(SGTT) - Các đại siêu thị kiểu Mỹ chỉ dành cho hội viên như Walmart, Costco hay PriceSmart đang mở rộng thị phần ở Trung Quốc. Các chuỗi này mang lại những trải nghiệm mua sắm mới và các dòng sản phẩm khác biệt so với siêu thị thông thường và các nhà bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc.
Mức giá thấp dành cho hội viên đã trở nên đặc biệt hấp dẫn với người tiêu dùng Trung Quốc đang siết chặt hầu bao và đã dần có thói quen tích trữ hàng thực phẩm từ thời phong tỏa gắt gao chống Covid-19.
Cuộc đổ bộ thị trường của các đại siêu thị Mỹ
Các đại siêu thị kho hàng từ Mỹ trở thành nét mới của đời sống đô thị Trung Quốc. Một khu chung cư gần siêu thị Costco Thâm Quyến đã nhấn mạnh đặc điểm “gần Costco” để thu hút khách mua căn hộ. Khách từ Hồng Kông cũng đi xe buýt đến Costco Thâm Quyến để mua nhu yếu phẩm, mặc dù thủ tục hải quan phiền toái khi qua lại biên giới. Phí hội viên hàng năm góp phần tạo ra chuỗi cung ứng riêng của của các chuỗi siêu thị, giúp hàng hóa rẻ hơn và càng kích thích khách mua nhiều hơn.
Walmart là “ông lớn” tiên phong khi đưa đại siêu thị kho hàng đến đại lục, với cửa hàng Sam’s Club đầu tiên vào năm 1996. Sam’s Club đã điều chỉnh dòng sản phẩm để phù hợp với khẩu vị địa phương. Chuỗi cũng có các nhãn hàng riêng như mì bò và nấm tuyết.
Sam’s Club cũng đang đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng. Từ 1996-2019, tức trong 23 năm, họ chỉ có 29 siêu thị, nhưng nay đã lên 47. Sam Club’s có kế hoạch mở thêm 6-7 cửa hàng mỗi năm trong tương lai. CEO Doug McMillon của Walmart nói rằng Sam’s Club China đã giúp Walmart “duy trì tổng doanh thu lẫn lợi nhuận ròng ở mức cao”.
Thâm nhập thị trường năm 2019, đại siêu thị Costco hiện có hơn 140.000 thành viên đăng ký tại địa điểm ở Thâm Quyến kể từ khi khai trương vào tháng 1-2024. Đây là siêu thị thứ sáu của Costco tại Trung Quốc. Costco đã định vị Trung Quốc là thị trường tăng trưởng quan trọng của mình. Đại siêu thị này dự định sẽ khai trương cửa hàng thứ bảy tại Nam Kinh vào tháng 6 tới.
Đại siêu thị PriceSmart của Mỹ và Metro của Đức cũng đã gia nhập thị trường đại lục từ rất sớm, trong giai đoạn 1996-1997.
Thói quen tích trữ mới tạo sức bật cho thị trường
Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt thời Covid đã khiến người dân Trung Quốc hình thành thói quen tích trữ thực phẩm trong nhà. Theo hãng nghiên cứu iiMedia Research, quy mô thị trường đại siêu thị kho hàng kiểu Mỹ tại Trung Quốc đại lục đã tăng lên 36,4 tỉ nhân dân tệ (5 tỉ đô la) trong năm 2023, tăng khoảng 40% so với năm 2019 trước dịch Covid.
Thị trường vẫn tiếp tục mở rộng, ngay cả khi thời Covid đã xa, phần lớn nhờ vào giá rất mềm của mô hình kinh doanh kiểu Mỹ.
Phí thành viên hàng năm không quá thấp, bắt đầu từ 299 nhân dân tệ (41 đô la) tại Costco và 260 nhân dân tệ tại Sam’s Club. Nhưng mức giá hàng hóa rất cạnh tranh. Chẳng hạn, Costco Thâm Quyến bán Coca-Cola dành cho người ăn kiêng với giá thấp hơn khoảng 30% so với các siêu thị địa phương. Một số loại chocolate đã đóng thành hộp quà tặng chỉ bằng một nửa so với các siêu thị địa phương.
