(SGTT) - Về Quần Anh xưa (xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định ngày nay), du khách có thể bắt gặp nhiều khung cảnh lãng mạn của một góc quê yên bình. Với vùng đất được hình thành từ năm 1511 cho đến nay, nhiều công trình cổ có giá trị của Quần Anh vẫn còn hiện hữu. Đó là chùa Lương (Phúc Lâm tự) được xây từ thời lập đất. Cùng với ngôi chùa cổ là lễ hội chùa Lương diễn ra từ 14-3 đến 16-3 âm lịch hằng nằm, nhằm tưởng nhớ tứ tổ có công khai khẩn đất Quần Anh xưa.
- Thong dong dạo chơi làng sinh thái Thái Lai, nơi có đình làng cổ niên đại 300 năm
- Đà Nẵng: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp
- Đà Nẵng: Ghé làng trồng rau sạch nghe kể chuyện làm du lịch
Đường vào chùa Lương đi qua một cây cầu có kiến trúc đặc biệt kiểu “thượng gia, hạ kiều”. Cầu thường được gọi chung với các địa danh lân cận là cầu ngói chùa Lương, cầu ngói chợ Lương, cầu ngói Hải Anh, cầu ngói Quần Anh. Cùng với Chùa Cầu (Hội An) và cầu ngói Thanh Toàn (Huế), cầu ngói chợ Lương là ba cây cầu mái ngói mang kiến trúc thượng gia hạ kiều đẹp ở Việt Nam, được đưa lên hình bộ tem bưu chính Việt Nam năm 2012. So với hai cây cầu còn lại, cầu ngói chợ Lương có tuổi đời xa xưa hơn. Cầu được xây dựng dưới thời nhà Lê Sơ, triều vua Lê Tương Dực vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16.
“Thượng gia, hạ kiều” là lối kiến trúc được thiết kế theo kiểu dưới là cầu, trên có lợp mái như một ngôi nhà đơn giản. Vì vậy, đó không chỉ là công trình giao thông công cộng mà còn là nơi dừng chân nghỉ ngơi cho bà con đi qua. Điểm khác biệt của cầu ngói chợ Lương là không có khu vực thờ tự như cầu ngói Thanh Toàn và Chùa Cầu.
Nằm uốn mình vắt ngang dòng sông Trung Giang, đầu hồi của cầu có cây phượng già hè về nở hoa đỏ thắm, thơ mộng như trong những trang văn học cổ. Cầu được xây trên 18 cột đá vuông chia thành sáu hàng, mỗi hàng ba cột. Các cột đá làm nhiệm vụ chống đỡ sàn nhà với chín gian phía trên. Gian nhà được cấu tạo bởi hệ thống các xà bằng gỗ lim chắc chắn, hệ thống cột kèo được làm một cách tỉ mỉ, khéo léo để gian nhà vừa cong theo dáng cầu vừa có thể chịu lực tốt. Toàn bộ gian nhà được lợp bằng ngói nam, nhìn như lớp vảy rồng. Cộng với dáng cong cong uyển chuyển của cây cầu, nhiều người dân ở đây ví von cầu ngói chợ Lương trông xa tựa con rồng đang uốn khúc bay lên.
Đầu hồi của gian nhà ở cả hai phía cầu đều làm theo hình tượng cuốn thư đang trải ra, trên đề bốn chữ “Quần Phương xã kiều”, nghĩa là cầu xã Quần Phương. Ôm lấy cuốn thư là những con nghê – một con vật được sáng tạo riêng của văn hóa Việt Nam.
Bên trong lòng cầu là ván sàn bằng gỗ, rộng khoảng 2m. Dọc theo thành cầu là dãy bục gỗ, trên có lan can. Nơi đây người dân có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ngắm dòng Trung Giang bên dưới và sự trong lành từ không gian thoáng đãng xung quanh.
Với kiến trúc đặc biệt và bề dày lịch sử của mình, cầu ngói chợ Lương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990. Công trình được trùng tu hai lần và vẫn cố gắng giữ lại phong cách kiến trúc ban đầu.
Cầu ngói vốn được thiết kế chỉ dành cho khách bộ hành, nên địa phương đã xây dựng thêm một cây cầu đá bên cạnh cho các phương tiện lưu thông.
Hơn 500 năm đã trôi qua, cầu ngói chợ Lương vẫn mang nét hoài cổ. Hy vọng thời gian và con người vẫn sẽ giữ lại vẻ đẹp mộc mạc bên dòng sông quê yên bình như để lưu dấu một kiến trúc đặc biệt trong văn hóa nước nhà.
Việt An