Dự án về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng góp cho sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn và carbon thấp của Việt Nam thông qua việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng và thí điểm chứng nhận về chất lượng để thúc đẩy các hoạt động trao đổi nguyên vật liệu thứ cấp, sản phẩm tái chế thông qua thị trường trực tuyến…
- Việt Nam từng bước loại bỏ nhựa dùng một lần, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
- Khôi phục du lịch sau dịch: Cơ hội từ kinh tế tuần hoàn
Theo TTXVN, vừa qua, Đại sứ Hà Lan và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã ký kết dự án về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp (ACE-Biz), hướng đến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho khối doanh nghiệp Việt Nam.
Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp cho sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn và carbon thấp của Việt Nam. Những giải pháp được tiến hành như chuyển đổi mô hình kinh doanh, xây dựng các hướng dẫn tuần hoàn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng và thí điểm chứng nhận về chất lượng để thúc đẩy các hoạt động trao đổi nguyên vật liệu thứ cấp, sản phẩm tái chế thông qua thị trường trực tuyến.
Dự án là cơ sở để xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cho doanh nghiệp tích hợp các nguyên tắc thiết kế tuần hoàn và áp dụng mô hình tuần hoàn nước thải công nghiệp, cải thiện tính bền vững và hiệu quả của hoạt động tái chế.
Ngoài ra, thông tin tại buổi làm việc, đây là cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện chương trình đào tạo nhằm cung cấp kiến thức, hướng đến nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất bền vững, các mô hình kinh doanh tuần hoàn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thiết lập nền tảng để phát triển kinh tế bền vững, đồng thời, tạo cơ sở thực tiễn và khuyến khích việc nhân rộng mô hình tương tự ở các lĩnh vực, ngành công nghiệp khác.
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online