Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Làm gì để bảo vệ da khi bơi?

(SGTT) - Bơi là kỹ năng sinh tồn và là môn thể thao giúp cơ thể sảng khoái và khỏe mạnh. Tuy nhiên, nước bể bơi không đạt tiêu chuẩn vệ sinh chứa nhiều mầm bệnh da liễu, đặc biệt là các bệnh nhiễm vi nấm.

Một nghiên cứu khảo sát về chất lượng nước hồ bơi công cộng của Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM qua 84 mẫu nước hồ bơi ở TPHCM cho thấy 100% mẫu nước không đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ và dư lượng clo trong nước. Có 71 - 77% hồ bơi vi phạm chỉ tiêu pH; 29 - 35% hồ có nồng độ clo cao hơn 0,2 ppm; 82 – 100% hồ nhiễm vi sinh vào thứ bảy, chủ nhật.

Ba loại bệnh về da thường gặp

Hầu hết các bể bơi công cộng đều có chứa nước tiểu do người đi bơi… thải ra. So với toàn bộ lượng nước trong bể bơi, tỷ lệ nước tiểu trung bình là nhỏ, chỉ khoảng 0,0009%, tương tự một giọt dầu trong chai nước 500ml. Tuy nhiên, nước bể bơi chứa nước tiểu là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển, gây hại đến sức khỏe người đi bơi.

Nhiều hồ bơi công cộng có tần suất hoạt động cao, mở cửa tất cả các ngày, do đó khả năng các loại vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong nước gây nhiễm bệnh cho người đi bơi là rất cao. Các mầm bệnh có thể gặp là: vi khuẩn đường ruột E. Coli, ký sinh trùng Cryptosporidium sp, ký sinh trùng Giardia lamblia và các mầm bệnh khác có nguồn gốc từ động vật như chó, mèo…

Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết mỗi ngày Khoa da liễu tiếp nhận khoảng năm trường hợp nhiễm vi nấm thường gặp ở người đi bơi là hắc lào, nấm móng, nấm tóc. Sau khi nhiễm các vi nấm kể trên từ năm đến bảy ngày, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, viêm loét tại các vị trí thương tổn. Ngoài ra, nhiều em nhỏ mới đi học bơi thường hay bị ngứa da, xuất hiện mụn nước, u mềm do bị lây sau khi tắm hồ bơi.

Bên cạnh đó, người hay đi bơi còn dễ bị khô và bong tróc da do thường xuyên tiếp xúc với lượng clo dư thừa và các hóa chất khác có trong nước bể bơi. Mặt khác, dù đã được xử lý bằng hóa chất, nước trong bể bơi vẫn chứa nhiều loại vi khuẩn như vi khuẩn gram âm, trực khuẩn mủ xanh... Clo tuy giúp tiêu diệt bớt vi khuẩn trong nước nhưng lại có thể gây ra các tổn thương da, tạo điều kiện cho các vi sinh vật vừa nêu dễ dàng xâm nhập cơ thể qua các vết thương nhỏ và gây viêm da ở người đi bơi. Các chất này có thể gây dị ứng, viêm da, sạm da đối với những người nhạy cảm. Người đi bơi cũng có thể bị sạm da, bong da... nếu nằm phơi nắng lâu tại các bể bơi ngoài trời mà không có biện pháp dự phòng thích hợp. 

Nhận biết hồ bơi an toàn

Hiện nay, các bể bơi đều sử dụng clo để làm sạch nước. Tuy nhiên, khi clo gặp amoni (trong nước tiểu) sẽ phản ứng rất nhanh và tạo thành chất monocloramin. Chất này có khả năng sát khuẩn kém clo tới hàng trăm lần. Ở nhiều bể bơi, nước bẩn được làm sạch bằng cách súc clo vào thay vì thay nước mới. Do đó, nước đã bẩn càng bẩn thêm.

Một số bể bơi khác lại cho phèn vào để xử lý nước. Phèn tuy làm cho nước trong nhưng sẽ làm giảm độ pH trong nước, dẫn đến tình trạng nhiều người đi bơi về thấy mắt cay, da rát bỏng, nhất là những vùng da bị trầy xước.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, chọn hồ bơi là việc khá khó. Do đó, người đi bơi hoặc ba mẹ bé nên chọn hồ bơi có kiểm định của Trung tâm Y tế dự phòng về an toàn và vệ sinh. Bể bơi có nước trong, không có mùi hóa chất là đảm bảo. Nếu bể bơi đục hoặc sực mùi hóa chất thì chưa đảm bảo chất lượng, không nên bơi ở những nơi như vậy.

Nên đi bơi ở những hồ bơi không quá đông người. Khi bơi, cần trang bị kính bơi, nút tai, mũ che tóc. Nếu muốn đi vệ sinh thì đừng ngại lên bờ. Sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch và xà phòng ngay, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý. Không ngoáy tai bằng tăm bông vì sẽ dễ làm xây xát tai.

Để đảm bảo vệ sinh nên chọn hồ có lắp hệ thống lọc nước tự động 24/24. Các chất xử lý làm sạch nước hồ cũng được liên tục điều tiết qua hệ thống tự động này.

Chăm sóc da khi bơi

Theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, trước khi đi bơi khoảng 15 phút cần thoa kem chống nắng nếu đó là bể bơi ngoài trời. Kem chống nắng sẽ giúp làn da không bị đen sạm và giúp giảm nguy cơ ung thư da. Kem chống nắng nên có chỉ số SPF trên 30 và không thấm nước.

Không nên đi bể bơi ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ vì lúc này tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh mẽ nhất, gây hại cho làn da. Ngoài ra trước khi đi bể bơi, cần uống đủ lượng nước mà cơ thể cần để không bị mất nước trong quá trình bơi, vì điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ đẹp của làn da. Khi được cung cấp đủ nước thì làn da sẽ căng mịn, láng bóng. Ngược lại, nếu thiếu nước thì làn da sẽ bị lão hóa, hình thành nhiều nếp nhăn và mất độ tươi sáng.

Sau khi bơi xong, cần tắm lại với sữa tắm. Để da khô tự nhiên và thoa chút dầu dưỡng hoặc kem dưỡng để “khóa” nước bên trong da, tăng cường độ ẩm cho làn da.

Anh Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nắng nóng, người dân TPHCM ‘đổ’ về các hồ bơi để...

0
(SGTT) - Những ngày TPHCM bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng, rất đông người dân TPHCM đã “đổ” về các bể bơi...

Vào hè, nhu cầu lớp học bơi cho trẻ tăng cao

0
(SGTT) - Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, nhu học bơi vào dịp hè tại các hồ bơi, trung tâm thể dục...

Sôi động các lớp bơi mùa hè sau dịch Covid-19

0
(SGTT) – Theo khảo sát tại nhiều trung tâm dạy bơi ở TPHCM và các tỉnh thành, sau hai năm dịch bệnh, nhu cầu...

Tăng cường phổ cập bơi cho học sinh trong nhà trường

0
(SGTT) - Việc phổ cập bơi cho học sinh luôn là một trong những vấn đề được các trường học ưu tiên hàng đầu. ...

Hơn 230 vận động viên thi bơi và kỹ năng phòng,...

0
(SGTT) - Ngày 20-12, Hội thi bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Phú Yên năm 2020 khai mạc tại...

Lần đầu tiên có cuộc đua kết hợp giữa bơi và...

0
(SGTTO) – Ban tổ chức SufferFest SwimRun chính thức mở cổng đăng ký cuộc đua diễn ra vào tháng 3-2021, tại thành phố Đà...

Kết nối