Mới đây, Sở An toàn thực phẩm TPHCM ban hành văn bản cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ so biển, trước tình trạng một số quán ăn trên địa bàn thành phố có bày bán con sam, con so.
- Nha Trang: Bộ Y tế vào cuộc vụ 222 người nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
- Ngày 3-5, đã có 450 người nhập viện do nghi ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai
Theo văn bản số 2186 SATTP-QLCL&GSNĐTP, Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho hay hiện nay tại một số chợ, quán ăn, phố ẩm thực trên địa bàn thành phố có kinh doanh con so, con sam để chế biến món ăn. Thực tế, một số người thích ăn hải sản thường không phân biệt được hai con này, dễ ăn nhầm con so gây nguy hiểm tính mạng.
Theo đó, so biển có kích thước nhỏ hơn sam biển, màu nâu sẫm, đuôi hình tam giác, không có gờ mặt lưng. Trong khi đó, sam biển có kích thước lớn hơn, màu xanh xám, đuôi hình dẹt, có gờ mặt lưng. So biển chứa độc tố tetrodotoxin cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp dẫn đến thiếu oxy, sùi bọt mép và tử vong. Đáng chú ý, loại độc tố này không bị phá hủy bởi nhiệt khi nấu chín, phơi khô hay sấy, hấp thu nhanh qua đường ruột, dạ dày chỉ trong 5-15 phút. Vì vậy, dù nấu chín, phơi khô hay sấy, so biển vẫn có thể gây ngộ độc và tử vong.
Nhằm chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong so biển hay một số loài hải sản khác như cá nóc, ốc lạ... Sở An toàn thực phẩm TPHCM đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện truyền thông cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên gây ra.
Cụ thể, cần truyền thông cách phân biệt thủy hải sản có chứa độc tố tự nhiên (con sam và con so...); khuyến cáo ngư dân cần loại bỏ ngay thủy hải sản có độc tố tự nhiên khi đánh bắt; người tiêu dùng mua thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ và tuyệt đối không được dùng thủy hải sản có độc tố tự nhiên làm nguyên liệu chế biến thực phẩm dưới mọi hình thức.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần lưu ý kiểm tra nguồn nguyên liệu thủy hải sản chế biến thực phẩm, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trong trường hợp có xảy ra nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do sử dụng nguyên liệu thủy hải sản chế biến có chứa độc tố tự nhiên và cần lấy mẫu xác định độc tố nghi ngờ, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có thể gửi mẫu đến Viện Hải Dương học - Đơn vị thực hiện xét nghiệm độc tố tự nhiên có trong thủy hải sản (địa chỉ: số 01 Cầu Đá, đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Theo Sở An toàn thực phẩm TPHCM