Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Lộ trình Net Zero: nên nhìn về cơ hội nhiều hơn là thách thức

Tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero – Đường đến phát triển bền vững” diễn ra ngày 18-8, các diễn giả đánh giá lộ trình đưa mức phát thải ròng về mức zero (0) của Việt Nam là vô cùng thách thức, nhưng hứa hẹn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi bền vững.

Cơ hội cho giới doanh nghiệp

Sau gần ba năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những năm sắp tới lại một lần nữa đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài, bao gồm lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực và vấn đề địa chính trị trên thế giới.  Tuy nhiên, có một vấn đề mà thế giới đồng thuận chung tay giải quyết, đó là tham vọng đưa mức phát thải ròng về mức 0 (net-zero).

“Tín hiệu tích cực là các quốc gia đang ngày càng hành động nhanh hơn, vì đã nhận thấy được vấn đề, đặc biệt là trong câu chuyện năng lượng”, GS.TS Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, bình luận.

Với Việt Nam, mục tiêu đặt ra tại COP26 là đạt được Net-zero vào năm 2050. Mục tiêu này được đánh giá là rất thách thức, nhưng mặt khác lại là cơ hội lớn để quốc gia đang phát triển này có thể chuyển đổi sang nền sản xuất phát thải carbon thấp, thích ứng với quá trình biển đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững.

Tín chỉ carbon là giải pháp tạo nguồn thu bền vững đồng thời giúp kiểm soát tỷ lệ khí thải nhà kính. Ảnh: Minh Anh

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Nhà sáng lập, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (ProVietnam), cho rằng biến đổi khí hậu hiện nay ảnh hưởng và làm thay đổi hầu như tất mọi lĩnh vực. Điều này dù đặt các doanh nghiệp trong bối cảnh thách thức, nhưng cũng gợi mở nhiều tiềm năng của các ngành liên quan. “Thị trường đang hình thành một cách phôi thai, nhưng tâm thế của việc chuẩn bị là rất quan trọng. Không nên chờ cho đên khi có luật thì cơ hội mất định”, ông Trai nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, việc chuẩn bị cho lộ trình phát triển bền vững nói chung và Net-zero nói riêng đã nhận được nhiều sự chú ý gần đây, trong đó có không ít doanh nghiệp đã triển khai từ sớm.

Ông Tan Boon Thor, Giám đốc khối Bất động sản thương mại, kiêm Giám đốc Quản lý thiết kế tại Frasers Property Vietnam, cho biết Frasers là công ty bất động sản niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore đầu tiên đưa ra cam kết Net-Zero vào năm 2050. Theo đó, từ năm 2024 trở đi, các kế hoạch kinh doanh được thiết lập và triển khai đều gắn liền với câu chuyện của thích ứng và biến đổi khí hậu.

Kể cả việc huy động vốn, nguồn lực quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản, cũng được định hướng “xanh”. Theo đó, có hơn 10 tỉ đô la Singapore được huy động từ khoản vay và trái phiếu xanh hoặc liên quan đến tính bền vững được bảo đảm, tính từ khoản vay xanh đầu tiên vào tháng 9-2018, lãnh đạo Frasers Property Vietnam cho biết.

Tương tự, bà Lâm Tố Trinh, Phó Tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và Phát triển kinh doanh NS BlueScope Việt Nam, cho biết tập đoàn có lộ trình giảm carbon từ sớm, đi theo con đường chung là ESG. Riêng với Net-Zero, tập đoàn sản xuất thép này cũng làm việc với các đối tác để họ cùng đi trên con đường giảm phát thải carbon. “Kinh nghiệm là chia nhỏ giai đoạn, đầu tư từng phần, sau đó tiến đến quy trình sản xuất, dùng những công nghệ mới hơn để sử dụng những sản phẩm vật liệu mới”, bà Trinh chia sẻ.

Một cơ hội lớn cũng đến từ sự thay đổi lớn bắt nguồn từ kế hoạch vận hành chính thức thị trường tín chỉ carbon vào năm 2028, cũng được các diễn giả nhắc đến.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ câu chuyện trao đổi với một doanh nghiệp. Vị này cho biết sẵn sàng mua tín chỉ carbon với giá cao hơn thị trường (khoảng 7 đô la so với 5 đô la), lý do vì nghĩ rằng với biến động hiện nay, các chính sách, cũng như thay đổi cung- cầu sẽ làm thay đổi đáng kể thị trường trong tương lai. “Đây là chỗ mà doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tích cực. Mặc dù có thể nói là chịu áp lực mạnh với các mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta”, ông Thiên bình luận.

Liên quan đến cơ chế tín chỉ carbon, bà Eline van der Veen, Phó tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Hà Lan tại TPHCM, chia sẻ hệ thống giảm phát thải châu Âu (EU-ETS) được đánh giá là hệ thống thành công, nhưng trước đó cũng phải đối diện với những khó khăn thuở đầu tiên và phải hoàn thiện dần.

Ông Trai cho rằng trong bối cảnh hiện nay cả thế giới phải đối mặt với thách thức đầu tư trong lộ trình Net-zero chứ không chỉ riêng gì Việt Nam. “Giai đoạn này quan trọng ở chỗ phải xác định tâm thế của mình, chứ chờ tới khi bắt buộc thì làm đã hơi muộn”, ông Trai nói.

