Sử dụng công nghệ thành thạo, thích học hỏi cái mới và ưa chuộng phong cách làm việc linh hoạt, thế hệ gen Z có nhiều tiềm năng trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thế hệ này khá kén chọn việc làm, khó hòa nhập thị trường lao động hơn so với những thế hệ trước.
- Cứ 100 nhân viên đi làm thì có 29 “xác sống công sở”
- ‘Xác sống’ nơi công sở – Đi tìm phương pháp trị liệu hữu hiệu
- ‘Xác sống’ nơi công sở – Khi người trẻ mất định hướng tương lai
Kỳ thực đâu đó, chúng ta không khó bắt gặp những sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đã không vội vàng đi làm, mặc dù họ có được những cơ hội làm việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Với sự yểm trợ tài chính từ gia đình, các bạn ấy có thể dành thời gian học thêm kiến thức mới, tìm hiểu về các vị trí việc làm trước khi đưa ra quyết định tìm việc, hoặc đơn giản hơn là để đi du lịch nhằm gia tăng trải nghiệm của bản thân về cuộc sống.
Không thể phủ nhận đó đều là những hoạt động có ý nghĩa đối với công việc và cuộc sống trong tương lai của mỗi người. Nhưng dưới góc độ kinh tế học, bài viết này sẽ phân tích lợi ích kinh tế giữa việc người trẻ lựa chọn đi làm muộn với việc họ chủ động tìm việc ngay sau khi ra trường.
Chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội (opportunity cost) hiểu ngắn gọn là lợi ích tiềm năng bị bỏ qua khi chúng ta quyết định lựa chọn phương án này thay vì phương án khác. Hãy tưởng tượng sau khi tốt nghiệp, bạn quyết định trì hoãn xin việc và dành thêm hai năm để học thêm kiến thức và chờ đợi một công việc ưng ý.
Với quyết định này, bạn sẽ phải chi trả các chi phí liên quan đến quá trình học tập (học phí, tiền sách vở, chi phí di chuyển, chi phí Internet…, ví dụ là 600 triệu đồng). Và do đi làm trễ hai năm, bạn bị một số mất mát khác, chẳng hạn như thu nhập từ tiền lương, thưởng của hai năm làm việc (giả định 300 triệu đồng). Tất cả những khoản chi trả, mất mát ấy đều là chi phí cơ hội của việc trì hoãn hai năm làm việc để đi học.
Trong Kinh tế học vi mô (NXB Hồng Đức, 2022), tác giả Mankiw phân chia chi phí cơ hội thành hai dạng: chi phí sổ sách và chi phí ẩn. Hiểu đơn giản chi phí sổ sách là chi phí được chi ra bằng tiền (dễ quan sát, dễ ghi nhận giá trị). Trong ví dụ trên, 600 triệu đồng chi phí cho học tập là dạng chi phí sổ sách. Ngoài ra, chi phí ẩn là các loại chi phí không đòi hỏi chi trả bằng tiền, chẳng hạn số tiền 300 triệu đồng thu nhập của hai năm làm việc thuộc dạng chi phí này, do đây là giá trị mang tính tiềm năng bị mất đi chứ thực tế bạn không chi ra.
Việc trì hoãn làm việc phát sinh chi phí cơ hội, vậy liệu bạn có nên dành thêm hai năm học tập trước khi đi làm? Câu trả lời còn tùy thuộc vào lợi ích mang lại từ việc học có lớn hơn chi phí cơ hội đã bỏ ra hay không.
Giả sử kiến thức tích lũy từ hai năm học đem lại cho bạn “lợi ích tăng thêm”, như thu nhập tăng thêm do có được một công việc tốt hơn (trên thực tế, việc học tập còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người học như kiến thức, kỹ năng làm việc, thái độ sống…). Nếu lợi ích tăng thêm này lớn hơn chi phí cơ hội thì việc trì hoãn đi làm để đi học là phương án phù hợp vì nó mang lại lợi ích kinh tế (economic profit). Ngược lại, việc dành thêm hai năm đi học sẽ không phải là một lựa chọn hay nếu khoản thu nhập tăng thêm ít hơn chi phí cơ hội bị mất đi.
Một vấn đề là người ta chỉ có thói quen ghi sổ những chi phí thực tế đã phát sinh và rất dễ bỏ qua chi phí ẩn bởi đặc thù của chi phí ẩn là không phát sinh dòng tiền. Có lần, tôi hỏi vui ông chủ quán phở: “Sao phở của bác ngon vậy mà giá lại rẻ hơn nhiều tiệm quanh đây?”. Ông trả lời: “Những quán kia phải thuê mặt bằng, còn tôi mở quán trên mặt bằng của gia đình”. Câu trả lời này cho thấy chi phí ẩn (về mặt bằng) đã bị bỏ qua khi bác chủ quán định giá tô phở của mình.
Hiện tượng bỏ qua chi phí ẩn cũng có thể do đặc tính khó ước lượng của nó. Là một sinh viên mới ra trường và chưa từng đi làm, nhiều khả năng bạn không đủ thông tin và kinh nghiệm để trả lời câu hỏi: “Nếu tôi quyết định đi làm, ước lượng thu nhập trong hai năm của tôi sẽ là bao nhiêu?”. Một khi chi phí ẩn bị bỏ sót, ước lượng chi phí cơ hội sẽ thấp đi. Giả định các yếu tố khác không đổi, lợi ích kinh tế sẽ được ước lượng cao hơn, dẫn tới ảo tưởng rằng “phương án trì hoãn tìm việc” là phương án tốt hơn.
