Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Sài Gòn hẻm sâu rạch nhỏ

Lê Uy Linh

Sài Gòn vẫn được xem là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Song, cũng thật dễ dàng nhận thấy còn có một Sài Gòn rất khác – một Sài Gòn tần tảo trên đôi quang gánh trong từng hẻm sâu rạch nhỏ; một Sài Gòn làm "kinh tế" nơi vỉa hè, góc phố; một Sài Gòn với vô vàn góc nhìn về những cuộc mưu sinh...

Thực ra nền “kinh tế” buôn bán nhỏ là một phần không thể tách rời với mọi đô thị, nhưng có lẽ với Sài Gòn điều đó hiện ra nổi bật. Bởi, dường như thành phố này đang biến mình thành một “siêu đô thị” theo cái nghĩa mật độ dân cư dày đặc; lại là vùng đất mà từ khi hình thành đến nay cưu mang di dân từ nhiều vùng miền đến làm ăn sinh sống, lâu ngày trở thành người Sài Gòn. Đất chật người đông, trong đó rất nhiều người là dân nhập cư, nhu cầu kiếm sống đa dạng, tạo nên nền kinh tế buôn bán nhỏ phong phú hơn bất cứ nơi nào.

 Xưa như tiếng rao…

Thời kinh tế còn khó khăn, đâu đó ở những xóm nhỏ trong lòng Sài Gòn tối tối vẫn hay vang lên tiếng gõ lốc cốc rao mì quen thuộc. “Mì gõ” – hai từ ngắn gọn để gọi cho những chiếc xe đẩy bán hủ tiếu mì dạo của những người miền Trung vào Sài Gòn kiếm sống. Đất Sài Gòn dễ dung nạp những người tha hương, chỉ cần chịu thương chịu khó thế nào cũng có một công việc lương thiện để làm, để trụ lại ở một thành phố vốn được nghĩ là xa hoa, đắt đỏ này. Những người xứ Quảng nhập cư tìm đến những khu lao động, thuê căn phòng trọ ọp ẹp rẻ tiền để trú ngụ, bắt đầu một cuộc sống ly hương và ắt hẳn cũng chẳng kỳ vọng gì ngoài kiếm đủ sống. Họ mỗi ngày đẩy chiếc xe mì ra một góc phố nào đó đứng bán, rồi có thằng bé con đi loanh quanh trong các xóm để rao mì, chỉ bằng tiếng gõ lốc cốc của hai thanh tre. Những tô mì, tô hủ tiếu từ những chiếc xe mì gõ này có lẽ thuộc vào hàng bình dân nhất xứ, nhắm sao cho vừa với túi tiền rất eo hẹp của những người lao động ở xóm nghèo.

Ảnh: Ngọc Linh
Ảnh: Ngọc Linh

Nhưng từ lâu hơn nữa, Sài Gòn thật ra đã quen lắm với những tiếng rao. Sài Gòn có những phố lầu, những con đường được bao bọc bởi biệt thự nguy nga, nhưng cũng có nhiều, nhiều lắm những xóm nghèo với những hẻm nhỏ chằng chịt quanh co. Và ở nơi đó, hầu như tiếng rao cất lên mỗi ngày. Có những tiếng rao vào đúng những tầm nhất định, đều đặn như chiếc đồng hồ báo giờ. Người trong xóm chỉ cần nghe tiếng rao bán món gì là biết lúc đó mấy giờ. "Aaiiii... ăn chè đậu xanh bột báng nước cốt dừa đường cát trắng hô..ô...ông!", "Aaiii... bánh bò bánh tiêu giò cháo quẩy khô..ô..ông!", "bánh mì đâ..â..ây!"... Với đôi quang gánh trên vai, hay chiếc rổ, cái thùng con con cắp trên tay, họ lội qua những con hẻm, những khu xóm khắp nơi, mang đến chút háo hức, chờ đợi cho lũ trẻ con, những người lao động nghèo trong xóm chút niềm vui ăn vặt lạ miệng.

Rồi không chỉ là tiếng rao của gánh hàng ăn vặt mà còn nữa những tiếng rao của người mua ve chai, đồng nát; tiếng rao của anh hớt tóc dạo, ông mài dao kéo, anh bơm gas hộp quẹt, bơm mực bút bi… Tất cả họ đã góp một phần vào đời sống kinh tế sôi động của Sài Gòn, khiêm tốn đứng bên cạnh những ngành thương mại-dịch vụ to tát khác.

