Chương trình Festival Huế diễn ra xuyên suốt trong năm 2024. Bên cạnh việc quảng bá, nhiều hoạt động hướng đến gia tăng trải nghiệm cho du khách đang giúp ngành du lịch Thừa Thiên Huế đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng về mặt kinh tế cho Cố đô.
- Dừng chân khám phá 6 hồ nước tại Tri Tôn, An Giang
- Huế khai trương trung tâm hỗ trợ khách du lịch tàu biển tại cảng Chân Mây
Trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế ước đạt 3.066.343 lượt, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 996.289 lượt, tăng 33,6% và khách nội địa ước đạt 2.070.054 lượt, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng ấn tượng
So với cùng kỳ năm trước, thống kê cho thấy khách lưu trú ước đạt 1.581.871 lượt, tăng 21,3%; trong đó khách quốc tế lưu trú ước đạt 496.528 lượt, tăng gần 28,5%; khách nội địa lưu trú ước đạt 1.085.343 lượt, tăng gần 17,8%. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 6.243,8 tỉ đồng; tăng 15,3%.
Nhìn vào số liệu có thể thấy rõ những đóng góp của ngành dịch vụ, du lịch vào nền kinh tế của Thừa Thiên Huế. So với chỉ tiêu đề ra, lượt khách lưu trú đã đạt hơn 75%; doanh thu từ du lịch đạt hơn 77%. Bên cạnh đó, thị trường khách Tây Âu phục hồi tốt hơn so với năm ngoái, tuy nhiên thị trường khách Nhật Bản và Hàn Quốc có chững lại và thấp hơn so với năm cao điểm trước dịch Covid-19. Thị trường khách nội địa phục hồi rất tốt, thậm chí bùng nổ vào những kỳ nghỉ lễ, đóng góp rất lớn cho ngành du lịch tỉnh trong 9 tháng vừa qua.
Theo ghi nhận, hiện trên địa bàn có 95 đơn vị lữ hành và văn phòng, đại lý du lịch, trong đó có 69 đơn vị có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, 19 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 7 văn phòng và đại lý du lịch bên cạnh 893 cơ sở lưu trú, với 14.229 phòng.
Công tác thông tin, quảng bá và xúc tiến du lịch được chú trọng, đã giới thiệu những điểm đến du lịch, ẩm thực, sản phẩm, dịch vụ du lịch của Thừa Thiên Huế đến với khách nội địa và quốc tế thông qua các trang mạng xã hội. Đồng thời, ngành du lịch cũng tổ chức các hoạt động chào đón những du khách quốc tế đầu tiên trong năm 2024 bằng đường hàng không và đường hàng hải.
Đặc biệt trong năm nay, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Sài Gòn Tiếp Thị - ấn phẩm thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn để thực hiện truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch Huế thông qua cuộc đề cử “Top 9 sản phẩm du lịch Huế ấn tượng”.
Ngoài ra, nhiều hoạt động khác cũng được thực hiện như cung cấp, trưng bày ấn phẩm du lịch để truyền thông, quảng bá về du lịch Thừa Thiên Huế tại Diễn đàn Du lịch xanh ASEAN trong khuôn khổ Hội chợ Travex 2024; Hội báo Xuân diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; Hội thảo Quốc tế Chuyển đổi số trong đào tạo nghề Du lịch tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế; Hội Báo toàn quốc 2024; Festival sinh viên Kyoto (Nhật Bản)…
Đầu tư, xúc tiến được thực hiện liên tục
Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển đến các điểm tham quan du lịch, di tích trên địa bàn như đường tiếp cận hệ thống lăng tẩm, hệ thống hạ tầng du lịch khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (bến cảng du lịch Chân Mây); tuyến đường vào điểm du lịch Thiền viện Trúc Lâm – Bạch Mã, đường tránh phía Tây thành phố Huế đi điện Hòn Chén (đang triển khai).
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đầu tư xây mới, nâng cấp 7 bến thuyền kết nối với các điểm du lịch cộng đồng để mở rộng mạng lưới và gia tăng chất lượng các sản phẩm du lịch trên sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang. Hiện nay, các bến Thanh Tiên, Than, Voi Ré - Hổ Quyền, bến số 5 Lê Lợi, Vĩnh Tu và Cồn Tộc chuẩn bị nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết việc thu hút khách du lịch tạo cơ hội để thúc đẩy các ngành dịch vụ. Khách đi du lịch không chỉ trải nghiệm tham quan thuần túy mà còn mua sắm, lưu trú và chi tiêu cho nhiều dịch vụ khác.
Điều đáng mừng là ngành du lịch Huế sẽ còn nhiều tín hiệu vui, khi con số thống kê cho thấy lượng khách du lịch tăng trưởng và có chiều hướng phát triển hơn, điều này sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Trong những tháng cuối năm 2024, lượng khách quốc tế được dự đoán sẽ tăng mạnh, khả năng ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chỉ tiêu về lượt khách và tổng doanh thu theo kế hoạch (phương án cao) đã đề ra. Dự kiến, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500 – 8.000 tỉ đồng.
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để định vị Huế là một điểm đến xanh, sạch và phát triển bền vững; quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế trong khu vực và toàn cầu, thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống và tiềm năng.