(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết không chỉ đơn thuần là một “phương án dự phòng”, mà còn có thể phát triển thành những trải nghiệm du lịch độc đáo, mang dấu ấn riêng của mỗi địa phương.
- Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung
- Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa chuộng
Không nên chỉ là "phương án dự phòng"
Gần đây, một số địa phương ở miền Trung đã triển khai sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết, mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách trong mùa mưa bão. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị Du lịch và Khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận định sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết không chỉ là "phương án dự phòng" khi xảy ra bão lũ, mà còn có tiềm năng phát triển thành trải nghiệm du lịch đặc trưng cho mỗi địa phương.
Bằng cách đẩy mạnh marketing các hoạt động du lịch độc đáo liên quan đến thời tiết, như những chuyến tham quan bằng thuyền trong mùa lũ hoặc các lễ hội mùa mưa đặc trưng, các địa phương có thể thu hút du khách tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ.
Cách tiếp cận này không chỉ thúc đẩy du lịch quanh năm mà còn giúp giảm sự phụ thuộc vào mùa cao điểm, từ đó tăng cường sự ổn định kinh tế cho cộng đồng địa phương. Hơn nữa, du lịch thích ứng thời tiết có thể kết hợp với truyền thống và tập quán địa phương, mang đến những hiểu biết về văn hóa, tạo sự đồng điệu giữa du khách và người dân.
"Việc phát triển và marketing hiệu quả sẽ giúp tour du lịch thích ứng thời tiết trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc của một điểm đến", tiến sĩ Jackie Ong nhận định.
Song song đó, bà Nguyễn Giang Sở Hạ, Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Nội địa – Quốc tế Soha Group, và ông Giàng A Phớn, Giám đốc Công ty du lịch Hà Giang Trẻ, cũng cho rằng không nên xem sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết là “sản phẩm dự phòng”.
"Thay vì chờ đến khi thời tiết xấu mới đưa ra các giải pháp, việc biến các điều kiện tự nhiên thành điểm nhấn du lịch có thể mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch", bà Hạ nói.
Theo ông Phớn, sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Theo đó, ngành du lịch Quảng Bình, Thừa Thiên Huế hay Quảng Nam... đã và đang thực hiện hiệu quả. "Từ việc mất kiểm soát du lịch do thời tiết xấu và thiên tai, các địa phương đã tìm ra giải pháp thích nghi, phát triển các sản phẩm du lịch an toàn và hấp dẫn", ông Phớn nói.
Tuy nhiên, ông Phớn cho rằng Hà Giang thường xuyên phải đối diện với các tác động của thiên tai như lũ quét và sạt lở. Chính vì vậy, việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng lâu dài ở đây gặp nhiều khó khăn, do mức độ nguy hiểm đối với tính mạng của du khách rất cao.
Phát triển các dịch vụ trong nhà
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định hiện nay du khách có xu hướng ưa chuộng những trải nghiệm hơn là chỉ tận hưởng dịch vụ đơn thuần. Theo đó, vào mùa mưa, nhiều khu nghỉ dưỡng đã đưa ra các dịch vụ giải trí trong nhà như spa, bể bơi nước nóng, học nấu ăn, rèn luyện sức khỏe... nhằm giữ chân du khách.
“Đơn cử tại Furama Resort Đà Nẵng, các chương trình yoga và thiền hàng ngày đã trở thành điểm nhấn, giúp du khách thư giãn và cải thiện sức khỏe khi tránh thời tiết xấu”, ông Quỳnh nói.
Bên cạnh đó, các khu vui chơi trong nhà tại khu nghỉ dưỡng Mikazuki (Đà Nẵng) cũng là điểm đến lý tưởng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nơi du khách có thể tham gia các hoạt động thể thao trong nhà và dưới nước.
Ông Quỳnh cho rằng để đối phó với thời tiết khắc nghiệt, các địa phương cần chú trọng xây dựng mô hình lưu trú và giải trí trong nhà, đảm bảo cơ sở vật chất có khả năng chống chịu thời tiết. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú có thể lập ban phòng chống bão lụt để ứng phó kịp thời với tình huống xấu.
Ngoài ra, các khu nghỉ dưỡng lớn cần trang bị máy phát điện dự phòng, hệ thống nước sạch liên tục và đào tạo nhân viên về an toàn, sơ tán và cấp cứu y tế. "Những giải pháp dự phòng này sẽ trở thành một phần của sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách và tạo dựng lòng tin cho họ khi lựa chọn điểm đến", ông Quỳnh nói.
Đồng thời, tiến sĩ Jackie Ong cũng nhận định phát triển sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết bền vững, cần đầu tư vào các cơ sở lưu trú có khả năng chống chịu thời tiết, như công trình cao tầng ở khu vực dễ bị ngập lụt. Ông cũng nhấn mạnh các điểm đến cần hoàn thiện hệ thống thoát nước để quản lý lũ lụt, thiết lập điểm tập trung an toàn cho du khách trong tình huống khẩn cấp.
Đảm bảo an toàn cho du khách
Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist, nhấn mạnh rằng việc ưu tiên hàng đầu khi tổ chức tour du lịch thích ứng với thời tiết là đảm bảo an toàn cho du khách. Ngành du lịch cần đầu tư vào hạ tầng cơ sở phù hợp với khí hậu địa phương và có khả năng chống chịu hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngoài ra, việc đào tạo nhân sự và nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch an toàn cũng rất quan trọng để tạo môi trường thân thiện cho du khách.
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Truyền thông Du Lịch Việt, khuyến cáo du khách chuẩn bị trang phục và phụ kiện phù hợp với điều kiện thời tiết tại điểm đến. Ví dụ, trong mùa mưa, du khách nên mang theo áo mưa, giày phù hợp và các thiết bị bảo vệ cá nhân. Du khách cũng cần tuân thủ các hướng dẫn từ hướng dẫn viên và công ty lữ hành để đảm bảo an toàn.
Đối với những tour du lịch mạo hiểm như trekking, leo núi mùa mưa... hoặc các chuyến đi đến khu vực có áp suất không khí giảm như Tây Tạng, nhiều công ty lữ hành sẽ yêu cầu cụ thể về sức khỏe và kỹ năng đối với du khách. Theo đó, du khách cần có sức khỏe tốt, độ tuổi phù hợp và bắt buộc tham gia các buổi huấn luyện cơ bản trước khi khởi hành. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia và nâng cao trải nghiệm trong hành trình khám phá.
Cảm ơn tác giả, bài viết hay lắm. Mình hy vọng du lịch Việt Nam nên học hỏi và ngày càng sáng tạo như vậy.