 Cũ kỹ tiệm chạp phô…

Có lẽ với người Sài Gòn trước năm 1975 nghe quen quá đỗi mấy từ “tiệm chạp phô” – cái tiệm bán đủ thứ đồ, từ cây kim, sợi chỉ, cục kẹo, phong bánh, xà bông, bột giặt, cho đến tương chao, hành ngò, thậm chí những mặt hàng
đắt tiền hơn như vải vóc…

Tiệm chạp phô có mặt từ rất sớm, nó ra đời để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng cư dân trong xóm ấp, thôn làng. Và thuở ban đầu tiệm thường do những người Hoa di cư mở ra, họ vốn dĩ rất mau lẹ, nhạy bén trong các hình thức mua bán. Tiếng “chạp phô” cũng từ cách đọc theo âm Quảng Đông (Trung Quốc) của hai từ Hán Việt là “tạp hóa”, để chỉ nơi bán nhiều thứ hàng hóa khác nhau nhắm đến nhu cầu của cư dân địa phương.

Tiệm chạp phô được mở ra để bán chủ yếu cho người ở xóm. Trong nhà, mỗi khi nấu cơm mà lỡ hết gạo, bà nội trợ chỉ việc “chạy lên đầu xóm” đong vài lon gạo. Hết nước mắm, nước tương, dầu hôi, củi lửa… cũng cứ chạy đến đấy. Chòm xóm vốn quen biết nhau, hoặc người chủ tiệm dễ chịu nên đôi khi còn có thể mua chịu, mua thiếu, ít hôm có tiền thì trả sau.

Cho dù Sài Gòn bây giờ rất nhiều siêu thị, bên cạnh đó là các cửa hiệu, cửa hàng tiện lợi mọc ra khắp nơi, nhưng tiệm chạp phô vẫn tồn tại ở rất nhiều khu phố, đặc biệt là những khu phố có người Hoa sinh sống. Các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi thường bày biện ngăn nắp, khoa học, có nghiên cứu kỹ tâm lý mua hàng của người tiêu dùng, trong khi tiệm chạp phô thường vẫn giữ cái hình ảnh cũ kỹ ngày nào. Hình ảnh quen thuộc về tiệm chạp phô vẫn là một nơi hơi bừa bộn, hàng hóa bày lộn xộn, treo móc khắp nơi, trong một không gian thường là chật chội, người bán cũng không có cử chỉ đon đả, mời mọc người mua. Không biết hình ảnh ấy rồi đây có mất đi trước các hình thức mua bán văn minh khác, nhưng rõ ràng tiệm chạp phô có vai trò khá cần thiết trong sinh hoạt của người dân Sài Gòn.

 Bướng bỉnh chợ cóc...

Cũng giống như tiệm chạp phô, chợ cóc vẫn thường thấy ở nhiều địa bàn dân cư, ở các khu lao động nghèo của đô thị Sài Gòn. Khác với các ngôi chợ truyền thống được quy hoạch, sắp xếp ổn định, chợ cóc mọc lên tự phát. Chợ cóc lấy lề đường, vỉa hè, hoặc quanh các chung cư làm nơi họp chợ, làm mất đi hình ảnh mỹ quan đô thị, gây khó khăn cho chính quyền sở tại. Biết vậy, nhưng chợ cóc vẫn đang phải tồn tại một cách bướng bỉnh, như một hình thức mua bán không thể thiếu của người nghèo trong cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn.

Chợ cóc ban đầu họp chợ đơn sơ hơn, chỉ một nhóm nhỏ người nghèo tìm một chỗ mưu sinh, bán một vài thứ thực phẩm cần thiết cho những bà nội trợ phải đi chợ nấu ăn mỗi ngày. Người dân trong các khu lao động cũng quen nếp nghĩ đơn giản, cứ thuận tiện thì mua, chẳng phải mất công đi xa đến chợ hay cửa hàng, siêu thị. Nhưng rồi..., với một Sài Gòn ngày càng đông dân, nhu cầu kiếm sống càng lớn, trong đó có nhiều người nghèo nhập cư, nên dường như chợ cóc cũng ngày phình to hơn, và bung ra nhiều nơi, khiến không khỏi làm đau đầu các nhà quản lý đô thị.

Chợ cóc, về mặt quản lý đô thị, nó khó được chấp nhận. Nhưng khi xã hội vẫn còn nhiều người nghèo, cộng thêm cung cách sinh hoạt của một bộ phận cư dân chưa phù hợp theo sự phát triển đô thị, thì chợ cóc vẫn là một phần trong bức tranh thị trường Sài Gòn.

Ở vùng ven thành phố, chợ cóc vẫn thường họp chợ tại các khu nhà trọ, quanh các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp... Nơi đó, chợ cóc có vẻ như tìm được một chỗ tương đối phù hợp với thân phận của mình. Ngược vô nội thành, bên cạnh những chợ cóc bán những mặt hàng thực phẩm cho bữa cơm hàng ngày của người dân trên một địa bàn nhỏ như chung cư, khu phố thì nay còn có những kiểu chợ cóc khác – những điểm kinh doanh chiếm dụng lề đường, vỉa hè để mua bán một vài mặt hàng nào đó, và các điểm này tập trung lại có khi kéo dài cả một con đường. Có "chợ" chiếm một phần hành lang cầu bày ra những món hàng điện máy cũ, có "chợ" chiếm một đoạn vỉa hè bày bán quần áo hay giày dép; lại có cả một đoạn đường dài như đường Nguyễn Trãi phía quận 5 bị chiếm vỉa hè cho đến cả lòng đường để bày bán hàng thời trang, từ mũ nón, dây nịt, bóp da cho đến quần áo đủ loại... Trong chừng mực nào đó, những dạng buôn bán này làm nhộn nhịp hơn nhưng cũng làm xấu xí đi một Sài Gòn đẹp đẽ.

