Nguyễn Huy
Tình trạng khủng hoảng kịch bản đã diễn ra từ lâu và vẫn còn tiếp diễn trong đời sống sân khấu. Để giữ lại được vẻ đẹp của nghệ thuật, nhiều đơn vị đã chấp nhận bước đi chẳng đặng đừng là tái dựng các kịch bản hay một thời. Bất ngờ là cách làm này được khán giả chấp nhận!
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Hội đã từng tâm sự rằng sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn đều đặn nhận được các kịch bản mới từ nhiều nguồn, nhưng cố gắng lắm trong 10 kịch bản mới sử dụng được một vì đề tài không hay, lối viết không hấp dẫn. Kịch bản được giữ lại để sử dụng cũng phải được đạo diễn “phá nát” để viết lại một cách đầy vất vả. Đứng trước tình hình đó, sân khấu của anh và nghệ sĩ Ái Như buộc phải tái dựng các kịch bản hay đã từng chinh phục khán giả của nhiều năm trước. Đó là các kịch bản thoại kịch lẫn các tuồng cải lương một thời vang bóng.
Cũ nhưng mới
Điều đặc biệt là các kịch bản cải lương sau khi được chuyển thể thành thoại kịch tại Hoàng Thái Thanh đều trở thành những vở ăn khách như Sông dài (tác giả Hà Triều-Hoa Phượng). Gần nhất là vở Nửa đời hương phấn (tác giả Hà Triều-Hoa Phượng, Hoàng Thái Thanh chuyển thể thoại kịch, đạo diễn Ái Như) đã được giới thiệu đến khán giả từ tháng 2 năm nay. Nửa đời hương phấn của đạo diễn Ái Như vẫn giữ lại cái hồn cốt của vở tuồng xưa, thế nhưng chị đã tạo nên sắc thái mới mẽ qua âm nhạc, cảnh trí, thêm nhân vật và thậm chí tạo nhiều tình huống hoàn toàn khác với kịch bản cũ.
Điểm đắc địa nhất trong vở diễn này là đoạn cuối cùng khi The (Hồng Ánh) gặp lại mẹ (Ái Như). Cảnh người mẹ gội đầu cho đứa con gái thất lạc nhiều năm đã khiến người xem phải thổn thức. Bằng cách đó, sân khấu vốn được biết đến là địa chỉ làm kịch thuần túy nghệ thuật này đã tạo ấn tượng mạnh cho công chúng. Họ tạo ra các vở diễn đáng nhớ, đáng suy ngẫm chứ không phải xem cho vui rồi quên.
Trong năm ngoái, sân khấu Idecaf cũng đã tái dựng Dạ cổ hoài lang (tác giả Thanh Hoàng, đạo diễn Vũ Minh). Trước khi vở diễn ra mắt, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: “Dạ cổ hoài lang của NSƯT Công Ninh dàn dựng 20 năm trước gần như được xem là đỉnh cao của kịch nói miền Nam. Vì vậy, dù nhân vật chính ông Tư vẫn do NSƯT Thành Lộc đảm nhiệm nhưng toàn bộ lực lượng nhân sự còn lại đều đã thay đổi. Chúng tôi lo rằng khán giả so sánh với vở cũ và thất vọng với bản dựng mới”.
Thực tế thì sau 20 năm NSƯT Thành Lộc càng sâu lắng hơn với vai diễn. Có lẽ kinh nghiệm sống chín mùi giúp anh hiểu rõ hơn tâm trạng của một người nghệ sĩ sống xa quê hương nên lối diễn của anh như thỏi nam châm hút hồn khán giả. Đặc biệt là cảnh anh hát lại bài Dạ cổ hoài lang rồi say sưa với nó mà quên mình đang đứng trên cái bục rất cao. Đến khi bừng tỉnh, quay lại thực tại rằng mình đang ở một nơi rất xa hơi thở của cải lương, anh chấp chới hụt hẫng. Cảnh diễn này khiến khán giả se lòng. Bên cạnh đó, NSƯT Hữu Châu thay NSƯT Việt Anh đóng vai ông Năm đã biết cách làm khác đi, nhiều sự hài hước hơn nhưng cũng đầy sự lắng đọng. Vân Anh rất cá tính trong vai cháu nội ông Tư, và Lương Thế Thành gần gũi trong vai bạn trai của cháu nội ông Tư. Tất cả những yếu tố này cộng lại đã tạo nên cơn sốt vé ngoài dự kiến.
