Khâm Hảo Duyên(*)
Tự ngàn xưa đã hình thành những làng gốm nổi tiếng một thời ở miền Trung, kéo dài từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Phú Yên. Sự hình thành rõ nét nhất, tên tuổi nhất, là gốm Mỹ Thiện – Quảng Ngãi, gốm Gò Sành – Bình Định và gốm Quảng Đức – Phú Yên. Ba dòng gốm này cho thấy có sự giao thoa văn hóa và xây dựng thành cái riêng của mình. Qua đó, cũng cho thấy có một con đường gốm sứ trên biển giao thương mua bán ở ba vùng đất này và lan tỏa ra khắp cả nước, kể cả vượt ra khỏi biên giới.
Tại Quảng Ngãi, gốm Mỹ Thiện là một trong những làng gốm cổ nổi tiếng một thời, nghệ nhân của làng gốm này đã từng sản xuất đồ ngự dụng tinh xảo cho Chúa Nguyễn. Nhưng rồi, cũng giống như số phận của nhiều làng nghề truyền thống khác, làng gốm Mỹ Thiện lụi tàn dần. Hiện chỉ còn duy nhất một nghệ nhân của làng là ông Đặng Văn Trịnh, nay đã 52 tuổi. Theo bản tông đồ ghi các phả hệ đang treo ở nhà từ đường thờ tổ nghề gốm Mỹ Thiện Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi), có thể xác định sự khai sinh ra làng gốm này là từ khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Người khai mở làng gốm ở đây là ông Phạm Công Đắc và ông Nguyễn Công Ất quê ở Thanh Hóa vào Quảng Ngãi lập nghiệp.
Tại Bình Định, bên những đền tháp mang cái duyên thầm lặng với vẻ đĩnh đạc, khoan thai cùng với những thành quách, cảng thị và kinh kỳ chìm sâu trong đất, các nhà khảo cổ đến nay vẫn chỉ chạm được một phần nhỏ. Ở đây, người ta ghi nhận một cuộc hội tụ của đất và lửa, của kỹ thuật và nghệ thuật, của sự tạo tác và bàn tay người thợ để nên hình một dáng gốm: gốm Gò Sành. Cũng như có sự hình thành một con đường gốm sứ trên biển.
Còn tại Phú Yên, đầu năm 2014, cụ Nguyễn Thịnh – nghệ nhân cuối cùng của dòng gốm cổ Quảng Đức – về với thế giới vĩnh hằng ở tuổi 90, khép lại những tư liệu sống về một trong những di sản tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên hơn 400 năm hình thành, phát triển. May mắn, những người tâm huyết với gốm cổ Quảng Đức đã kịp ghi chép lại những chia sẻ từ cụ, những hiện vật sưu tập được khắp nơi của dòng gốm trên 300 năm tuổi đã thất truyền này…
Con đường gốm sứ trên biển
Một sự kiện bất ngờ cung cấp thêm tư liệu về quá trình hình thành làng gốm Mỹ Thiện Châu Ổ. Đó là vào cuối tháng 9-2010, người dân xã Tịnh Châu, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, trong lúc đào hầm biogas đã tình cờ phát hiện dấu vết một lò gốm cổ. Khai quật lên thấy có nhiều cổ vật là đồ sành, đồ gốm không men như chum, vò, đồ gia dụng, đồ tùy tán, bình vôi… Trong đó, nhiều hiện vật có hình dáng và hoa văn đẹp. Tại đây còn phát hiện một số mảnh vỡ đồ sứ thời Minh (Trung Quốc). Theo tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, đây là dấu tích lò nung gốm của người Việt khoảng thế kỷ 16. Trong số những hiện vật được phát hiện, căn cứ vào cốt đất, hình dáng và hoa văn thấy có hiện tượng giao thoa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm.
Ngược dòng lịch sử, theo “Quảng Ngãi tỉnh chí” (1933), toàn tỉnh lúc này có các lò gốm ở Đông Thành, Đại Lộc (Sơn Tịnh), Thạnh Hiếu, Chí Trung (Đức Phổ), Bồ Đề (Mộ Đức), trong đó Mỹ Thiện là nổi tiếng nhất. Vậy mà hơn 200 năm trước đó đã có sự giao thoa văn hóa Việt-Chăm thể hiện qua các hiện vật sành, gốm tại lò gốm cổ Tịnh Châu, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Để rồi sau đó đã góp phần tạo nên phong cách độc đáo của dòng gốm Mỹ Thiện nổi tiếng khắp miền Trung.
