Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Người giữ lửa nghề bánh truyền thống

(SGTT) - Trong những ngày diễn ra Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2019 tại Cần Thơ, gian hàng của cô Chín Bình Thủy thu hút nhiều khách. Gian hàng này không chỉ có bánh ngon mà còn có nhiều loại bánh để khách lựa chọn. Tất cả đều do sự chung sức của gia đình cô Chín.

Cô Chín Bình Thủy.

“Chín Bình Thủy” là cái tên mà bà con gọi cô theo thứ của chồng ở Nam bộ, riết thành quen. Thật ra cô tên là Trương Thị Chiều, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Nối nghiệp làm bánh ba đời của nhà chồng, cộng thêm sự khéo léo, sáng tạo, bánh quê của cô Chín được ưa chuộng giữa nhịp sống thị thành, giúp củng cố truyền thống gia đình. Hiện tại, gia đình cô có gần chục thành viên, thuộc ba thế hệ theo nghề này.

Trong buổi giao lưu báo chí với tư cách là nghệ nhân làm bánh tiêu biểu, người phụ nữ tuổi ngoài 60 với nét cười rạng rỡ, hiền hậu say sưa kể chuyện làm bánh, kể hành trình đến với chiếc bánh phương Nam, kể về tình yêu đầu đời thuở xuân thì đến từ chiếc bánh… Và cô thú nhận, mình yêu chiếc bánh từ thuở nào cũng chẳng rõ.

Nhiều người vẫn lầm tưởng cô Chín là người miền Tây chính hiệu khi nhìn đôi tay cô thoăn thoắt làm ra gần 50 loại bánh, cách cô xởi lởi, gần gũi và nhất là trang phục chiếc áo bà ba của cô. Nhưng không, cô Chín kể, cô là người gốc Bình Định, vào TPHCM khoảng năm 1970, làm nghề bán tàu hủ nuôi cha. Rồi cô quen với chàng trai Dương Hoàng Trung, vốn giỏi nghề làm bánh, học từ mẹ già. Cô thương người phụ nữ có tài làm bánh ngon, thương chàng trai Cần Thơ tha hương lập nghiệp lại tài hoa, hiếu để. Vậy là cô chú cưới nhau, bao nhiêu bí quyết làm bánh mẹ chồng cũng truyền lại cho nàng dâu. Rồi cô chú về Cần Thơ lập nghiệp, ba người con lần lượt ra đời, lớn lên và học hành đến nơi đến chốn. Tất cả đều nhờ nghề bán bánh dân gian.

Chú Chín năm nay đã 68 tuổi, làm bánh từ thuở trai trẻ đến bây giờ. Cô Chín nói vui: “Tay nghề cô chú giờ “kẻ tám lạng người nửa cân”, đôi khi chú nhỉnh hơn cô nữa”.

Mỗi ngày, vợ chồng cô Chín đều thức dậy từ lúc 1-2 giờ sáng, người xay bột, người nhóm lửa rồi đổ bánh, hấp bánh… Loay hoay đến khoảng 6 giờ, những mẻ bánh thơm ngon được cô Chín đẩy xe đi bán. Nghề mà cô chú nói là “lấy công làm lời” quả rất vất vả, đòi hỏi sự chịu thương chịu khó. Có nhìn cảnh cô chú lụi hụi bên bếp lửa gia đình trong lúc mọi người đang say giấc mới cảm nhận được hết nghĩa tình đồng chồng, đồng vợ.

Mỗi sớm mai, người dân Bình Thủy đều quen thuộc với tiếng rao bánh của cô Chín: “Ai bánh bò, bánh tằm, bánh chuối, bánh mặn… hôn…”. Cô rao “tượng trưng” bấy nhiêu nhưng thật ra, xe bánh của cô Chín còn có nhiều loại khác như bánh con sùng, bánh mặn, bánh gói… loại nào cũng dậy mùi thơm phức. Xe chất đầy bánh nhưng cô bán khoảng 2-3 giờ là hết sạch. Hôm nào cô Chính bận việc nghỉ bán bánh một bữa là bà con nhắc, lại buồn miệng nhớ miếng bánh béo ngậy, dẻo thơm. Riêng cô Chín thì thuộc nếp ăn của từng người: chan nước cốt, rắc muối mè, nhiều đậu phộng…

Giữ “đạo nghề” hơn 40 năm

Trong các loại bánh cô Chín làm, ấn tượng nhất là bánh tằm se. Cô Chín nói, bánh được làm bằng gạo lúa mùa xay bột rồi hấp, nhồi kỹ rồi đem se bằng tay. Cô Chín se mỗi lần được hai con tằm còn chú se được ba. Cứ tưởng tượng, mỗi đĩa bánh tằm từ 10.000-15.000 đồng, có bao nhiêu con bánh tằm là có thể hình dung cô chú đã bỏ công sức nhiều thế nào.

Xề bánh quê của cô Chín rất bắt mắt, đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng… nhưng đều là sắc màu thiên nhiên. Màu xanh đậm là từ nước rau bồ ngót, màu tím là lá cẩm, màu vàng đậm là của trái gấc, màu xanh lợt là từ lá dứa… Sự kỳ công trong mỗi chiếc bánh chỉ bán với giá một - hai ngàn đồng, cho thấy cái tâm của người thợ. Cô Chín nói: “Làm nghề gì cũng phải tử tế, làm bánh còn cần sự tử tế, đàng hoàng hơn nữa. Bà con không chỉ muốn ăn ngon, ăn no mà còn muốn món ăn phải đảm bảo sức khỏe”. Đó cũng là “đạo nghề” được cô chú gìn giữ suốt hơn 40 năm qua.

“Bánh dân gian Cô Chín Bình Thủy” giờ đã là thương hiệu có tiếng trong làng ẩm thực và du lịch Cần Thơ. Âu đó cũng là thành quả cho đôi vợ chồng nặng nợ với nghề. Ở phương diện văn hóa, vợ chồng cô Chín đang nắm giữ và thực hành những tri thức dân gian độc đáo, gia truyền về bánh dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Nam bộ.
Đến giờ, đã ngoài tuổi lục tuần, cô Chín vẫn chưa tính chuyện nghỉ ngơi và lò bánh sẽ thôi được cô nhóm lửa vào mỗi sớm mai. “Nghề đã gắn bó hơn nửa đời người, đã cùng đồng hành cùng bao thăng trầm của gia đình, thì đâu dễ gì bỏ được” - cô Chín nói. Cũng như ăn miếng bánh ngon, ăn rồi nhớ mãi, nhớ da diết thủy chung.

Hỏi cô Chín mong muốn điều gì nhất bây giờ, cô cười hiền lành: “Có sức khỏe, khỏe để làm bánh hoài. Không làm nhớ lắm!”.

Đăng Huỳnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Trưng bày hơn 200 khuôn bánh dân gian Nam bộ

0
(SGTTO) - Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TPHCM) đang tổ chức trưng bày hơn 200 khuôn bánh dân gian Nam bộ trong chuyên...

Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?”

1
(SGTTO) - Nhằm góp phần tìm ra giải pháp bảo tồn và mở rộng thị trường cho sản phẩm bánh dân gian Nam bộ,...

Những món bánh tuổi thơ tại Lễ hội Bánh dân gian...

0
(SGTTO) - "Hội thi Bánh dân gian" trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019 đã khai mạc sáng 13-4 tại...

Kết nối