(SGTT) - Một cơ sở kinh doanh hiện nay thường có bán hàng trên trang web, bán hàng tại POS (các điểm chấp nhận thẻ, cửa hàng truyền thống) và bán hàng tại các sàn thương mại điện tử, bán hàng trên ứng dụng di động... Việc kinh doanh đồng loạt trên nhiều kênh nhằm tăng sức tiếp cận khách hàng, tăng doanh số này gọi là xu hướng bán hàng đa kênh (omnichannel).
97% số cửa hàng dùng Facebook đánh giá kênh bán hàng hiệu quả
Theo bản báo cáo đánh giá về kênh bán hàng online hiệu quả, được công bố đầu năm nay của Công ty cổ phần công nghệ Sapo, Facebook đứng đầu các kênh bán hàng được đánh giá mang lại hiệu quả tốt. Cụ thể, có tới 97% số cửa hàng có sử dụng Facebook đánh giá kênh này mang lại hiệu quả tốt; tỷ lệ này ở kênh bán tại cửa hàng (offline) là 86%; bán hàng qua đại lý, cộng tác viên là 85%; bán hàng thông qua trang web là 83%.
Đặc biệt, tỷ lệ các cửa hàng đánh giá tính hiệu quả của sàn giao dịch TMĐT năm 2018 là 73%, tăng gấp 2,5 lần so với mức 27% vào năm 2015.
Xu hướng bán hàng đa kênh phát triển vài năm gần đây, đặc biệt ngày càng rõ nét hơn trong năm 2018 vừa qua; có tới 97% số cửa hàng được khảo sát cho biết họ đang bán hàng trên hai kênh trở lên, trong đó có tới 54% cửa hàng có bán tối thiểu trên năm kênh khác nhau. Về mức độ được sử dụng nhiều có năm kênh bán hàng lượt là Facebook (87%), trang web (82%), cửa hàng - showroom (80%), đại lý - cộng tác viên (60%) và các sàn giao dịch TMĐT (58%).
C.B
Dù vậy, bán hàng đa kênh có lợi nhưng khó tránh khỏi sự chồng chéo đơn hàng, sự căng kéo về nguồn nhân lực, nguồn lực khác như tài chính… Vậy nên, theo Sapo – nhà cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh – các chủ shop online nên ứng dụng công nghệ vào khâu bán hàng và quản lý bán hàng. Lý do, việc ứng dụng này giúp chủ shop dù bán hàng trên nhiều kênh nhưng dễ dàng kiểm soát đơn hàng, tính toán doanh thu hằng ngày chỉ trên một kênh duy nhất mà thôi.
Sapo hiện cũng đang cung cấp nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh phục vụ cho hơn 55.000 cửa hàng, shop online. Phần lớn khách hàng đang ứng dụng công nghệ của Sapo vào bán hàng và quản lý shop đều cho biết có thể giảm tới 50% nguồn lực và bán hàng nhanh chóng, dễ dàng hơn khi sử dụng công nghệ; đặc biệt có thể quản lý hoạt động bán hàng từ xa một cách chi tiết và dễ dàng.
Đẩy mạnh hoạt động tiếp thị trên các kênh online là điều kế tiếp mà các chủ shop online cần làm, như chạy quảng cáo Facebook, Google hay ứng dụng các công nghệ mới, như chatbot, gửi e-mail tiếp thị tự động. Thông thường, chi phí để có được một khách hàng mới cao gấp năm lần so với việc thu hút khách hàng cũ quay trở lại, vì vậy các chủ shop, dù mới khởi sự, ngay từ đầu cũng nên chú trọng vào việc gìn giữ và phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng của mình.
Muốn tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) từ lượt tương tác của khách hàng trên mạng thành đơn hàng, các chủ shop online cần phải phân tích chiến dịch tiếp thị trực tuyến (marketing online) của mình. Có ba vấn đề cần xem xét ở đây. Một, nhắm sai đối tượng khách hàng mục tiêu trong chiến dịch. Hai, thông tin và nội dung sản phẩm chưa đủ thuyết phục, lời kêu gọi hành động chưa đủ mạnh mẽ. Ba, xuất hiện rào cản từ việc chăm sóc khách hàng và các dịch vụ đi kèm hoạt động bán hàng. Ví dụ, chi phí vận chuyển hàng hóa chưa phù hợp, quy trình mua hàng phức tạp, không đa dạng hình thức thanh toán. Việc phân tích sẽ giúp chủ shop nhận diện đâu là cốt lõi của vấn đề, từ đó tối ưu hóa sự trải nghiệm khách hàng sao cho tốt hơn trên từng điểm tiếp xúc.
Chí Bảo