Nguyễn Văn Kiền (*)
Ít oi hạt gạo “hiền”
Nghe bà Nguyễn Thị Mứt, một lão nông ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nói “ăn gạo lúa mùa nổi hiền lắm”, tôi hơi thắc mắc nên gặng hỏi lại: “Ăn gạo lúa mùa nổi “hiền lắm” nghĩa là sao?”. Bà Mứt cười: “Hiền nghĩa là hạt gạo rất sạch, không bón phân thuốc hóa học, nên tôi cho rằng hạt gạo rất hiền”. Thiệt là một kiểu “nhân cách hóa” ý nghĩa của bà con nông dân đối với cây lúa mùa nổi vốn có từ hàng trăm năm trước mà nay đã thành “của hiếm” ở miền Tây Nam bộ.
Cũng theo bà Mứt, vì là gạo “hiền” nên nhiều người thường tìm mua số lượng lớn loại gạo này về để ăn cả năm. Thí dụ như bà Hai Tác ở Vịnh Tre (huyện Châu Phú, An Giang) hàng năm đến mùa thu hoạch là xuống Chợ Mới mua chở về khoảng 100 giạ (hai tấn) để ăn cả năm. Còn chị Dứt ở Mỹ An thì đến đây mua vài trăm giạ (giá 10.000 đồng/kg) về bán lại cho người trong làng bên xã Tấn Mỹ với giá 12.000 đồng/kg. Có thể thấy mối quan hệ giữa người dân trồng lúa mùa nổi và người mua lúa để ăn hoặc để bán là bền chặt vì họ tin tưởng lẫn nhau ở chỗ lúa mùa nổi cho gạo rất sạch, ăn tốt cho sức khỏe.
Năm 2013, lúa mùa nổi được tìm thấy vỏn vẹn có 46 ha tại hai xã Lương An Trà và Vĩnh Phước trong vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc huyện Tri Tôn, An Giang. Tới 2014, nông dân làm thêm lên được tất cả 92 ha. Gần đây, nhóm nghiên cứu ở trường Đại học An Giang phát hiện giống lúa này còn có ở một số tiểu vùng ven sông Hậu. Trên các cồn ven sông, người dân vẫn còn trồng cây lúa mùa nổi từ xa xưa cho đến bây giờ. Theo anh Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang), ấp có khoảng 46 ha đất chuyên trồng cây màu (bắp), thì đã có trên dưới 40 ha nông dân trồng lúa mùa nổi theo lối xen canh trên đất trồng màu. Anh Bình kể, năm nào nước lũ lớn thì nông dân thường mở rộng diện tích lúa mùa nổi, năm nào nước lũ nhỏ thì họ gieo sạ ít lại.
Hướng đến mô hình nông nghiệp xanh
Ở những vùng cồn ven sông này, lúa mùa nổi được nông dân trồng từ tháng 6 Âm lịch và thu hoạch vào tháng 11 Âm lịch, sau đó họ trồng lại bắp nù xanh (vào vụ xuân), và tiếp theo có thể trồng hai vụ bắp thu trái non. Sau khi trừ chi phí, chỉ riêng với hạt gạo, nông dân ước tính, mỗi công (1.000 m2) lúa mùa nổi cho lãi 2,3-2,9 triệu đồng (tương ứng với năng suất 15-17 giạ/1000 m2, giá bán tại nhà 10.000 đồng/kg). Chi phí gieo trồng cho giống lúa này không đáng kể, khoảng 625.000 đồng/công. Trồng lúa mùa nổi lại nhàn vì nông dân có thời gian nghỉ ngơi trong mùa nước nổi.
Ngoài giá trị hạt gạo, nông dân còn có thể bán thêm rơm cho người trồng màu với giá 200.000 đồng/công rơm ngay sau khi suốt lúa; lại còn có thể bán đọt lúa cho bò ăn trong mùa lũ, mỗi công cũng kiếm được 100.000 đồng. Ngoài ra, do đặc tính của vùng đất phù sa cồn ven sông nên người dân ở đây thường trồng các cây màu có giá trị kinh tế khá cao như bắp nù xanh (một giống bắp truyền thống của An Giang, Đồng Tháp). Sau khi trừ chi phí, nông dân có thể đạt lãi ròng khoảng 4-6 triệu đồng/công tùy theo năng suất và kỹ năng trồng của từng hộ. Bên cạnh đó, tại đây nông dân có thể trồng thêm hai vụ bắp thu trái non để bán cho Công ty Antesco, rồi lấy phụ phẩm phục vụ chăn nuôi bò thịt với hạch toán: trừ chi phí, có thể kiếm lãi ròng 1,1-1,5 triệu đồng/công. Nếu cộng thêm phần bán phụ phẩm từ thân cây, vỏ bắp non, họ có thể kiếm thêm 500.000 đồng/công.
Như vậy, mô hình làm 1 vụ lúa mùa nổi – 1 vụ bắp nù xanh – 2 vụ bắp non ở vùng đất này, nông dân có thể thu lời trên dưới 10 triệu đồng/công, chưa kể lợi nhuận từ chăn nuôi bò vỗ béo. Đây là mô hình rất bền vững và thân thiện với môi trường ở vùng đất cù lao ven sông.
Anh Tuấn, một nông dân ở đây, còn cho biết làm lúa mùa nổi, tôm cá về nhiều, thí dụ như cá lòng tong, cá rô, cá trê, cá lóc, đặc biệt là vùng này còn nhiều ốc lác, loại ốc có nguy cơ bị tuyệt chủng ở ĐBSCL do sự xâm hại của ốc bươu vàng.
Theo ông Lê Nghĩa Thuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, hiện ở xã Tấn Mỹ còn khoảng 40 ha và xã Mỹ Hiệp còn 18 ha được người dân trồng lúa mùa nổi vào mùa nước nổi chỉ để làm thức ăn cho bò vì vùng này đất gò cao nên nước lũ rút sớm, nông dân phải cắt lúa sớm để trồng cây màu.
Sau tết này, với sự hỗ trợ nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu bền vững sông Mekong (Sumernet), Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển nông thôn – Đại học An Giang sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới nông dân trồng lúa mùa nổi vùng ĐBSCL để hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững. Thông qua chương trình này, chắc rằng hạt gạo “hiền” của bà con nông dân miền Tây Nam bộ sẽ được quảng bá rộng hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
______________________________________________
(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển nông thôn – Đại học An Giang.