánh thành vào năm 1997.
Nhà thờ dài 75m, rộng 26m, cao 28m, với tháp chuông cao 46m. Công trình được trang trí bằng các bức tượng đắp nổi, lấy cảm hứng từ nhà thờ Đức Mẹ Bùi Chu, do các nghệ nhân địa phương thực hiện. Điểm nhấn của kiến trúc là mái hình cầu rộng và tháp chuông cao vút, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, thanh bình giữa không gian đồng quê yên ả.
Bình chọn cho nhà thờ Kiên Lao vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Nhà thờ Sở Kiện, Hà Nam
Nhà thờ Sở Kiện là một trong bốn nhà thờ tại Việt Nam được phong danh hiệu vương cung thánh đường, cùng với nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ La Vang (Quảng Trị) và nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (TPHCM). Đây là danh hiệu đặc biệt do Giáo hoàng ban tặng, dành cho những nhà thờ có kiến trúc đồ sộ, cổ kính và ý nghĩa lịch sử, tâm linh quan trọng.
Theo TTXVN, nhà thờ Sở Kiện được khởi công xây dựng vào năm 1877 và khánh thành năm 1883. Vì được xây dựng trên vùng đầm lầy, nền nhà thờ được gia cố bằng gỗ lim để chống lún. Công trình mang phong cách kiến trúc Gothic, với ba hạng mục chính: nhà thờ, tòa Giám mục và chủng viện. Trần và cửa nhà thờ được thiết kế tinh xảo, cùng các ô kính màu mô tả hình ảnh các vị thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh.
Bình chọn cho nhà thờ Sở Kiện vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 5-2019, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh tọa lạc tại khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là nơi biểu diễn quan họ – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với kiến trúc độc đáo, có sự pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tọa lạc trên khu đất có diện tích 19.400m² gồm trụ sở làm việc ba tầng, công trình nhà hát chính và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà.
Bình chọn cho nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Điện Kiến Trung, Thừa Thiên Huế
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, điện Kiến Trung được vua Khải Định xây dựng để làm nơi sinh hoạt trong hoàng cung. Kiến trúc của công trình mang phong cách giao thoa giữa Pháp, Ý và cổ truyền Việt Nam.
Ngôi điện bị chiến tranh phá hủy gần như hoàn toàn vào năm 1947, chỉ còn phần nền và hàng lan can. Sau gần 5 năm tu bổ, đầu năm 2024, điện Kiến Trung chính thức hoàn thiện và mở cửa đón khách.
Dự án phục hồi bao gồm việc gia cố tường bao, hệ thống lan can, sân khuôn viên (tiền viên và hậu viên), các bậc cấp, cùng việc phục dựng lầu Kiến Trung hai tầng với chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng 975m².
Bình chọn cho điện Kiến Trung vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Nhà thờ Ka Đơn, Lâm Đồng
Ẩn mình trong rừng thông xanh mát tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nhà thờ Ka Đơn gây ấn tượng bởi kiến trúc mang đậm nét văn hóa của người Churu. Hoàn thành năm 2014, công trình mang dáng vẻ của nhà rông Tây Nguyên, không có mái vòm hay tháp chuông cao như kiến trúc Gothic, mà mở ra không gian gần gũi với thiên nhiên.
Nguyên liệu chính là gỗ thông, được sử dụng cho tường, trần và nội thất, tạo cảm giác mộc mạc, thoáng đãng. Đặc biệt, tường kính trong suốt xen kẽ với các thanh gỗ thông giúp ánh sáng tự nhiên tràn ngập chánh điện. Không gian nhà thờ không có tường rào hay bậc tam cấp, như một mái nhà chung của cộng đồng.
Bình chọn cho nhà thờ Ka Đơn vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Di tích “Nhà trăm cột”, Long An
Nằm tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, “Nhà trăm cột” là một di tích lịch sử hơn 120 năm tuổi. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kết cấu “xuyên trính” – một kiểu thức kiến trúc thời Nguyễn, điển hình cho nhà ở của tầng lớp thượng lưu Nam Bộ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Dù được gọi là “Nhà trăm cột”, công trình thực tế có 120 cột, gồm 68 cột tròn và 52 cột vuông.
Bình chọn cho di tích "Nhà trăm cột" vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Nhà cổ Cai Cường, Vĩnh Long
Nằm trên cù lao An Bình, tỉnh Vĩnh Long, nhà cổ Cai Cường là một trong những ngôi nhà cổ đẹp bậc nhất tại đây. Theo TTXVN, công trình được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh, gồm hai nếp nhà bố trí vuông góc, với phần đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước. Mặt chính của ngôi nhà quay về hướng Bắc.
Điểm độc đáo của nhà cổ Cai Cường là sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc Đông – Tây. Nội thất mang đậm mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, trong khi ngoại thất lại thể hiện phong cách kiến trúc phương Tây.
Bình chọn cho nhà cổ Cai Cường vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Chùa Kh’leang, Sóc Trăng
Chùa Kh’leang được xây dựng cách đây hàng trăm năm, gắn liền với những truyền thuyết của địa danh Sóc Trăng. Chính điện của chùa tọa lạc trên nền đất cao rộng, xung quanh là không gian xanh mát với nhiều cây thốt nốt – loài cây đặc trưng của người Khmer.
Kiến trúc nội thất chùa Kh’leang thể hiện sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa. Điều này được thể hiện rõ qua những cây cột gỗ với nghệ thuật sơn mài Việt, cách phối màu truyền thống của người Khmer, và các nét vẽ đặc trưng của người Hoa.
Bình chọn cho chùa Kh’leang vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" 2024 tại đây.
Cổng bình chọn "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 sẽ được mở đến hết ngày 31-12-2024. Theo đó, ở mỗi hạng mục, chương trình sẽ tìm ra 7 đề cử có lượt bình chọn cao nhất để vinh danh và trao chứng nhận "Top 7 Ấn tượng Việt Nam". Để tham gia bình chọn, độc giả truy cập: https://sgtt.thesaigontimes.vn/top-7-viet-nam/, nhấn vào 5 hạng mục và bình chọn cho các đề cử yêu thích.