Tiếp tục hoài niệm
Tình trạng khủng hoảng kịch bản nhìn thấy rõ hơn ở lĩnh vực cải lương. Cụ thể là một năm Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ có ba vở mới được ra mắt vào dịp gần cuối năm mà mỗi vở chỉ bán được chừng hơn 100 vé cho mỗi suất diễn. Để đối phó với tình trạng này, giám đốc mới, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu đã vận động bằng cách chuyển thể kịch bản từ kịch nói. Phương pháp này tỏ ra hiệu quả nhưng vẫn chưa tốt như kỳ vọng. Các kịch bản mới được đánh giá tốt như Cõng mẹ đi chơi, hay Đời như ý cũng bán được tầm 200 vé cho một suất diễn, mà hai tháng mới diễn một lần. Do đó, đơn vị cải lương thuộc Nhà nước này lên kế hoạch đầu tư khâu biên kịch mà mùa hái quả chắc phải chờ thêm ít năm nữa.
Hiện tại, các đơn vị cải lương xã hội hóa vẫn tiếp tục sống nhờ quá khứ. Sân khấu cải lương Lê Thị Riêng của nghệ sĩ Vũ Luân dựng lại các vở tuồng cũ như Giang sơn và mỹ nhân, Tiết Đinh San-Phàn Lê Huê. Những vở cũ này được khán giả đón nhận nhiệt tình, giúp cho sân khấu sáng đèn và tiếp tục duy trì hoạt động. Tương tự như thế, ông bầu trẻ Gia Bảo, thế hệ kế thừa của NSƯT Bảo Quốc và cố NSƯT Thanh Nga đã kêu gọi tài danh một thời như NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Minh Vương, nghệ sĩ Hồng Nga, nghệ sĩ Phượng Liên cùng tham gia các vở cải lương kinh điển.
Theo đó, hai đêm diễn của vở Tiếng trống Mê Linh cháy vé. Còn các đêm diễn của vở Nửa đời hương phấn cũng rất thành công. Điều đáng nói là các nghệ sĩ tài danh một thời dù tuổi cao sức yếu, phong độ sa sút nhưng khán giả vẫn cổ vũ nhiệt tình. Biểu hiện này cho thấy khán giả vẫn còn tưởng nhớ các vở tuồng hấp dẫn ngày xưa vì kịch bản mới vẫn chưa đủ hay để chinh phục họ. Sự thừa nhận tuồng cũ hay hơn kịch bản mới còn được thấy qua chương trình Ngân mãi chuông vàng của kênh truyền hình HTV9. Sau hơn một năm hoạt động chương trình này chỉ dựng lại các vở kinh điển như Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm nguyên bá… chứ chưa đầu tư cho kịch bản mới.
Theo một nghệ sĩ lão thành trong lĩnh vực cải lương, tình trạng “ăn mày dĩ vãng” trong lĩnh vực sáng tác kịch bản này không nên tiếp diễn quá lâu. Vì rằng, nghệ thuật phải có sự sáng tạo mới mẽ, thế hệ sau phải tạo ra những giá trị tốt hơn thế hệ trước thì nghệ thuật mới phát triển. Tuy nhiên, trong khi hiện tại lực lượng sáng tác còn quá mỏng và yếu thì phải tạm chấp nhận xem các vở xưa trong sắc thái mới vậy!