Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Trong khó khăn, ngành xuất bản đẩy mạnh chuyển đổi số

Những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Hoạt động xuất bản sách từ đầu năm đến nay cũng không ngoại lệ khi mức tiêu thụ sách sụt giảm. Các nhà xuất bản, phát hành sách nỗ lực chuyển mình, thích nghi với những yêu cầu mới của thị trường truyền thống, và không ngừng thay đổi để đón đầu làn sóng chuyển đổi số phục vụ độc giả.

Tìm cách thích ứng với khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 14.968 cuốn với 176.830.566 bản (giảm 28,8% về cuốn và giảm 51% về bản). Những con số thống kê nêu trên đã phần nào phản ánh sự khó khăn của ngành xuất bản trong nỗ lực thích nghi với những thay đổi của thị trường.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cho biết đơn vị cũng chịu nhiều ảnh hưởng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đơn cử như sức mua giảm, doanh số giảm, số lượng cuốn và bản sách đều sụt giảm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất bản, phát hành sách còn gặp một số khó khăn như nguyên vật liệu đầu vào tăng giá (giá giấy tăng trung bình khoảng 10-15%), có một số thời điểm đứt gãy nguồn cung vài chủng loại giấy; giá điện, nước, chi phí nhân công tăng; khan hiếm nhân lực sau dịch Covid-19; nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thủy Hằng Giang, nhà đồng sáng lập (Co-Founder) của Đông A Books, Giám đốc điều hành của Cá Chép Bookstore, chia sẻ thêm rằng những biến động về giá cả các nguyên vật liệu đầu vào, giá giấy in tăng cao và khan hiếm đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Các đơn vị xuất bản cần cân đối chi phí sản xuất, giá thành để đảm bảo hoạt động kinh doanh đồng thời đưa đến cho bạn đọc những ấn bản chất lượng, cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất.

Hội sách, đường sách thu hút nhiều người đến tham quan mua sắm bởi chương trình khuyến mãi, sự kiện liên quan. Ảnh: Quỳnh Như

Trước những thách thức chung của ngành, các nhà xuất bản, công ty phát hành sách chia sẻ đội ngũ trong cuộc tìm hướng thích nghi phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã chủ động tinh giản cơ cấu đề tài sách, ưu tiên các dòng sách, tủ sách đã có “thương hiệu” của NXB; tiết kiệm chi phí sản xuất; điều chỉnh kế hoạch sản xuất sát với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh công tác truyền thông giới thiệu sách theo hướng cá thể hoá và tiếp cận trực tiếp bạn đọc; đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi số (xây dựng Trung tâm Tri thức số – Trung tâm Ebook của NXB); đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực của NXB; thực hiện một số nhiệm vụ công… Với những giải pháp thích ứng như vậy, NXB Phụ nữ Việt Nam về cơ bản không bị sụt giảm doanh số quá lớn, đời sống của người lao động được đảm bảo, vị này cho biết thêm.

Với Đông A, đơn vị tiếp tục mở rộng, tìm tòi thêm các bản thảo tốt cho dòng sách thiếu nhi và đẩy mạnh các dòng sách chủ đạo khác như dòng sách S (viết tắt của từ special). Riêng dòng sách thiếu nhi, Đông A tiếp tục làm mới, đa dạng với nhiều ấn phẩm có nội dung hay, hình ảnh sinh động, phục vụ nhiều độ tuổi khác nhau. Được biết, đến nay Đông A đã gia tăng mảng sách thiếu nhi lên khoảng 20-30%, bổ sung thêm các mảng nội dung như sách kĩ năng, văn học bên cạnh tủ sách Bách khoa cho thiếu nhi đã có gần 20 năm nay.

Các ấn bản giới hạn của Đông A tại nhà sách Cá Chép. Ảnh: Đông A

Trung bình mỗi tháng, Đông A Books có thêm từ 3-5 tựa sách thiếu nhi mới (so với trước đây là 1-2 đầu sách mới). Dòng sách Bách khoa tri thức cũng được Đông A đẩy mạnh, cập nhật thêm nhiều đầu sách bản quyền có giá trị. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số sách phát hành của Đông A là khoảng 14.000 bản, tăng so với các năm trước.