Qua khảo sát các di tích khảo cổ và lịch sử ở Quảng Ngãi, cũng như vùng Kon Tum, có thể thấy rằng càng về sau, nhất là nửa sau thế kỷ 19, hiện vật cũng như các mảnh của lò gốm Châu Ổ đã tồn tại phổ biến và đều khắp. Nhờ nằm ở vị trí thuận tiện, sản phẩm gốm Mỹ Thiện Châu Ổ khi xuất lò được vận chuyển đi các nơi dễ dàng. Có thời sản phẩm qua cửa biển Sa Cần đã ra tới Đồng Hới, Đông Hà, Vinh… vào tới Bình Định, Khánh Hòa, đến tận các tỉnh miền Nam, sang cả Lào và Campuchia. Hoặc theo đường bộ, đường sông ngược lên miền núi xa xôi. Nhiều ché rượu cần xuất xứ từ lò gốm Mỹ Thiện Châu Ổ nay vẫn còn là một phần tài sản quý giá của các dân tộc ít người vùng Bắc Tây Nguyên.
Nhắc đến gốm Gò Sành ở Bình Định, theo sử liệu, hoạt động sản xuất buôn bán gốm sứ quanh vùng Vijaya đã góp công lớn cho sự phồn thịnh của nền kinh tế Champa tại Vijaya những năm từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Từ đó, một Thị Nại mới nổi lên như một thương cảng lớn miền Trung, một Đồ Bàn mới có thêm nguồn lực vật chất, góp thêm sức hấp dẫn của chốn thị thành.
Sự hiện diện dày đặc các trung tâm sản xuất gốm Gò Sành ở lưu vực sông Côn cho người đời sau hình dung về buổi đầu của một khu công nghiệp gốm sứ với trình độ phát triển cao cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm, về tầm vóc của hoạt động thương mại gốm sứ qua con đường gốm sứ trên biển, cũng như về vai trò của ngành công nghiệp đó trong sự phồn thịnh của Vijaya thuở ấy. Trong một thời gian dài, các sản phẩm gốm Gò Sành đã trở thành một nguồn hàng quan trọng của Champa cùng với các sản phẩm lâm sản đặc trưng khác.
Việc phát hiện bình gốm Gò Sành hình quả lê ở con tàu đắm được trục vớt tại Panadan (Philippines) cũng như khai quật tại Hoàng thành Thăng Long và một người anh em khác của nó hiện vẫn đặt tại Bảo tàng gốm cổ Bình Định là một minh chứng rằng gốm Bình Định đã được đón nhận khắp cả vùng Đông Nam Á. Theo Aoyagi Yoji, nhà nghiên cứu gốm Gò Sành người Nhật Bản, đã có một mạng lưới buôn bán đồ gốm nửa sau thế kỷ 15 mà trung tâm Gò Sành là nơi sản xuất và Thị Nại là nơi phát xuất con đường giao thương trên biển của mạng lưới đó.
Giới nghiên cứu khá quan tâm con đường gốm sứ trên biển Đông, con đường nối liền hai nền văn hóa Đông-Tây. Trong hàng ngàn cổ vật trên con tàu đắm Bình Thuận đã được khai quật, bên cạnh đồ gốm sứ có niên đại 1573-1620 thuộc các lò nổi tiếng Cảnh Đức Trấn, Đức Hóa thuộc Phước Kiến và Quảng Đông của Trung Hoa thì còn có cả đồ gốm Gò Sành Bình Định và gốm Quảng Đức Phú Yên của Việt Nam. Trên trang web www.asia.si.edu, nhiều hiện vật gốm cổ Quảng Đức đã được giới thiệu như một chỉ dẫn về văn hóa cho vùng đất Phú Yên.
Thời thịnh hành, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước, Cheo Leo, Phú Bổn, Phú Túc, Đắk Lắk, Gia Lai… Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn ở TPHCM cho biết, ông có một số hiện vật gốm Quảng Đức có thơ Nôm tìm được khi nạo vét kênh rạch Sài Gòn những năm sau 1975. Ban đầu, ông không biết chúng thuộc dòng gốm nào, nhưng thấy khá lạ mắt, nhất là sự đa dạng về men màu có dính vỏ sò. Nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh cũng ở TPHCM kể, khi nạo vét nhiều đoạn trên sông Sài Gòn, phát hiện khá nhiều gốm Quảng Đức. Một nhà sưu tập còn sở hữu được chiếc bình vôi gốm cổ Quảng Đức có chữ Vạn bên trên. Rõ ràng, dòng gốm này đã từng có một thời gian được tiêu thụ, giao thương không chỉ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên mà cả miền Nam.
Cơn lũ lịch sử năm 1993 đã làm sạt lở cả một đoạn dài tả ngạn sông Lò Gốm. Mé sông đã lộ ra nhiều phế phẩm của một dòng gốm cổ. Tháng 1 và tháng 3-2003, chúng tôi cùng hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, Trần Đình Sơn thực hiện hai chuyến điền dã về Lò Gốm để chuẩn bị tư liệu cho đề tài nghiên cứu về làng nghề và Phật giáo. Ba nghệ nhân cuối cùng biết về gốm cổ Quảng Đức là Nguyễn Ky, Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh. Khi chúng tôi đến, cụ Nguyễn Ky đã mất ở tuổi 81, hai cụ còn lại đều ngoài thất thập và là anh em họ hàng. Theo các cụ, gốm Quảng Đức đã có khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Khai sinh ra dòng gốm này là một dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào. Từ hai chi tiết này có thể cho thấy gốm Quảng Đức là sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành Bình Định nổi tiếng từ thế kỷ 12, 13 đến thế kỷ 14, 15 dưới vương triều Vijaya Champa và Đại Việt sau này.