Giá thấp thu hút người mua sắm Trung Quốc, vốn trở nên tiết kiệm hơn trước và giữa lúc tình hình bất định của nền kinh tế và thất nghiệp vẫn cao, đặc biệt ở lớp trẻ.
“Tôi có thể tiết kiệm khoảng 2.000 nhân dân tệ mỗi năm. Cảm giác là tiền của mình có giá trị xứng đáng hơn tại các chuỗi như thế này”, theo lời của một phụ nữ ở độ tuổi 40 đến từ Hàng Châu thường mua sắm tại Sam’s Club.
Nhiều người cũng thích thú với những thứ mới lạ khi đến Costco và Sam’s Club. Một người đàn ông 45 tuổi đang mua sắm tại Costco Thâm Quyến cho biết ông rất thích những món ăn thử miễn phí, một điều hiếm thấy ở Trung Quốc.
Các đại siêu thị như Costco và Sam’s Club có thể rộng hàng chục nghìn mét vuông. Vì vậy, các đại siêu thị thường chọn xây dựng ở bên ngoài trung tâm thành phố. Để thu hút người mua sắm, cả hai chuỗi đều cố gắng tạo ra các điểm nhấn riêng. Họ định vị mình là nơi để mua sắm trải nghiệm hơn là chỉ đi mua hàng.
Các chuỗi Trung Quốc nhập cuộc
Với dịch vụ giao hàng nhanh hoặc siêu nhanh, các siêu thị trực tuyến ở Trung Quốc đang thu hút người tiêu dùng trẻ không còn mấy hứng thú đến mua sắm trực tiếp tại siêu thị thông thường. Nhưng người tiêu dùng cũng đang lo lắng về chất lượng hàng mua trên mạng. Được cầm nắm, được trải nghiệm ngay tại chỗ và tiết kiệm tiền là lợi thế của các đại siêu thị từ Mỹ. Mỗi đại siêu thị Costco và Sam’s Club có khoảng 4.000 mặt hàng, giúp khách có sự lựa chọn đa dạng hơn.
Các nhà bán lẻ Trung Quốc cũng đang nhảy vào thị trường đại siêu thị kho hàng mới mẻ này.
Hema – một đại siêu thị kho hàng thuộc tập đoàn Alibaba – đã cam kết sẽ hoàn tiền chênh lệch nếu sản phẩm Hema đắt hơn Sam’s Club. Hema điều hành cả siêu thị truyền thống và kinh doanh trực tuyến, bên cạnh các kho hàng chỉ bán cho người có thẻ hội viên.
Đại siêu thị đầu tiên Hema khai trương mùa thu năm 2020. Đến nay, Hema đã mở 9 địa điểm, cả ở các trung tâm đô thị đông đúc. Các biện pháp cắt giảm chi phí, chẳng hạn như trưng bày đơn giản và tiện lợi hơn, đã giúp Hema duy trì mức giá thấp dù tiền mặt bằng cao.
Do một công ty kinh doanh nông sản điều hành, Fudi hiện có bốn siêu thị ở Bắc Kinh. Phí hội viên lên đến 680 nhân dân tệ (94 đô la) – tức là cao gần 2,5 lần các chuỗi Mỹ, nhưng Fudi có những “tuyệt chiêu khác” như hoàn tiền (mua 1.000 nhân dân tệ thì hoàn lại 20 tệ cho lần mua sắm sau), 12 lần rửa xe và giao hàng miễn phí…
Trang South China Morning Post nói các đại siêu thị bán số lượng lớn cho khách hội viên không gây được ấn tượng với người tiêu dùng Trung Quốc khi ra mắt bởi họ nhắm mục tiêu là tệp khách nhiều tiền. Nhưng mức sống ngày càng cao ở đại lục có thể tạo ra miếng bánh mới rất hấp dẫn.