Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Robot giao hàng tạo làn sóng mới cho kinh tế Hàn Quốc

(SGTT) - Robot giao hàng đã trở nên quen thuộc trên vỉa hè đường phố ở thủ đô Seoul và các đô thị lớn ở Hàn Quốc từ tháng 11 năm ngoái. Những cỗ máy này mang lại làn gió mới cho kinh tế Hàn Quốc, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hay tài xế.

Không chỉ ngành logistics và thương mại điện tử được hưởng lợi ích, ngành chế tạo robot hay tự động hóa cũng có cơ hội phát triển.

Robot chọn và giao các mặt hàng cần đóng gói tại trung tâm xử lý đơn hàng Daegu của Coupang. Ảnh: Coupang

Robot đi thang máy, giao hàng tận cửa

Trước tháng 11-2023, theo luật Hàn Quốc, robot giao hàng được xem là phương tiện di chuyển không người lái và không được phép lưu thông trên vỉa hè. Những thay đổi về luật có hiệu lực đã giúp robot đạt được chứng nhận an toàn khi di chuyển trên vỉa hè. Robot giao hàng được định nghĩa là nặng từ 500 kg trở xuống, có chiều rộng từ 80 cm trở xuống và di chuyển với tốc độ 15 km/h hoặc chậm hơn. Robot được phép di chuyển chậm trên vỉa hè nếu cơ quan chứng năng thông qua các kiểm nghiệm về kiểm soát tốc độ, khả năng vận hành từ xa và liệu những con robot này có thể nhận biết tín hiệu đèn giao thông hay không.

Các dịch vụ giao đồ ăn và cửa hàng tiện lợi đang chạy thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng robot ở các các khu vực được phép.

Woowa Brothers, nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất đất nước, đã triển khai chương trình thí điểm sử dụng robot giao hàng tại một khu chung cư lớn vào năm 2021. Khi các nhà hàng trong khu vực hay tòa nhà có tham gia chương trình có đơn hàng từ ứng dụng của Woowa, họ sẽ tải đơn hàng lên robot Dilly Drive sẽ thực hiện chuyện giao hàng tự động sau đó.

Dilly Drive sử dụng máy ảnh, radar và GPS để có thể di chuyển với tốc độ 5-6 km/h và tránh được người đi bộ. Dilly Drive có thể băng qua đường dành cho người đi bộ bằng cách nhận biết tín hiệu đèn xanh hay đỏ. Robot có thể “giao tiếp” với hệ thống quản lý của tòa nhà, để xin phép được đi thang máy và đưa đồ ăn, thức uống đến căn hộ của khách hàng.

Drone và robot giao hàng đang được phát triển và thử nghiệm ở Mỹ, Nhật Bản và các nơi khác. Nhưng khả năng robot có thể đi thang máy giao hàng cho khách tận cửa là chuyện hiếm.

Quả ngọt từ quá trình đầu tư sớm cho tự động hóa

Hàn Quốc dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm dân số nhanh chóng trong tương lai gần vì tỷ lệ sinh của nước này thuộc hàng thấp nhất thế giới. Mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc tăng lên 9.620 won (7,39 đô la) mỗi giờ vào năm 2023, tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

Các doanh nghiệp lớn nhỏ của Hàn Quốc đều phải đưa ra những giải pháp tự động hóa riêng nhằm giải quyết việc thiếu lao động trầm trọng. Robot đang thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau vì chi phí và sự khan hiếm lao động ở Hàn Quốc.

Từ năm 2021, robot đã xuất hiện tại nhiều nhà hàng trong các vai trò như đầu bếp, phục vụ, pha cà phê. Robot giao hàng được coi là một giải pháp đầy hứa hẹn của ngành bán lẻ và thương mại điện tử trong bối cảnh chi phí lao động ngày càng tăng ở phương Tây, bởi robot sẽ giúp giảm chi phí trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực bán lẻ và giao hàng.

​Lotte, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, hợp tác với startup phát triển robot Neubility phát triển dịch vụ giao hàng ở các chung cư tại Seoul từ năm 2021.

Không chỉ Woova Brothers, hãng giao vận hàng đầu CJ Logistics đã dùng số lượng lớn robot để đóng gói và vận chuyển tại nhà kho của hãng ở thành phố Gunpo gần Seoul. Trung tâm hoàn chỉnh đơn hàng của CJ Logistics gồm 630 kệ cao 278 cm, có thể tự di chuyển trên sàn rộng 7.000 m2. Khoảng 100 robot thực hiện việc nâng chuyển và đóng gói hàng hóa. Những con robot giúp hiệu suất làm việc của con người hơn 55%, từ 15,4 hộp hàng mỗi giờ lên 23,8 hộp.

Robot kho hàng đã giúp Coupang – được xem là Amazon của Hàn Quốc – đạt lợi nhuận khủng trong năm ngoái. Trung tâm xử lý đơn hàng của Coupang tại thành phố Daegu hoạt động ngày đêm với hơn 1.000 robot được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ riêng trung tâm này đã giúp Coupang đạt lợi nhuận 320 tỉ won (245 triệu đô la) trong năm 2022. Các con robot cũng giúp giảm 60% khối lượng công việc của con người. CEO kiêm nhà sáng lập Kim Bom-suk nói rằng: “Phần lớn các khoản đầu tư lớn của chúng tôi đã được dành để xây dựng trải nghiệm tốt nhất và hoạt động hiệu quả nhất. Chúng tôi đã bắt đầu hưởng lợi từ quá trình đầu tư này”.

Coupang đã nghiên cứu mô hình kinh doanh của Amazon khi khai trương hoạt động bán lẻ trực tuyến tại Hàn Quốc vào năm 2010, một thị trường mà gã khổng lồ Mỹ vẫn chưa thâm nhập vào thời điểm đó. Coupang đã chi mạnh tay từ rất sớm mà không lo lỗ, xây dựng 100 trung tâm hậu cần trên toàn quốc và tuyển dụng tài xế giao hàng riêng.

Dịch vụ Rocket Delivery của công ty – giao hàng vào ngày hôm sau đối với các đơn đặt hàng trước nửa đêm – đã giúp thúc đẩy sự gia tăng ổn định cả về số lượng khách hàng và đơn đặt hàng, giúp Coupang vượt Naver đứng đầu thị trường với thị phần hơn 22%.

Ricky Hồ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chỉ 22% doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng triển khai...

0
(SGTT) - Theo báo cáo của Cisco, chỉ có 22% doanh nghiệp tại Việt Nam được xác định là đã hoàn toàn sẵn sàng...

TPHCM ra mắt ứng dụng công dân số

0
(SGTT) - Ngày 14-11, UBND TPHCM đã ra mắt Ứng dụng Công dân số TPHCM hay app Công dân số. Ứng dụng này được...

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định mới...

0
(SGTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo thông tư quy định về việc chuyển...

Canada giảm nhập cư vì kinh tế gặp khó

0
(SGTT) - Nhiều sinh viên quốc tế chọn Canada làm điểm đến vì nước này có chính sách nhập cư tương đối dễ thở;...

Đọc nhanh 5 phút để chọn máy lau sàn hay robot...

0
(SGTT) - Công việc vệ sinh nhà ngày nay trở nên tiện lợi hơn bởi những thiết bị công nghệ. Trong đó, nổi bật...

Cuộc chiến pin xe điện (kỳ 2): Áp lực mở rộng...

0
(SGTT) - Trong xu hướng giá thành sản xuất pin giảm cùng với những kỳ vọng mới ở phòng thí nghiệm, các nhà sản...

Kết nối