Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Những đợt nắng nóng khởi phát từ lòng đại dương

Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á đang trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục. Và sẽ còn các đợt nắng nóng khác đi kèm những cơn hạn hán chớp nhoáng, bởi những luồng sóng nhiệt dưới biển (marine heat waves) đang đồng loạt xuất hiện trong các đại dương.
Nắng nóng kinh khủng bao trùm Đông Nam Á trong hai ngày 6 và 7-5-2023. Ảnh: Twitter

Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết những luồng sóng nhiệt biển mạnh mẽ nhất đang diễn ra ngoài khơi Nam Mỹ gần Peru, nơi vẫn thường bắt đầu cho một thời kỳ El Niño mới.

Nhưng đặc biệt đáng chú ý năm nay, các luồng sóng nhiệt dưới nước này cũng xuất hiện ở phía Đông Đại Tây Dương, trung tâm Bắc Thái Bình Dương, Tây Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Từ vài năm trở lại đây, sóng nhiệt như đang kiểm tra khả năng thích ứng, thậm chí thách thức khả năng sinh tồn của con người, bắt đầu từ Bắc Mỹ trong năm 2021. Sang năm 2022, châu Âu nóng trên 40 độ C; Ấn Độ cùng Pakistan, có nơi nền nhiệt vượt quá 49 độ C và nay đến lượt Đông Nam Á.

Đợt nắng nóng thiêu đốt vừa qua mà đỉnh điểm là hai ngày 6 và 7-5 đã phá kỷ lục khắp Đông Nam Á. Tại Việt Nam, kỷ lục đáng kinh ngạc 44,1 độ C xuất hiện ở Hồi Xuân (Thanh Hóa) hôm thứ Bảy (6-5), sang hôm sau, kỷ lục quốc gia 44,2 độ C được ghi nhận ở Tương Dương (Nghệ An), và hàng chục thành phố khác cũng phá kỷ lục về nhiệt độ nắng nóng.

Tại Lào, mức kỷ lục 43,5 độ C ghi nhận hôm thứ Bảy tại Luang Prabang. Cũng trong ngày này, nhiệt độ kỷ lục tại Campuchia là 41,6 độ C và tại thủ đô Bangkok của Thái Lan là 41độ C.

Các cơn sóng nhiệt dưới biển đang diễn ra ở mức chưa từng có trên quy mô toàn cầu, và hiện tượng El Niño (nhiệt độ đại dương ấm hơn trung bình) cùng lúc xuất hiện sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Một khi sóng nhiệt dưới nước diễn ra, nhiệt độ nước của vùng đại dương đó cao hơn mức bình thường.

Đây không phải hiện tượng hiếm, nhưng việc các sóng nhiệt lan rộng khắp các đại dương là điều đáng lo ngại, đặc biệt khi nhiệt độ toàn cầu đang dần vượt qua mức báo động +1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đợt nắng nóng trong tháng 4 năm nay tại Tây Ban Nha gây nên bởi một cơn sóng nhiệt dưới nước phía Đông Đại Tây Dương, đạt kỷ lục ở mức 38,8 độ C tại Córdoba vào ngày 27-4.

Trước đó, vào tháng 4-2011, một cơn sóng nhiệt cũng đã nung nóng châu Âu, đạt mức 38,6 độ C ở Elche, Tây Ban Nha.

Những điều này cho thấy sóng nhiệt dưới biển đang nhanh chóng định hình lại thời tiết trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đã kinh ngạc theo dõi nhiệt độ đại dương tăng đều đặn trong vài năm nay, ngay cả trong những năm hiện tượng La Niña (nhiệt độ đại dương mát hơn trung bình) làm nguội mặt nước Thái Bình Dương. Các đại dương đã nóng kỷ lục trong bốn năm liên tiếp, theo báo cáo của các nhà khoa học hồi tháng 1-2023.

Sau đó, vào giữa tháng 3, các nhà khí hậu học lưu ý rằng nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đã tăng lên một mức cao mới. La Niña và El Niño là hiện tượng tự nhiên ở vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương. Cả hai đều có ảnh hưởng lớn đến thời tiết trên toàn cầu. Và khả năng năm nay chuyển sang El Niño gần như chắc chắn sẽ mang lại nhiệt độ toàn cầu nóng hơn.

Nhà khoa học Josef Ludescher tại Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam cho biết chúng ta có thể sẽ có một năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu vào năm 2024. Cho đến thời điểm hiện tại, năm ghi nhận nóng nhất là 2016, sau một giai đoạn El Niño rất mạnh. Biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất hạn hán chớp nhoáng phát triển nhanh, thay cho loại hạn hán điển hình phát triển chậm.

Và điều đáng nói là hạn hán chớp nhoáng có thể tạo ra các điều kiện lý tưởng để hình thành các đợt nắng nóng dữ dội. Điều này buộc chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó những đợt nóng mới mà mỗi năm một khắc nghiệt hơn.

Với việc nền nhiệt toàn cầu sẽ vượt qua ngưỡng +1,5 độ C vào năm 2027, và sóng nhiệt dưới nước đang lan rộng ra các đại dương, cùng với việc chuyển đổi từ hạn hán điển hình sang hạn hán chớp nhoáng, khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của con người đang bị thách thức!

Anh Vũ

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chỉ 10% người tiêu dùng thực hiện tuyên bố của họ...

0
(SGTT) - Có 72% người tiêu dùng Việt được khảo sát nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường,...

Ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 45,62 triệu tấn CO2...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định số 1191/QĐ-BGTVT về kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà...

Techcombank ra mắt thẻ giúp người dùng theo dõi lượng khí...

0
(SGTT) - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa ra mắt thẻ thanh toán Visa Eco, chiếc thẻ giúp người dùng theo...

Giá cao vẫn là rào cản lớn với sản phẩm xanh

0
(SGTT) - Bên cạnh giá cao thì độ phủ hạn chế được xem là rào cản lớn đối với người tiêu dùng hiện nay...

Chỉ 7% cửa hàng xăng dầu cung cấp nhiên liệu chuẩn...

0
(SGTT) - Bên cạnh việc chuyển đổi xe điện hóa, sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn có hàm lượng thấp các chất gây ô...

Luật Điện lực sửa đổi hướng tới mục tiêu giảm phát...

0
(SGTT) - Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng và thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, dự...

Kết nối