Một cạm bẫy khác mà người ta cũng thường gặp phải, đó là việc đánh giá quá cao giá trị của lợi ích tăng thêm. Nếu bạn là một người đam mê du lịch và quyết định tạm hoãn chuyện tìm việc làm để đi du lịch, về mặt tâm lý, không loại trừ khả năng bạn có khuynh hướng lạc quan quá mức đối với lợi ích tăng thêm mà việc du lịch mang lại, dẫn đến lựa chọn trì hoãn đi làm.
Chi phí chìm
Chi phí chìm (sunk cost) là chi phí được chi trả và không thể thu hồi, cho dù quyết định tiếp theo của bạn là gì.
Giả sử vào một ngày cuối tuần, bạn lái xe một quãng đường xa để mua trà sữa tại quán A mà bạn rất yêu thích. Không may khi đến nơi thì quán đóng cửa ngày hôm ấy. Cạnh bên quán A có quán B cũng bán trà sữa mà bạn cũng đã từng mua dùng. Theo kinh nghiệm, bạn biết giá bán ở quán B rất đắt so với chất lượng trà sữa của họ. Nhưng vì đã trót bỏ thời gian, chi phí và công sức lái xe đến đây, bạn vẫn quyết định mua trà sữa ở quán B. Lúc này, bạn đang vướng phải hiện tượng tâm lý được gọi là ngụy biện chi phí chìm (sunk cost fallacy).
Lưu ý rằng khi ra quyết định mua trà sữa của quán B, bạn đã biết lợi ích kinh tế của quyết định này mang giá trị âm (chất lượng sản phẩm không tương xứng giá tiền), nhưng bạn mong muốn “cứu vớt” lại thời gian, chi phí và công sức lái xe. Nếu phân tích kỹ lưỡng về mặt kinh tế, bạn sẽ nhận ra ở thời điểm nhận biết quán A đóng cửa, mọi phí tổn liên quan đến việc lái xe tới quán đã mất đi, cho dù bạn có mua trà sữa ở quán B hay không thì cũng không có cách gì lấy lại. Và với việc giá bán của quán B cao hơn so với chất lượng sản phẩm, quyết định hợp lý là bạn không nên mua hàng.
Hãy ứng dụng nguyên tắc này trong tìm việc. Nếu bạn quyết định trì hoãn xin việc để làm một việc mà bạn cho là ý nghĩa, bạn cần phải tự cảnh giác bản thân trước nguy cơ ngụy biện chi phí chìm. Giả sử bạn quyết định đi học thêm hai năm rồi mới gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên sau một năm học tập, bạn nhận được cơ hội làm việc rất hấp dẫn. Lúc này, hãy nhớ rằng thời gian và chi phí học tập đã bỏ ra trong một năm đã qua không liên quan đến quyết định ở hiện tại của bạn. Để ra quyết định, bạn chỉ cần so sánh lợi ích kinh tế của hai phương án sau đây: (1) tiếp tục học thêm một năm rồi xin việc làm, và (2) dừng học và nhận lời đi làm ngay lập tức.
Khuynh hướng ngụy biện chi phí chìm có thể không chỉ do luyến tiếc chi phí và công sức đã bỏ ra. Trong Những lựa chọn thông minh – Để đưa ra những quyết định tốt hơn trong cuộc sống (NXB Lao động Xã hội, 2016), Hammond và cộng sự còn chỉ ra một nguyên nhân khác, đó là “… vì chúng ta không sẵn sàng thừa nhận một sai lầm”.
Không chỉ thế hệ gen Z mà tuổi trẻ nói chung thường có “cái tôi” rất lớn. Khi đã quyết định theo đuổi một mục tiêu nào đó, các bạn thường không từ bỏ vì muốn chứng minh bản thân có đủ năng lực để hiện thực hóa những điều mình đã đặt ra. Tuy nhiên, mục tiêu không phải là bất biến, nó cần được cập nhật, điều chỉnh theo hoàn cảnh. Quyết định trì hoãn tìm việc có thể phù hợp ở vài tháng trước đây nhưng không có nghĩa nó vẫn đúng đắn ở thời điểm hiện tại.
Lời kết
Lựa chọn đi làm ngay sau khi ra trường hay dành thời gian để làm những điều ý nghĩa khác trước khi tìm việc làm đều là những phương án có ưu điểm và nhược điểm riêng. Trước khi đưa ra quyết định, điều quan trọng là bạn không bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời mà cần phải cân nhắc kỹ càng chi phí cơ hội, đánh giá thận trọng lợi ích của việc trì hoãn tìm việc.
Để không bỏ sót chi phí ẩn, bạn hãy luôn tự chất vấn bản thân: lợi ích tôi nhận được là gì nếu quyết định đi làm? Trong trường hợp cần thông tin để ước lượng, bạn có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia nhân sự và những người đang công tác trong lĩnh vực mà bạn dự định xin việc.
Ngụy biện chi phí chìm cũng là một vấn đề thường gặp nhưng nó không thể làm bạn lạc lối nếu bạn chủ động tách bạch dạng chi phí này ra khỏi quyết định hiện tại của mình.
Vũ Quốc Anh
Theo Kinh tế Sài Gòn Online