Một đại diện nhà xuất bản khác chuyên ra mắt trên thị trường các chủ đề sách thiếu nhi cũng đẩy mạnh dòng sách tranh. Vị này nhấn mạnh thể loại sách này đang bán được khoảng 20.000 – 50.000 bản/tập, tạo ra thói quen sưu tập, chờ đợi ngày phát hành bản mới của độc giả.

Nhìn chung, ngành xuất bản có bị ảnh hưởng, nhưng không quá nhiều như các ngành nghề khác. Lí do là vì sách vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều cá nhân, gia đình và xã hội. Bạn đọc có thể dịch chuyển từ đọc sách giấy sang đọc sách điện tử hay nghe sách nói… “Nhưng nhu cầu tìm đến sách, đặc biệt là sách giấy, xem sách là một người bạn tâm giao luôn luôn có, văn hóa đọc vẫn luôn được duy trì và gìn giữ. Khi nào nhu cầu này còn hiện hữu, thì ngành xuất bản, phát hành sách vẫn có động lực phát triển”, bà Hằng Giang, đại diện Đông A bộc bạch.

Tập trung đầu tư cho chuyển đổi số

Trước công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều ngành nghề, ngành xuất bản cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi có khoảng 1/3 đơn vị trên cả nước bắt đầu thực hiện và ghi nhận các kết quả khả quan.

Chẳng hạn số bản sách nói (audio book) tăng trưởng, năm sau đều cao hơn năm trước khoảng 10-20%. Được biết các đơn vị đầu tư cho chuyển đổi số hầu hết có thương hiệu với nguồn đề tài sách phong phú, chất lượng tốt, cùng với đó là nguồn lực nhất định để chuyển đổi. Phía NXB Phụ nữ Việt Nam hiện đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số với việc xây dựng Trung tâm Tri thức số, dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với Trung tâm Tri thức số này, NXB kì vọng sẽ tăng doanh thu chung từ nguồn các sản phẩm mới là hình thức sách điện tử (ebook), sách nói (audio book)… khoảng từ 20-30%.

Các nhà sách kinh doanh sôi động trước thềm năm học mới. Ảnh: Minh Thảo

Theo bà Hằng Giang, Co-Founder Đông A Books, CEO Cá Chép Bookstore, công ty cũng có kế hoạch phối hợp với nhiều đối tác chuyển định dạng sách nói, ebook… để bạn đọc có thêm nhiều lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, trong nội bộ công ty, công nghệ số được ứng dụng trong việc số hóa bản thảo, lưu trữ kho dữ liệu…

Chia sẻ với KTSG Online, bà Hằng Giang nói “Trong quá trình vận hành và duy trì ứng dụng số, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như xuất hiện các bản ebook lậu không bản quyền, tình trạng sách giả trên gian hàng trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và rất khó giải quyết triệt để vấn đề này”.

Đến nay hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử vẫn được đơn vị đẩy mạnh, đồng thời tối ưu hóa chi phí vận hành để có lợi nhuận tốt hơn. Các kênh phát hành trực tuyến theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện được mở rộng theo kế hoạch hàng năm, chứ không đơn thuần là phát triển các nhà sách, đại lý truyền thống.

Hoàng An

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định mới...

0
(SGTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo thông tư quy định về việc chuyển...

Ứng dụng công nghệ, chia sẻ cơ sở dữ liệu trong...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý...

Tiến sĩ Lý Quí Trung ra mắt sách ‘Khác biệt để...

0
(SGTT) – “Khác biệt để thành công” là tựa cuốn sách thứ 10 của Tiến sĩ Lý Quí Trung, Viện trưởng Viện Doanh nhân...

Văn hóa khăn rằn cần được quảng bá rộng hơn

0
(SGTT) – Sáng nay, 5-10, tại buổi giao lưu ra mắt sách “Văn hoá khăn rằn” ở nhà sách Phương Nam (thành phố Cần...

Huế tạo không gian khuyến khích đọc sách và trao đổi...

0
(SGTT) – Sáng nay (29-9), Câu lạc bộ (CLB) Sách và Văn hóa Huế đã chính thức ra mắt tại 23-25 Lê Lợi, TP....

Cần Thơ chú trọng an toàn thông tin trong chuyển đổi...

0
(SGTT) - Nhằm nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong chuyển đổi số cũng như tìm kiếm giải...

Kết nối