Thời gian tới, các thành viên của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ sẽ kết hợp với địa phương tìm hiểu, phát triển địa phương theo những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trong đó, việc phát triển này đảm bảo theo hướng năng lượng xanh, công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế biển, thủy sản liên vùng…
- Kinh tế xanh: con đường phát triển tất yếu của doanh nghiệp
- Làm nông thời kinh tế xanh: Trồng lúa bán tín chỉ khí… carbon
Baochinhphu.vn cho biết, ngày 12-8 vừa qua, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ lần 1, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc thành lập hội đồng vùng là cơ sở pháp lý để các thành viên cùng nhau giải quyết những vấn đề liên ngành, địa phương và vùng.
Theo đó, các thành viên trong hội đồng sẽ tiến hành làm rõ những vấn đề liên quan đến đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp, quy hoạch để phát triển địa phương theo tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng vùng. Các thành viên trong hội đồng cũng thực hiện các phần việc được giao và gửi báo cáo kết quả tại hội nghị quy hoạch vùng vào tháng 9 tới.
Thông tin tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc phát triển vùng cần đảm bảo những yếu tố như phát triển năng lượng xanh, công nghiệp công nghệ cao, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, đưa vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước, phát triển trung tâm, logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu. Đồng thời, vùng cần mở rộng, xây dựng trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia; thu hút đầu tư, ưu tiên các chương trình giáo dục chất lượng cao.
Các bộ ngành còn nêu lên những khó khăn trong quá trình quy hoạch vùng, đồng thời, cho rằng 14 tỉnh trong vùng đều có biển, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, thủy sản liên vùng; góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EU với việc ngư dân đánh bắt cá trái phép.
Về công tác triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành xây dựng ứng dụng (app) cơ sở dữ liệu để hội đồng vùng trao đổi thông tin. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch vùng dựa trên các tiềm năng lợi thế, tối ưu lợi thế của mỗi tỉnh, vùng. Bộ Giao thông vận tải sẽ quy hoạch tư duy mới về phát triển cảng biển, hàng không. Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Y tế xem xét về thành lập trung tâm giáo dục, trung tâm y tế vùng. Bộ Tài chính hình thành quỹ của vùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch về tài nguyên biển…
Trước đó, TTXVN đưa tin, ngày 11-7, Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 824 về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Đây là lần đầu tiên cả nước có hội đồng điều phối vùng.
Việc lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến phát triển vùng đạt kết quả và bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường. Trong đó, nền tảng là khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa các vùng.
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận). Diện tích tự nhiên khoảng 95,86 ngàn km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước).
Vùng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển, có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước; là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online