Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Doanh thu định giá carbon toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 104 tỉ đô la

(SGTT) – Doanh thu định giá carbon (carbon pricing) toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 104 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn một nửa doanh thu này được sử dụng tài trợ cho các chương trình bảo tồn tự nhiên và khí hậu.
Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến nay, các công cụ định giá carbon đang áp dụng cho 24% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Ảnh: iStock

Báo cáo thường niên “Tình trạng và xu hướng định giá carbon 2024” của WB công bố hôm 21-5 cho biết, trong năm 2023, doanh thu định giá carbon, bao gồm từ thuế carbon và các hệ thống giao dịch phát thải carbon (ETS) trên toàn cầu, đạt 104 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và tăng đáng kể so với mức doanh thu 95 tỉ đô la trong năm 2022.  Đóng góp lớn nhất vào doanh thu carbon toàn cầu là hệ thống ETS của Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, báo cáo cho hay đợt giảm giá tín chỉ carbon gần đây trong hệ ETS của EU báo hiệu doanh thu định giá carbon toàn cầu có thể giảm trong năm 2024. Hợp đồng carbon chuẩn của EU hiện giao dịch quanh mức 73 euro/tấn, giảm so với mức khoảng 80 euro/tấn vào đầu năm và mức kỷ lục hơn 100 euro/tấn vào tháng 2-2023.

Báo cáo ghi nhận, hiện có 75 công cụ định giá carbon trên toàn thế giới, áp dụng cho 24% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. WB theo dõi các thị trường carbon trong 20 năm qua và đã phát hành 11 báo cáo thường niên về định giá carbon. Khi WB phát hành báo cáo đầu tiên, thuế carbon và các hệ thống ETS chỉ áp dụng cho khoảng 7% lượng phát thải khí nhà kính của thế giới.

Báo cáo chỉ ra rằng các nước có thu nhập trung bình cao gồm Brazil, Ấn Độ, Chile, Colombia và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những tiến bộ về thực hiện chính sách định giá carbon.

Hiện nay, các công cụ định giá carbon vẫn được sử dụng chủ yếu trong những lĩnh vực truyền thống như điện và sản xuất công nghiệp. Nhưng báo cáo của WB ghi nhận, các công cụ này đang được xem xét triển khai trong các lĩnh vực mới như hàng không, vận tải biển và quản lý chất thải. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU hiện trong giai đoạn chuyển tiếp cũng khuyến khích các chính phủ bên ngoài EU xem xét định giá carbon cho các lĩnh vực như sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện.

“Định giá carbon có thể là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất giúp các quốc gia giảm khí thải. Vì vậy, thật hữu ích khi thấy những công cụ này được mở rộng sang các lĩnh vực mới, trở nên dễ thích ứng hơn và bổ sung cho các biện pháp giúp khử carbon khác”, Axel van Trotsenburg, Giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận phát triển chính sách và đối tác của WB, bình luận.

Ông nói thêm, báo cáo mới nhất của WB có thể giúp mở rộng cơ sở kiến thức để các nhà hoạch định chính sách hiểu được điều gì đang mang lại hiệu quả và lý do tại sao cả phạm vi áp dụng và định giá carbon cần tăng để giúp lượng khí thải giảm xuống.

Doanh thu định giá carbon toàn cầu trong giai đoạn 2017-2023 tính theo đơn vị tỉ đô la Mỹ. Phần màu đỏ là doanh thu thuế carbon, còn phần màu xanh là doanh thu từ các hệ thống giao dịch phát thải carbon (ETS). Ảnh: carboncredits.com

WB cho biết, ngày càng có nhiều chính phủ sử dụng chương trình tín chỉ carbon để thu hút thêm tài chính thông qua thị trường carbon tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào các thị trường carbon tuân thủ quốc tế (mua bán carbon để đạt mục tiêu giảm phát thải bắt buộc theo các thỏa thuận toàn cầu, khu vực và quốc gia). Hội đồng liêm chính về thị trường carbon tự nguyện đã thành lập một chuẩn mực cho chất lượng tín chỉ carbon. Lô tín chỉ đầu tiên dự kiến được hội đồng này phê duyệt trong năm 2024.

Bất chấp doanh thu cao kỷ lục, mức định giá carbon và phạm vi áp dụng của các công cụ định giá carbon vẫn còn quá thấp để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris.

Trong năm qua, định giá carbon trên toàn cầu tăng nhẹ, tuy nhiên, sự thay đổi về giá trong các hệ thống ETS không đồng đều, với 10 hệ thống đang giảm giá, bao gồm cả các hệ thống ETS lâu đời ở EU, New Zealand và Hàn Quốc. Hiện tại, chưa đến 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu được định giá trực tiếp ở mức bằng hoặc cao hơn mức khuyến nghị nhằm hạn chế mức tăng thêm của nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ 21 không quá 2% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ủy ban cấp cao về giá carbon, một tổ chức của Liên minh lãnh đạo định giá carbon (CPLC), khuyến nghị giá carbon cần phải ở mức 50-100 đô la Mỹ/tấn vào năm 2030 để bảo đảm đạt các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris. Báo cáo của WB cho biết, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, mức giá đó hiện cần phải ở mức 63-127 đô la/tấn.

Lê Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường tín chỉ carbon hiện ra sao ở các nước...

0
(SGTT) - Thị trường tín chỉ carbon ở ASEAN đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, tuy nhiên tốc độ và quy...

Làm nông nghiệp phát thải thấp, nông dân chờ tiếp cận...

0
(SGTT) - Trong thời gian tới, 8.000 hộ nông dân trồng mía cho Lasuco sẽ có thêm một nguồn thu nhờ bán tín chỉ...

Ai đang bán nhiều tín chỉ carbon nhất ở Việt Nam?

1
(SGTT) – “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát...

Nông dân có thể dùng điện thoại để tính toán phát...

0
(SGTT) - Chỉ với những thao tác trên điện thoại, người nông dân có thể dễ dàng theo dõi sự phát triển của lúa...

Lúa phát thải thấp dần xóa bỏ những nghi ngại

0
(SGTT) - Mô hình của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng...

Doanh nghiệp phát thải carbon cao đối mặt với chi phí...

0
(SGTT) - Những doanh nghiệp nằm trong nhóm phát thải carbon lớn nhất ở châu Âu đang phải trả lãi suất cao hơn trên...

Kết nối