Thách thức của Chính phủ Việt Nam là xây dựng khung pháp lý rõ ràng và kêu gọi chung tay trong việc giảm thiệt hại biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Anh

Cần có định hướng rõ ràng, chung tay hành động

Một vấn đề khác được nhiều diễn giả nhắc đến là câu chuyện của thể chế và khung pháp lý. Ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc kỹ thuật Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), USAID cho rằng yếu tố thách thức lớn đối với câu chuyện thu hút đầu tư là vấn đề hoàn thiện khung pháp lý, tránh rủi ro cho doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, “tiền bên ngoài” là có sẵn nhưng cần phải có cơ chế để đưa tiền chảy vào. “Cái lo lắng nhất của nhà đầu tư là câu chuyện liên quan đến pháp lý, nếu không giải được bài toán này thì khó xử lý được mục tiêu dài hạn hơn”, ông Sơn nói.

Tương tự, bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Anh tại TPHCM, cho rằng thách thức sẽ là biến cam kết của chính phủ thành định hướng, khuôn khổ rõ ràng hơn. Đi cùng đó là đưa tất cả mọi người liên quan cùng vào cuộc, chung tay cho câu chuyện giảm phát thải.

“Cần phải có sự rõ ràng về mặt phát triển và hoàn thiện khung thể chế chính sách. Thứ hai là có cách tiếp cận toàn dân, nhiều góc nhìn, từ học giả, chuyên gia, tổ chúc xã hội, vì đây là chuyển đổi lớn nên cần có sự cân đo đong đếm của tất cả các bên, để đảm bảo sự chuyển đổi công bằng nhất có thể”, bà nói.

Còn Bà Eline van der Veen, Phó Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Hà Lan tại TPHCM, cho rằng trách nhiệm của chính phủ là đưa ra khung pháp lý phù hợp, đảm bảo có hấp dẫn cả về câu chuyện thể chế và tài chính nữa, để khu vực tư nhân nhìn thấy đây là điểm sáng, phù hợp để triển khai dự án.

Mặt khác, bà Eline cũng cho biết nhu cầu các chuỗi cung ứng luôn tìm kiếm các doanh nghiệp ở Việt nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ cao, môi trường, hoặc đòi hỏi sử dụng năng lượng xanh trong quá trình sản xuất. Vì vậy, để thu hút các nhà đầu tư thì chính phủ cũng cần có chính sách để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng những yêu cầu này.

Nhìn chung, các diễn giả cho rằng thách thức của Net-zero là rất lớn nhưng Việt Nam “có thể và sẽ” làm được. Vấn đề sẽ là đúng hướng đầu tư, đúng người và đúng thời điểm. Việt Nam đang có những thúc đẩy rất mạnh về mặt chính sách, khung pháp lý nên bước tiến sắp tới sẽ được thực hiện rất nhanh, bà Emily Hamblin chia sẻ.

TPHCM sẽ thí điểm thị trường tín chỉ carbon ở Cần Giờ

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kêu gọi sự đồng hành hỗ trợ của các tổ chức chuyên gia, ban hành hệ thống chính sách cho TPHCM giúp chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Ảnh: L.V.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết TPHCM sẽ dành nguồn lực tương xứng cho quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, cùng tham gia với cam kết Net-zero của Việt Nam vào năm 2050.

TPHCM chọn Cần Giờ là nơi thí điểm xây dựng “Cần Giờ không phát thải đến năm 2030”. Trong đó tập trung chuyển đổi phương tiện thủy bộ trên địa bàn không sử dụng năng lượng sạch, xử lý rác thải chất thải với công nghệ tiên tiến, tập trung đánh giá và thực hiện thí điểm tín chỉ giao dịch carbon trên địa bàn Cần Giờ.

Cuối năm 2022, Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, và gần đây Nghị quyết 98 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây là khung pháp lý về thể chế quan trọng để TPHCM có điều kiện hơn đẻ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Hiện nay, TPHCM đã ban hành các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và các chuyên ngành có liên quan khác.

Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM cũng cho rằng những điều triển khai hiện chưa đầy đủ và cần cập nhật mới, đồng thời kêu gọi sự đồng hành hỗ trợ, các tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ cho TPHCM trong thời gian tới. Mục tiêu là ban hành hệ thống chính sách cho TPHCM để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các chính sách phải tập trung thúc đẩy sự chuyển đổi về năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất và tiêu dùng mà ở đó doanh nghiệp là trung tâm tiếp nhận, đi đầu trong việc chuyển đổi.

Dũng Nguyễn

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Techcombank ra mắt thẻ giúp người dùng theo dõi lượng khí...

0
(SGTT) - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa ra mắt thẻ thanh toán Visa Eco, chiếc thẻ giúp người dùng theo...

80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí...

0
(SGTT) - 80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo 2 năm một lần về...

Xe máy đang lưu hành chưa bắt buộc kiểm định khí...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, thay vì bắt buộc từ đầu năm 2025, việc kiểm định khí thải đối...

Ai đang bán nhiều tín chỉ carbon nhất ở Việt Nam?

1
(SGTT) – “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát...

“Xanh hóa” thị trường trang sức: nhìn từ Thái Lan

0
(SGTT) – Vài năm qua, ngành trang sức và đá quý Thái Lan tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, thông qua nhiều chứng...

Cùng nhập cuộc để tăng tốc cho nền kinh tế Net...

0
Ngày 19-9 tới đây, sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” sẽ diễn ra tại...

Kết nối