Thác Bản Ba nằm bên triền núi Phiêng Khàng, thuộc xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, cách thành phố Tuyên Quang 70km. Thác Bản Ba có ba tầng thác lớn, cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét xuống lòng thác, và nhiều thác nhỏ xung quanh.
- Mạ Héc, dòng thác đẹp ‘ẩn mình’ giữa núi rừng Tuyên Quang
- Na Hang, ‘điểm sáng’ du lịch tại Tuyên Quang
Từ Chiêm Hóa, du khách đi khoảng 25km xuyên qua khu rừng già là đến thác. Thác Bản Ba là một chuỗi thác liên hoàn, với ba tầng thác lớn gồm Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét xuống lòng thác, và nhiều thác nhỏ xung quanh.
Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, là tầng thác có dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng nhất. Chân thác là “Vực Rồng”, nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn, có mạch nước ngầm phun ra giống hình tượng rồng phun nước. Những ngày nắng đẹp, hơi nước hòa với ánh sáng mặt trời tạo ra bảy sắc cầu vồng lung linh, kỳ ảo.
Tầng thác thứ 2 có tên gọi là Tát Cao hay Thác Cao, là tầng thác được chia làm hai nhánh đổ xuống trông như hai dải lụa trắng tung bay trong không gian giữa núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước trong xanh có tên là “Vực Quyên” là nơi lý tưởng để du khách tắm, thư giãn.
Tầng thác thứ 3 là Tát Gió, chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên gọi là “Vực Linh”. Tại đây du khách có thể đắm mình xuống dòng nước trong xanh và mát dịu, lắng nghe âm thanh của dòng thác đổ và tiếng hót của các loài chim rừng...
Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao 5 - 7m, có nhiều khe nước nhỏ và các vực nước trong xanh có tác dụng điều hòa và phân phối nước.
Để khám phá hết dòng thác, du khách phải dành ít nhất một ngày. Ngoài ra, đến với thác Bản Ba, du khách còn được thám hiểm những cánh rừng già với những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, nhiều loại gỗ quý, những thân dây leo chằng chịt. Dưới chân thác, những cánh đồng quanh năm tươi tốt tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng.
Để xây dựng thác Bản Ba trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, hiện nay huyện Chiêm Hoá đã đầu tư, tôn tạo, xây dựng thác Bản Ba trở thành khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, dã ngoại và thể thao với diện tích trên 15ha. Các công trình phụ trợ, cảnh quan sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng và lưu trú cho đông đảo khánh du lịch thập phương khi đến với khu du lịch sinh thái này.
Bên cạnh khám phá vẻ đẹp thác Bản Ba, đến đây, du khách được hoà mình vào không gian sinh hoạt của người Tày, Dao thông qua các dịch vụ homestay với không gian rộng rãi, thoáng mát cùng khuôn viên đẹp phù hợp để tổ chức các hoạt động ngoài trời như camping, nhảy sạp, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ... và thưởng thức các đặc sản địa phương.
Theo báo Lao Động, Chiêm Hoá được biết đến là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, nhiều Di sản văn hóa phi vật thể như Hát then cọi của dân tộc Tày, hát Páo dung, múa màng của dân tộc Dao… trong đó Thực hành nghi lễ then của dân tộc Tày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đăng Huy
Theo Cổng TTĐT huyện Chiêm Hóa, báo Tuyên Quang