Gốm và men trong cơn… hỏa biến
Những dòng gốm cổ này đều được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay. Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Người thợ vuốt đất trên bàn xoay để tạo dáng cho sản phẩm (gọi là xương gốm). Sau khi sản phẩm tạo dáng xong, người thợ dùng dao hoặc cật tre gọt đều cho da gốm thêm nhẵn. Để trang trí sản phẩm, người thợ gốm nặn lên những hoa văn đắp nổi các hình rồng, phụng, trúc, sóc, chim, thú, hoa, nhũ đinh… Kế đến, tạo cắt chân đem phơi khô rồi đưa vào lò nung. Thời gian nung thông thường là ba ngày. Theo kinh nghiệm của người thợ gốm, chỉ cần quan sát màu của ngọn lửa trong lò nung, nếu lửa lóe lên màu ánh sáng vàng đều tức là sản phẩm nung đã đạt.
Kỹ thuật tráng men gốm phải nung qua hai lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc. Lần thứ hai, sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Khi nung ở nhiệt độ khác nhau sẽ tạo nên sự thay đổi về màu sắc cho mỗi sản phẩm. Đôi khi có những sản phẩm hỏa biến trở thành độc bản thật hấp dẫn, vì nghệ nhân không thể làm được sản phẩm thứ hai giống y như thế.
Theo các nghệ nhân kể lại, trước đây ông Phạm Công Đắc đã sản xuất các đồ gốm ngự dụng cho Chúa Nguyễn, được khen và ban cho sắc phong. Không ít nhà sưu tầm cổ vật đã từng mê mẫn với những dáng hình đặc trưng của gốm Mỹ Thiện Châu Ổ có tráng men vàng, men ngọc, men da lươn, men ánh chì, men hỏa biến; đắp nổi các hình rồng, phượng...
Về chất liệu, các nhà khảo cổ học đã đọc trong gốm Chăm sớm có ít nhất hai dòng: thô và mịn. Trong đó, theo Lâm Mỹ Dung, nhà nghiên cứu gốm Gò Sành, dòng gốm Champa thô chính là sự tiếp nối truyền thống gốm văn hóa Sa Huỳnh, dòng gốm mịn mang phong cách gốm ngoại sinh (từ phía Bắc và Nam).
Theo anh em nhà cụ Nguyễn Thịnh, gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định, dùng sò huyết đầm Ô Loan chèn vào bao nung quanh thai gốm trước khi nung, đốt chủ yếu bằng củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (Đồng Xuân) xuống qua đường sông Cái. Đất sét xanh thì dùng chế tác đồ thông dụng, đất sét vàng thì dùng làm đồ cao cấp hơn. Còn đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm đồ có kích cỡ lớn.
Điều mà giới sưu tầm và các nhà nghiên cứu quan tâm là vì sao tất cả gốm cổ Quảng Đức đều có dấu vỏ sò dính trên thân và màu men khá đặc trưng. Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để làm tăng nhiệt độ lò đã xuất hiện khá sớm, song, việc dùng sò huyết tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung để làm nên nhiều sắc màu cho sản phẩm thì chỉ có ở gốm cổ Quảng Đức. Theo các nghệ nhân làng gốm này, sò huyết được mua chủ yếu ở thôn tám xã An Ninh Đông – một xã ven đầm Ô Loan của huyện Tuy An nối với vùng Ngân Sơn qua hai hệ thống giao thông thủy là Hà Yến và Tam Giang. Thai gốm (sản phẩm gốm chưa nung) đặt vào một bao nung, sau đó, sò huyết được chèn vào trước khi cho vào lò nung.
Gốm Quảng Đức chấm dứt việc chế tác theo lối truyền thống khoảng từ sau năm 1945, nhưng những sản phẩm gốm men sò của Quảng Đức còn sót lại cũng đủ minh chứng cho một thời vang bóng của dòng gốm này. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, trong số 36 địa chỉ lò gốm cổ Việt Nam thì Phú Yên nằm ở vị thứ 21 từ Bắc vào với hai địa danh Quảng Đức và Mỹ Thạnh Tây (Hòa Phong, Tây Hòa). Cố GS. Trần Quốc Vượng, TS. Lê Đình Phụng ở Viện Khảo cổ học, TS. Thomas Ulbrich – chuyên gia về văn hóa phương Đông, nhà nghiên cứu gốm Kenry Nguyễn, Phillip Trương… đã nhiều lần đến tìm hiểu về gốm cổ Quảng Đức và có chung nhận định đây là dòng gốm có nét độc đáo trong chế tác.
______________________________________________
(*) Nguyễn Khâm - Nguyễn Vĩnh Hảo - Thùy Duyên