Thứ tư, Tháng mười một 6, 2024

TPHCM và Hà Nội “về chót” trong giải cứu động vật hoang dã

(SGTT) - TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương ghi nhận số vụ việc vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) do người dân thông báo nhiều nhất trong năm ngoái, tuy nhiên hiệu quả xử lý các vụ việc này còn tương đối thấp.

Trong buổi công bố “Hiệu quả công tác xử lý thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo năm 2022” vào sáng ngày 9-8 tại TPHCM, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã đưa ra những kết quả chung về hiệu quả công tác xử lý các vụ về ĐVHD do người dân thông báo ở 63 tỉnh thành. ENV nhận định tỷ lệ xử lý vụ việc thành công, tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống, tỷ lệ phản hồi cho người dân và hiệu quả công tác xử lý các vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trên cả nước đã có sự cải thiện so với năm 2021.

Một cá thể rùa biển được Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh giải cứu sau khi bị ngư dân đem bán. Ảnh: Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh

Năm ngoái có 1.153 vụ việc được người dân thông báo, trong đó, tỷ lệ phản hồi trung bình trên cả nước đạt 97,7%, tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc về ĐVHD nói chung chỉ đạt 32,7% và tỷ lệ xử lý thành công vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống là 34,8%. Cả hai chỉ số đều tăng nhẹ so với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với kết quả ghi nhận năm 2019 và 2020.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết: “Từ khi tiến hành hoạt động đánh giá này, ENV đã nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả công tác xử lý vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo của các cơ quan chức năng. ENV cũng rất mong các cơ quan chức năng trên cả nước tập trung nỗ lực hơn nữa, phấn đấu đưa tỷ lệ xử lý thành công vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trung bình trên cả nước trong năm 2023 đạt 60%”. 

Thống kê hiệu quả chung  công tác xử lý thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo năm 2022. Ảnh: ENV

Hai thành phố lớn nhất cả nước ghi nhận số lượng vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất trên cả nước là TPHCM với 444 vụ và Hà Nội là 113 vụ. Dù vậy ENV vẫn chưa ghi nhận hiệu quả cao trong công tác xử lý các thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nói chung và vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống nói riêng. Trong năm 2022, các cơ quan chức năng ở TP HCM chỉ xử lý thành công 16,9% các vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo và tỷ lệ xử lý thành công các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống cũng chỉ đạt 18,1%. Các tỷ lệ này tại Hà Nội lần lượt là 28,3% và 32,8%.

Một điểm đáng chú ý trong công tác xử lý các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo trong năm 2022 là tình trạng bán rong rùa. Công tác này trên địa bàn TPHCM vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Cụ thể, ENV hầu như không ghi nhận được thành công của các cơ quan chức năng tại TPHCM khi xử lý hơn 400 trường hợp bán rong ĐVHD trên địa bàn trong năm 2022. Trong những trường hợp này, cơ quan chức năng thường đã đến kiểm tra địa điểm được người dân báo cáo, tuy nhiên không phát hiện người vi phạm.

Phạm vi hoạt động mua bán rùa trái phép trên địa bàn TPHCM trong năm 2022. Ảnh: ENV

Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam là địa phương đạt hiệu quả nhất trong công tác xử lý các vụ việc do người dân thông báo, với tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc nói chung đạt 84,6% và tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống là 94,1%. Với việc tích cực xử lý 100% các thông tin vụ việc cùng phản ứng kịp thời sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm từ ĐVHD, gỡ bỏ các thực đơn quảng cáo ĐVHD trái phép, đồng thời tịch thu và tiếp nhận chuyển giao 1.172 cá thể ĐVHD còn sống trong năm 2022.

Ngoài ra, hai tỉnh Thanh Hóa và Đồng Nai cũng nằm trong số các địa phương có hiệu quả xử lý thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trong năm ngoái tốt nhất cả nước. Cơ quan chức năng hai tỉnh này đã phản hồi 100% các thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo và đạt tỷ lệ thành công cao cả trong việc xử lý các vụ việc nói chung và các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống nói riêng.

