(SGTTO) - Bạn chưa từng chạy bộ và muốn thử chạy để tăng cường sức khỏe. Trước khi bắt đầu, bạn cần biết trước một số thông tin hữu ích mà chuyên gia thể lực Sascha Wingenfeld, cố vấn cho Adidas, huấn luyện viên môn chạy bộ trên 10 năm cung cấp để giúp cơ thể tránh những chấn thương không mong muốn làm giảm sút ý chí theo đuổi bộ môn này.
Chạy quãng ngắn
Đừng ham chạy quãng dài mà nên chia thành từng chặng ngắn. Hãy đi bộ nếu bạn thấy mệt. Nếu bạn vẫn thấy chưa thích nghi được, hãy thử chạy khoảng 2 phút, đi bộ khoảng 2 phút, lặp đi lặp lại với thời lượng như vậy. Tăng thời lượng chạy lên 1 phút nếu bạn cảm thấy ổn hơn. Ban đầu, bạn đừng kỳ vọng mình sẽ chạy được đến đâu cả, bởi nếu kỳ vọng, bạn sẽ dễ mất động lực.
Đừng chạy quá nhanh
Vì cơ thể cần có thời gian thích nghi với những kiểu vận động mới. Nếu chạy quá nhanh, chỉ vài phút sau bạn sẽ khó chịu ngay, thậm chí có thể bị thương hay kiệt sức. Do vậy, chỉ cần chạy thong thả trong suốt quãng đường chạy. Chỉ khi nào cơ thể bạn dần dần thích nghi với nhịp độ mới thì bạn mới chạy được quãng dài.
Cần thời gian lấy lại sức
Lần đầu chạy bộ, bạn đã chạy tốt. Nhưng bạn nên nghỉ lấy sức một ngày cho lần chạy thứ hai, vì cơ thể cần nghỉ ngơi sau lần chạy đầu. Không chỉ cơ, xương mà cả hệ tuần hoàn của cơ thể buộc phải thích nghi với kiểu vận động mới. Chạy một ngày, nghỉ một ngày sẽ giúp người mới bắt đầu chạy đạt được hiệu quả tốt nhất và tránh bị thương.
Chạy thong thả và bước ngắn
Chạy bộ là kỹ thuật không dễ trong thể thao. Nhiều người không chạy đúng kỹ thuật nên cảm thấy chạy bộ rất khó quen và tốn nhiều năng lượng. Cơ thể bạn phát triển thích nghi theo nhu cầu của những chuyển động kết hợp trong từng km bạn chạy. Nên hãy chạy thong thả, thoải mái. Chạy bước ngắn sẽ hiệu quả hơn bước dài.
Chọn nơi chạy phù hợp
Nhiều người mới tập đều muốn biết nên chạy ở đâu thì phù hợp. Câu trả lời là chạy trên nhiều loại bề mặt là tốt nhất. Vỉa hè thích hợp để chạy nhanh, ít gây hại cho cổ chân nhưng vỉa hè thường cứng nên sẽ phù hợp nhất với những ai đã chạy quen và có thể hình cân đối. Nền đất trong công viên mềm, rất tốt cho gót chân. Tuy nhiên bạn cần chú ý để không bị vấp phải cành cây, đá sỏi hay những chỗ gồ ghề. Nền cát sẽ rèn cho cơ và sức bật của cổ chân tốt hơn, nhưng lại rất tốn sức. Nhựa đường ổn định ở mọi điều kiện thời tiết nhưng thường làm đau gót chân hơn.
Sốc hông
Nhiều người chạy bộ thường bị sốc hông, nên trước khi chạy khoảng hai tiếng, bạn không nên ăn mà chỉ cần uống ít nước là đủ. Nếu đang chạy mà bị sốc hông, bạn nên dừng lại nghỉ hoặc đi bộ, đừng cố chạy lại cho đến khi hết đau.
Chăm sóc cơ thể
Chạy bộ là môn thể thao vận động toàn bộ phần thân thể, mà thân thể là “tổng hành dinh” của bạn. Từ tổng hành dinh này, cánh tay vung lên tác động đến từng chuyển động từ hông trở xuống, trong đó có độ dài bước chạy và nhịp chạy. Nên để chạy bộ, thân thể cần phải ổn định và khỏe mạnh để tránh bị quá sức gây ra chấn thương.
Tập những bài tập khác
Bạn có thể “yêu” nhiều môn thể thao, không chỉ riêng chạy bộ. Những môn thể thao khác đều cải thiện xương khớp và cột sống, đồng thời giúp bạn không bị chán nản. Do vậy, chơi những môn thể thao khác cũng sẽ giúp bạn yêu thích việc chạy bộ hơn.
Bùi Da
Theo Runtastic.com