(SGTT) - LTS: Chính sách tín dụng cho sinh viên ở Việt Nam nên được cải thiện như thế nào để những sinh viên nghèo có thể có những khoản vay đủ để trang trải chi phí học đại học vẫn là một bài toán chưa có lời đáp phù hợp. Câu chuyện về các khoản cho vay dành cho sinh viên tại Vương quốc Anh, nơi tác giả Lê Vũ Vân Anh, giảng viên Đại học Durham, đang làm việc có thể giúp chúng ta hiểu cách tổ chức và thực thi việc cho vay này ra sao, vai trò của các trường đại học và các tổ chức xã hội về chuyện cho vay và trả nợ vay sau đại học ở quốc gia châu Âu này…
- Sinh viên ra trường chật vật tìm việc giữa làn sóng cắt giảm lao động
- TPHCM không tuyển được sinh viên xuất sắc suốt 5 năm, nguyên nhân do đâu?
Khác với nhiều nước châu Âu lục địa như Na Uy, Ba Lan hay Đức, nơi mà giáo dục đại học được cung cấp miễn phí hoặc với mức học phí rất thấp, sinh viên tại Vương quốc Anh phải trả 9.250 bảng Anh hoặc gần bằng mức này mỗi năm cho hầu hết các khóa đào tạo cử nhân.
Nhằm bảo đảm rằng mọi người dân đều được tiếp cận giáo dục đại học, chính phủ Anh đã thực hiện một chương trình cho vay tiền nhằm hỗ trợ các sinh viên trang trải các chi phí này, bao gồm học phí và một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian học đại học. Số tiền tối đa mà một người có thể vay phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân và thu nhập của gia đình (thường là thu nhập của cha mẹ). Student Loans Company (Công ty khoản vay sinh viên) là tổ chức chịu trách nhiệm về việc quản lý các khoản vay và hoạt động như một cơ quan công lập, thuộc sở hữu của Bộ Giáo dục của Vương quốc Anh.
Hệ thống khoản vay dành cho sinh viên đại học tại Anh được thiết kế để đảm bảo tính bao quát, đồng thời giúp sinh viên từ nhiều tầng lớp tiếp cận giáo dục đại học mà không bị cản trở bởi các rào cản tài chính. Hầu hết các công dân và người cư trú tại Vương quốc Anh trong một khoảng thời gian cố định đều đủ điều kiện để nhận khoản vay, bất kể họ ở trong độ tuổi nào.
Lãi suất trên khoản vay là một chủ đề đã gây ra nhiều tranh cãi và con số cũng biến đổi theo thời gian. Con số này thường được liên kết với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và được điều chỉnh hàng năm. Điều quan trọng cần lưu ý là lãi suất vay có thể thay đổi tùy thuộc vào nơi cư trú của sinh viên tại thời điểm họ theo học (Anh – England, xứ Wales, Bắc Ailen, hoặc Scotland). Ví dụ, nếu một sinh viên đến từ Anh (England) và bắt đầu học vào hoặc sau ngày 1-8-2023, khoản vay của họ sẽ thuộc Gói 5. Sinh viên sẽ bắt đầu thanh toán cho khoản vay thuộc gói này nếu thu nhập của họ vượt quá 25.000 bảng/năm (trước năm 2023, con số này là 27.295 bảng) với điều kiện họ đã tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên, họ chỉ phải trả 9% của số tiền vượt quá ngưỡng này. Ví dụ, nếu thu nhập của họ là 30.000 bảng/năm (cao hơn ngưỡng 5.000 bảng), họ sẽ phải trả 9% của 5.000 bảng trong cả năm, tức là 450 bảng. Khoản vay thuộc Gói 5 sẽ bị xóa sau 40 năm (so với 30 năm trước đây) kể từ thời điểm bắt đầu thanh toán.
Thời gian này dài hơn nhiều so với các gói vay khác, ví dụ như Gói 1 dành cho sinh viên Anh và xứ Wales từ tháng 9-1998 đến tháng 8-2012 hoặc bất kỳ lúc nào từ tháng 9-1998 nếu người mượn đến từ Bắc Ireland. Nếu khoản vay bị “xóa,” nghĩa là bạn không còn phải trả nợ nữa, ngay cả khi bạn chưa trả hết số tiền mượn ban đầu.
Thanh toán tiền nợ ở Vương quốc Anh khá độc đáo vì không giống như các khoản vay truyền thống khác, việc trả tiền được tính dựa trên thu nhập của người vay, chứ không phải số tiền họ đã vay mượn. Quy trình thanh toán được thiết kế để bảo đảm rằng người tốt nghiệp không phải đối mặt với gánh nặng tài chính không cần thiết khi họ mới tham gia thị trường lao động. Sinh viên bắt đầu trả nợ từ tháng 4 sau khi tốt nghiệp và số tiền hoàn trả sẽ được khấu trừ tự động từ thu nhập hàng tháng. So với thu nhập, số tiền khấu trừ thường rất nhỏ, nhưng rất nhiều người không bao giờ trả hết số tiền đã vay từ Chính phủ. Năm 2017, Viện Nghiên cứu Tài chính của Vương quốc Anh đã ước tính rằng khoảng 83% sinh viên tốt nghiệp không trả nợ hoàn toàn.
Mặc dù việc không thanh toán khoản vay không dẫn đến hành động pháp lý ngay lập tức cũng như không ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín dụng cá nhân, nó vẫn khiến cho việc thế chấp hoặc vay cá nhân trở nên khó khăn hơn khi ngân hàng hoặc người cho vay đánh giá khả năng trả nợ của một người. Nếu người đi vay di chuyển ra nước ngoài, họ phải thông báo cho Công ty khoản vay sinh viên và thiết lập việc thanh toán. Một vài quốc gia có các quy định riêng về việc thanh toán khoản vay này, do đó việc duy trì thông tin và tuân thủ khá quan trọng.
Hệ thống khoản vay sinh viên tại Vương quốc Anh đóng một vai trò quan trọng trong tài trợ giáo dục đại học và có ý nghĩa lớn với những gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng quy định về việc xóa nợ đã gây ra nhiều tranh cãi. Chính phủ Anh đã nhiều lần đề nghị việc hạn chế cho vay cho những ngành học có thu nhập thấp sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, những đề xuất này luôn vấp phải phản đối dữ dội từ các trường đại học.
Thống kê từ Văn phòng Sinh viên cho thấy gần 3 trên 10 sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được công việc có tay nghề cao hoặc quyết định tiếp tục học thêm sau 15 tháng tốt nghiệp. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Tài chính đã ước tính rằng mỗi năm, cứ một trong năm sinh viên tốt nghiệp sẽ có cuộc sống tài chính tốt hơn nếu họ không học đại học. Vì nhiều lý do, trong những năm gần đây, Chính phủ Anh thúc đẩy mạnh mẽ chương trình học nghề (apprenticeship) như một giải pháp thay thế cho con đường học thuật truyền thống để đáp ứng những nhu cầu biến đổi của thị trường lao động tại Vương quốc Anh.
Lê Vũ Vân Anh