(SGTT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, có 3 nhóm chất thải chính là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Chậm nhất là đến cuối năm 2024, các tỉnh, thành phố cần triển khai việc phân loại rác.
- Quảng Nam: Thực hành không rác thải tại một số điểm du lịch
- Việt Nam từng bước loại bỏ nhựa dùng một lần, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Theo TTXVN, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt vừa được ban hành đưa ra 3 nhóm chất thải chính gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chia làm nhiều nhóm nhỏ như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử. Chất thải thực phẩm là thức ăn thừa và thực phẩm hết hạn sử dụng… Còn chất thải rắn sinh hoạt khác là chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh.
Bộ đề nghị các tỉnh thành phố triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là 31-12-2024.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Các địa phương cần lưu ý việc tăng tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định.
Trúc Đào