Trong năm ngoái, số vụ án vi phạm về ĐVHD được đưa ra xét xử là 145 vụ, trong đó số vụ có đối tượng bị phạt tù là 75, mức phạt tù trung bình (theo năm) là 3,25 năm. Để nâng cao hiệu quả răn đe phòng ngừa tội phạm về ĐVHD, ENV kêu gọi các kiểm sát viên và thẩm phán không được khoan nhượng, thông cảm cho các đối tượng vi phạm. Đây sẽ là hành động vô cùng quan trọng để có thể xóa bỏ nạn buôn bán trái phép ĐVHD. 

Trong năm ngoái, số vụ án vi phạm về ĐVHD được đưa ra xét xử là 145 vụ, trong đó số vụ có đối tượng bị phạt tù là 75, mức phạt tù trung bình (theo năm) là 3,25 năm.

Theo số liệu công bố mới nhất tại buổi báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, ENV tiếp nhận hơn 1800 vụ người dân thông báo vi phạm về ĐVHD, trong đó có hơn 50 % vi phạm trên không gian mạng và con số này đang gia tăng qua các năm (năm 2015 chỉ khoảng 21% với 284 vụ, năm 2022 chiếm 49% với 1.686 vụ). Các đối tượng buôn bán ĐVHD thường lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, mua bán ĐVHD. Hình thức buôn bán này đem lại lợi nhuận cao với chi phí đầu vào thấp, sản phẩm không cần có sẵn và khả năng tiếp cận khách hàng trực tuyến rộng rãi và đang dạng.

Để đối phó với tốc độ tăng nhanh chóng của loại vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng này cần tập trung vào các đầu mối cung cấp ĐVHD lớn cũng như tăng cường răn đe qua các biện pháp xử phạt, ENV cho rằng việc tăng cường các biện pháp xử phạt mạnh mẽ và tuyên truyền rộng rãi các hình thức xử phạt này sẽ giúp giải quyết khoảng 90% các vi phạm thông qua trực tuyến.

Trong khi ghi nhận những thành công và nỗ lực của nhiều tỉnh, thành phố trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã, tại buổi báo cáo đại diện ENV cũng khuyến khích các cơ quan chức năng phản hồi nhanh chóng và hiệu quả khi xử lý các tin báo vi phạm. Hiện ENV cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường thể chế, chính sách và trực tiếp hỗ trợ thực thi pháp luật trong việc bảo vệ các loài ĐVHD đang bị đe dọa tại Việt Nam.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) được thành lập năm 2000, là một trong những tổ chức đầu tiên tại Việt Nam có các hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. ENV đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép ĐVHD và hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết phải bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật hoang dã.Nếu người dân phát hiện có bất kỳ dấu hiệu, hành vi nào liên quan đến buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã hãy thông báo ngay ENV tại Hotline: 1800 1522. 

Ngọc An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bắt đầu mùa ra biển làm ‘bà đỡ’ cho những mẹ...

0
(SGTT) - Vào hè, nhiều bãi biển trên cả nước lại chào đón những cá thể rùa lên đẻ trứng, đây cũng là thời...

Giao rùa biển quý hiếm từ thông tin của báo SGTT...

0
(SGTT) - Ngày 19-5, Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa tiếp nhận và bàn giao 1 cá...

Người dân tự nguyện giao nộp cá thể rùa biển 7kg...

0
(SGTT) - Trong quá trình mua hải sản ở Tiền Giang, một đàn ông phát hiện cá thể rùa biển nên mua lại. Người...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Chung tay ngăn chặn mua bán chim hoang dã

0
(SGTT) - Ngày 19-4, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế...

Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 2...

0
Sau 2 năm vắng bóng, sáng 7-3, bốn cá thể sếu đầu đỏ đã về Vườn quốc gia Tràm Chim, bay lượn và đậu...

Kết nối