(SGTT) - Trong năm 2022, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đã liên kết tổ chức thi, cấp hơn 66.100 chứng chỉ IELTS, trong đó có hơn 56.000 chứng chỉ bị cấp sai quy định.
- Chứng chỉ tiếng Anh PEIC được công nhận trong tuyển sinh đại học
- Hội đồng Anh được cấp phép tổ chức thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, TTXVN cho biết.
Theo kết luận thanh tra, trong năm 2022, công ty đã liên kết tổ chức thi IELTS cho gần 67.200 người, cấp hơn 66.100 chứng chỉ IELTS. Địa điểm thi là Hà Nội, TPHCM và 16 tỉnh, thành phố khác.
Trong khi đó, từ ngày 1-1-2022 đến ngày 9-9-2022, Công ty IDP chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại điều 21 và điều 22, điều 23 nghị định 86/2018/NĐCP. Tuy nhiên, công ty này đã liên kết tổ chức 458 đợt thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số hơn 46.600 chứng chỉ.
Giai đoạn từ ngày 10-9-2022 đến ngày 16-11-2022, Công ty IDP chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, đơn vị đã tổ chức 97 đợt thi và cấp hơn 9.500 chứng chỉ.
Như vậy, Công ty IDP đã tổ chức thi và cấp hơn 56.100 chứng chỉ khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện đúng các quy định cho phép. Công ty gửi báo cáo đến Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa cho phép.
Đồng thời, Cục Quản lý chất lượng được kiến nghị giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có).