Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa vào hoạt động
Tuyến cao tốc nằm trên những đoạn thung lũng với đồi rừng trùng điệp.
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút ngắn thời gian chạy xe chỉ còn khoảng 4 giờ thay vì hơn 8 giờ như khi đi theo quốc lộ 1. Đoạn cao tốc này cũng gần như nối liền tuyến cao tốc cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT.01) từ Nha Trang đến Cần Thơ với tổng chiều dài khoảng 550 km.
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được đầu tư theo hình thức PPP do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty 194 làm nhà đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài 78,5km với tổng vốn đầu tư 8.925 tỉ đồng, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km). Điểm đầu của tuyến thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nối tiếp với đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, theo hướng từ Nam ra Bắc.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, quy mô 4 làn xe với tốc độ tối đa cho phép là 90km/giờ. Các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được vận hành bằng năng lượng mặt trời, qua đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Làn dừng khẩn cấp được bố trí cách quãng 5km/điểm. Trong ảnh là khu vực bố trí dải dừng khẩn cấp trên tuyến cao tốc.
Công nhân thi công đang gấp rút hoàn thiện các công tác vệ sinh để đưa cao tốc vào hoạt động.
Trên tuyến có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và 1 cầu trên đường kết nối cao tốc với quốc lộ 1 tại nút giao Du Long. Hiện tất cả các hạng mục cầu, đường trên tuyến đều đã được hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong những tuyến cao tốc xây dựng trên địa hình phức tạp, có nhiều cầu cạn vượt thung lũng. Trong đó, cầu số 3 (Km 60) có độ tĩnh không 47,5m, là cầu cạn vắt qua hai ngọn núi ở thung lũng Sông Trâu, nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận rất ấn tượng.
Trên tuyến có hầm núi Vung dài 2,25km, gồm 2 ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Hầm xuyên núi này là ầm dài thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Hầm núi Vung đã được Tập đoàn Đèo Cả đào thông 2 nhánh từ tháng 8-2023. Tại nhánh hầm phải, công tác đào đạt, bê tông vỏ hầm đạt và bê tông mặt đường đã hoàn thiện. Hiện đang kết nối thiết bị trong hầm với trung tâm điều hành ngay cửa hầm phía Nam.
Giai đoạn 1 hầm núi Vung chỉ vận hành nhánh hầm phải (hướng từ Nam ra Bắc). Hầm bên trái sử dụng vào mục đích thoát hiểm và cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp.
Trong ảnh là nút giao Du Long kết nối tuyến với quốc lộ 1.
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nằm phần lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, xuyên qua những cánh đồng điện gió và điện mặt trời tạo lên những khung cảnh vô cùng ấn tượng dọc đường đi.
Tuyến cao tốc nằm trên những đoạn thung lũng với đồi rừng trùng điệp.
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT.01) áp dụng mô hình thí điểm thu phí không dừng (ETC) đầu vào không có barie, đầu ra có barie. Cả ba cao tốc không có làn thu phí hỗn hợp, thu hoàn toàn tự động qua ETC.
Các thiết bị đầu đọc đã được lắp đặt trên các đầu ra vào cao tốc.
Lối vào cao tốc không có barie và cabin thu phí, giúp các phương tiện chạy qua nhanh hơn, hạn chế ùn tắc…
Nhóm phóng viên