Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Yêu thể thao ở tuổi trung niên: cần nắm rõ tình trạng cơ thể mình

(SGTT) - Cần tầm soát bệnh và có chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học để tránh nguy cơ chấn thương, đột quỵ khi chơi thể thao ở lứa tuổi trung niên.

Chơi thể thao không chỉ đem lại sức khỏe mà còn giúp cho chúng ta rèn trí tuệ, tính chịu đựng, tinh thần thi đấu, khả năng phân tích và đánh giá tình huống… Trong những năm qua, các hoạt động thể chất tập thể đã trở thành phương thức rèn luyện đội ngũ nhân lực hiệu quả và thú vị của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân đã trở thành tấm gương về tinh thần thể thao cho nhân viên.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nhân – những người ở tuổi trung niên đã tham gia vào thể thao phong trào một cách tự phát – chưa thực sự nghiêm túc chuẩn bị kỹ lưỡng về dinh dưỡng và kỹ thuật vận động. Trong buổi hội thảo “Sức khỏe doanh nhân, nền tảng doanh nghiệp” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (trực thuộc Saigon Times Club) tổ chức vào đầu tháng vừa qua, nhiều chuyên gia đã lưu ý rằng cần có chế độ dinh dưỡng, vận động đúng cách mới tham gia thể thao phong trào một cách vui và an toàn.

Những rủi ro thường gặp

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Phòng khám đa khoa quốc tế Nhân Hậu, cho biết trong khi chơi thể thao các vận động viên thường gặp phải các vấn đề như choáng trọng lực, đau bụng, chuột rút, hội chứng hạ đường huyết, say nắng, đuối nước và kể cả đột quỵ.

Trong vài năm gần đây, các bệnh viện ở TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị đột tử do tập luyện quá sức, nhiều nhất là ở độ tuổi trung niên. Một vài trường hợp bị đột quỵ sau tập thể thao mới phát hiện ra mình bị dị tật tim mạch.

BS. Hải Nam cho biết, đột quỵ trong thể thao thường gặp trong những môn thể thao đòi hỏi sức bền, nghĩa là vận động thể lực ở mức độ cực đại hoặc cận cực đại. Một số môn có thể kể đến như bóng đá, chạy Marathon… luôn tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ và tử vong do ngừng tim nên người chơi cần lưu ý.

Nếu vận động viên khởi động không kỹ mà mãi lo cạnh tranh dẫn đến việc thi đấu quá sức, vận động thái quá so với nhịp đập của tim (tim đập tới khoảng 300 lần/phút), lượng máu tích lại không kịp về tim, gây thiếu oxy đột ngột dẫn đến choáng ngất. Đặc biệt, đối với những người ngoài 40 tuổi, nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch gia tăng, nguy cơ đột quỵ, đột tử càng cao hơn.

Ngoài đột quỵ, những người chơi môn chạy việt dã, chạy dọc tòa nhà có thể bị choáng trọng lực nếu ngừng vận động đột ngột. Biểu hiện của việc bị choáng là người tập sẽ mất một phần hoặc toàn bộ tri giác, cảm thấy toàn thân vô lực, hoa mắt, chống mặt, ù tai, buồn nôn, mặt tái xanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, tim đập chậm yếu, nhịp thở chậm, đồng tử mắt co lại.

Đau bụng trong khi chơi thể thao là cũng là hiện tượng thường gặp khi tập luyện các môn chạy do khởi động không kỹ, tăng cường hoạt động quá mức. Vận động sai cách như vậy sẽ tăng áp lực tuần hoàn tại gan, tụy, gây đau hông, đau hạ sườn trái, phải. Khi thấy có những biểu hiện trên, vận động viên nên ngưng tập luyện ngay.

Ngoài ra, các rủi ro bị chuột rút, đuối nước… cũng thường gặp trong quá trình tập luyện và thi đấu môn bơi lội, chủ yếu do các vận động viên khởi động không đúng cách.

Lời khuyến nghị

Bác sĩ Hải Nam khuyên những người tuổi trung niên nên đi khám sức khỏe tổng quát, tầm soát các yếu tố nguy cơ để chọn lựa bài tập, cường độ phù hợp. Ngoài ra, những doanh nhân ở tuổi trung niên cũng cần được tư vấn để sắp xếp, phân bổ thời gian làm việc và rèn luyện một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, cần nạp đủ năng lượng để vận động viên đủ sức luyện tập, tăng cường sức khỏe và bảo đảm duy trì hoạt động sinh lý cho cơ thể. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Kim Huệ, nguyên Trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khoẻ, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, cho biết, một ngày vận động viên phải ăn đủ bốn nhóm thực phẩm theo định lượng hợp lý, bao gồm: chất bột đường (chiếm 60-65% tổng năng lượng/ngày); chất đạm (12-15% tổng năng lượng/ngày); chất béo: dầu mỡ, hạt (20% tổng năng lượng/ngày); chất xơ: 300g rau, 200g trái cây mỗi ngày.

Các vận động viên có thể ăn nhẹ với bữa ăn nhỏ có giá trị dinh dưỡng từ 500-1.000Kcal, khoảng 2-3 giờ trước khi thi đấu. Các cầu thủ bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền tiêu hao năng lượng cao hơn thì cần ăn nhiều dinh dưỡng hơn một chút. Ngoài ra, vận động viên cần ăn nhiều tinh bột để tăng dự trữ đường trong gan, cơ, chỉ ăn chất đạm ở mức vừa phải.

Thi đấu xong, vận động viên phải uống nước rồi nghỉ ngơi khoảng 45-60 phút trước khi ăn bữa nhỏ. Đây cũng là thời điểm vàng khi cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn lúc bình thường. Nên ăn những thực phẩm giàu chất béo để cải thiện chức năng sinh lý của cơ thể, bù đắp năng lượng mất đi khi thi đấu kèm nhiều rau, củ quả, trái cây. Trong quá trình chơi thể thao, các chất như canxi, kali cũng sẽ hao hụt nhiều, cần bổ sung đầy đủ bằng bữa ăn, tránh dẫn đến việc bị co cơ, rối loạn nhịp tim.

Nước rất cần cho cơ thể trước, trong và sau khi thi đấu. Vận động viên thi đấu sẽ tiêu hao 1-2% trọng lượng cơ thể do mất nước, cần bù nước ngay để tránh bị rối loạn điện giải, mệt mỏi, nhức đầu. Có thể uống 0,5 lít nước trước khi thi đấu từ 1-2 giờ. Trước thi đấu 10-20 phút, cần uống 200-300ml nước; trong lúc tập luyện thi đấu uống 150-300ml nước, giờ giải lao uống 500ml nước.

Người chơi thể thao luôn cần uống đủ nước để tránh bị rối loạn điện giải. Ảnh: Videoblocks

Cách sơ cứu người bị đột quỵ khi chơi thể thao:Khi thấy nạn nhân trong hoặc sau lúc chơi thể thao bỗng dưng nói đớ, méo miệng, yếu tay chân, đau đầu dữ dội, thậm chí hôn mê thì cần đặt người đó nằm cố định và đưa ngay đến bệnh viện. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở, ngưng hô hấp thì mới sơ cứu bằng cách xoa bóp, hà hơi thổi ngạt tại chỗ, đồng thời gọi cấp cứu theo đầu số 115.

Anh Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu cơ thể để được an toàn trên đường chạy

0
(SGTT) - Khi nói về chạy bộ, Marathon được nhắc đến nhiều nhất, nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra rằng môn thể...

Kết nối