(SGTT) - Trong hành trình lữ khách xuôi dọc nhiều quốc gia, tôi dành sự thiện cảm cho nét văn hóa ẩm thực Đài Loan. Có thể nói, ẩm thực nơi đây mang màu sắc rất riêng biệt mà chỉ có trải nghiệm và thưởng thức thì mọi người mới cảm nhận rõ.
- Thái Lan là điểm du lịch quốc tế yêu thích của du khách gia đình Việt
- Đến Đài Bắc, đừng quên thử món bánh củ cải trên đường Bade
Được biết, ở Đài Loan có cộng đồng người Việt khá đông mà theo cô hướng dẫn viên tên Huyền chia sẻ, trong 23,5 triệu người nơi đây thì người Việt chiếm 12%. Còn theo Tổng hội Việt kiều tại Đài Loan, tổng số người Việt nơi đây vào năm 2021 là khoảng 470.000 người (bao gồm cả cô dâu Việt, lao động, tân di dân).
Ghé thăm Đài Trung (một thành phố ở phía Tây Trung bộ Đài Loan), chúng tôi lưu trú ở Khách sạn Pralmer. Điểm thú vị mà tôi thấy đầu tiên nơi đây là hàng dài các quán ăn Việt Nam, có cả xe bán sinh tố với ngôn ngữ tiếng Việt trên bảng hiệu thân quen.
Nghỉ ngơi sau một ngày dài di chuyển thì buổi sáng thức dậy làm tôi khá ngỡ ngàng khi đã 8 giờ sáng mà các quán ăn xung quanh khách sạn vẫn chưa mở cửa. Trò chuyện cùng một người chủ quán ăn gần đó thì anh ta cho hay, quán sẽ mở cửa vào lúc 10 giờ và như truyền thống giờ hoạt động của các quán ăn ở Đài Loan là từ 10:00 - 22:00.
Chúng tôi dạo quanh phố Việt, gặp một quán phở của một người Việt đến từ Nam Định. Quán của anh bán hết hàng dẫu chỉ mới 8 giờ tối. Anh cho hay, vợ chồng anh qua đây đã 10 năm và "tuổi đời" quán phở cũng ngần ấy năm. Theo đó, giá một tô phở ở quán chỉ khoảng 50.000 đồng tiền Việt mà hương vị nấu như vị truyền thống quê nhà.
Tiếp tục tham quan con đường này thì tôi thấy có quán đề là "Bún chả Obama", có quán thì tên thuần Việt như là Hồng Hạnh. Đây là quán cơm phục vụ các món ăn Việt Nam mà vợ là người Việt, chồng là người Đài. Khách ăn món gì cứ lấy mảnh giấy ghi món bằng tiếng Việt đánh dấu rồi đưa cho chủ quán. Các món ăn không có rau kèm theo, vì rau xanh ở Đài Loan rất mắc.
Những món ăn ở các quán bán phở, bún bò, cơm chiên… thì giá khoảng 120 đài tệ (khoảng 100.000 đồng); các món rau cũng 120 đài tệ; các món như ếch xào, gà ram giá 200 đài tệ… Gần như thống nhất mọi nơi, kể cả quán ở Đài Bắc hoặc phố đêm Phùng Giáp.
Khá thú vị khi tại đây có cả nước mắm, xì dầu và mắm ruốc nhập khẩu từ Việt Nam. Tôi mua một chai nước mắm nhỏ có giá khoảng 80.000 đồng tiền Việt. Tuy nhiên, các món ăn ở đây chế biến cho hợp khẩu vị người Đài nên chẳng giống món ăn ở quê nhà. Tại Đài Bắc, cũng có rất nhiều hàng quán của người Việt, kèm thực đơn hẳn hoi. Vào quán người Việt ở xứ người thật là vui, cô chủ quán đưa ngay thực đơn viết bằng tiếng Việt với giá cả minh bạch, rõ ràng. Riêng bia thì cứ mở tủ lạnh lấy, uống bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu.
Ở ngôi làng cổ Thập Phần, làng cổ 100 tuổi cách Đài Bắc 30km thì hàng quán của người Đài, nhưng thuê người Việt bán, theo giải thích là do khách Việt đến đây nhiều. Trong những cuộc hành trình như vậy, gặp nhau ở nơi chốn lạ, nhìn thấy, nói cùng nhau ngôn ngữ quê hương và cả thưởng thức món ăn Việt luôn là điều thú vị.
Khuê Việt Trường