(SGTT) – Đuôi bò giòn sần sật, những cọng bún tươi màu trắng nằm hòa quyện trong phần nước dùng đậm đà… Đó là những dư vị khó quên mỗi khi mọi người thưởng thức món bún đuôi bò.
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa văn phòng ‘gia đình’ kiểu bento
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa giòn sần sật cùng salad râu bạch tuộc khổng lồ
- Trưa nay ăn gì: Mì gói xào heo quay, chút đậm đà cho bữa trưa đầu tuần
Nhắc đến ẩm thực vùng miền, sợi bún gần như là nguyên liệu chính cho nhiều món nước và kể cả món khô (trộn sốt). Như ẩm thực Nam bộ có món bún trộn, ẩm thực miền trung có bún bò Huế hay ẩm thực miền Bắc có bún chả. Thế nhưng, bún đuôi bò lại là một sự đặc sắc mà các quán ăn chọn đưa vào thực đơn và bày bán cả ngày.
Qua khảo sát, bún đuôi bò thường sử dụng chung phần nước lèo với bún bò hay bún bò Huế. Tức là nước dùng được hầm từ xương bò, kết hợp một số gia vị nêm nếm để tạo nên màu nước hơi ngả nâu. Tại TPHCM, bún bò Huế thông thường biến tấu theo khẩu vị người nơi đây nên người bán gia giảm hoặc không cho mắm ruốc vào nấu cùng. Do thịt bò để nguội dễ bị đóng váng mỡ (kể cả nước lèo) nên mọi người thấy các quán bún bò lúc nào cũng để lửa liu riu.
Tương tự nước dùng, sợi bún cho bún đuôi bò vẫn là cọng bún loại trung (lớn gấp đôi cọng bún của các món nước miền Tây). Vì thế, bún cho độ giòn sần sật và để lâu trong nước cũng không bị bở, dễ thưởng thức.
Cuối cùng, nguyên liệu đuôi bò cũng chính là phần tạo nên sự khác biệt của món ăn này so với các món bún khác. Cụ thể, đuôi bò có phần thịt bao quanh xương mềm mại, da thì giòn giòn và cũng là phần thịt hiếm hoi mà chỉ một số quán bún bò có phục vụ. Tùy vào phân khúc thực khách mà có quán thì hầm đuôi bò lâu để có độ mềm nhất định, có quán thì hầm vừa phải để còn độ giòn sần sật. So với đuôi heo, đuôi bò thơm, béo nên những tín đồ đuôi heo có thể thử lựa chọn.
Giờ trưa giữa tuần đã gần đến, mọi người nên thử qua bún đuôi bò hoặc nếu lâu rồi chưa dùng thì tin chắc rằng món ăn này sẽ mang đến một trải nghiệm ẩm thực thú vị.