Bao dung như vỉa hè…

Giống như bao đô thị ồn ào bụi bặm, đất chật người đông khác, vỉa hè ở Sài Gòn là chỗ kiếm sống của nhiều phận người. Vỉa hè ngoài chuyện bị lấy làm nơi buôn bán như những quán cà phê cóc, xe bánh mì, hàng cơm tấm... thì còn là nơi để mưu sinh với đủ thứ loại nghề. Chỉ cần một quầy kiếng nhỏ, được người chủ nhà cho dựng sát bên hiên, là một anh thợ sửa đồng hồ có thể kiếm sống qua ngày. Tương tự như vậy, vỉa hè cũng đã nuôi sống nhiều người với những nghề khác như sửa khóa, đóng giày, hàn gió đá, bơm hơi vá ép, sửa xe... Có nhiều người đã gắn với vỉa hè qua hàng chục năm trời. Trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, gần ngã tư Pasteur, quận 1, có anh thợ đóng giày đã gắn bó với nơi này phải hơn hai mươi năm.

Giống như bao đô thị ồn ào bụi bặm, đất chật người đông khác, vỉa hè ở Sài Gòn là chỗ kiếm sống của nhiều phận người.  Ảnh: P.Đ.Q
Giống như bao đô thị ồn ào bụi bặm, đất chật người đông khác, vỉa hè ở Sài Gòn là chỗ kiếm sống của nhiều phận người.
Ảnh: P.Đ.Q

Đi về phía Chợ Lớn, ở những khu vực có đông người Hoa sinh sống, việc mua bán náo nhiệt và được tổ chức khá bài bản, quy mô. Người Hoa cũng thuê phần phía trước của những căn nhà mặt phố để làm chỗ bán hàng, và như câu nói “buôn có bạn, bán có phường”, những người bán cùng mặt hàng thường tập trung lại với nhau hình thành nên khá nhiều phố chuyên doanh.

Dọc một đoạn dài đường Bùi Hữu Nghĩa, quận 5, hay đường Tạ Uyên phía Chợ Lớn là những phố vịt quay, heo quay khá nổi tiếng, thường xuyên đông khách ghé đến mua bởi đây là món phổ biến trong các dịp cúng quảy, đặc biệt là đối với người Hoa. Ở góc đường Hải Thượng Lãn Ông-Triệu Quang Phục là phố thuốc bắc đã có từ rất lâu, và hiện một số ngôi nhà vẫn còn giữ lại nét kiến trúc từ thời Pháp thuộc. Hoặc như, cũng trên đường Hải Thượng Lãn Ông nhưng đi từ góc Phùng Hưng xuôi về phía chợ Kim Biên (quận 5) lại là một phố chuyên doanh khác – nơi đây bán các mặt hàng giấy trang trí cho các dịp lễ, tết. Đi ngang phố này, ai cũng cảm thấy vui mắt vì không gian khá rực rỡ của phố với màu vàng lấp lánh của dây kim tuyến hòa với màu giấy đỏ trang trí vốn được người Hoa ưa thích…

Đời sống kinh tế năng động của Sài Gòn còn được phản ánh qua nhiều hình thức sáng tạo, nhạy bén thời vụ của những người buôn bán nhỏ, những người làm các dịch vụ bình dân ở thành phố này. Trong thời buổi làm ăn khó khăn, có người nghĩ ra hình thức bán cà phê lưu động. Quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà, công viên Thống Nhất ở quận 1 vẫn hay xuất hiện những chiếc xe ô tô dạng 15 chỗ được cải tạo lại để thành một điểm cà phê lưu động, phục vụ cho những người đi dạo công viên buổi sáng hay những nhóm bạn trẻ vui chơi, sinh hoạt ở đây. Một hình thức tương tự là chất đủ loại mặt hàng tiêu dùng lên xe ô tô, biến chiếc xe thành một cửa hàng tạp hóa di động để đi bán cho các cư dân ở các khu đô thị mới.

Sài Gòn, miền đất kinh thương. Hoạt động kinh tế ở thành phố này sôi động từng giờ. Ở đó, không chỉ trên bình diện vĩ mô với bao nhiêu dự án, kế hoạch làm ăn lớn cùng với bao nhiêu doanh nhân đang ôm ấp hoài bão, mà ở đó còn có những hoạt động thương mại dịch vụ thông qua cuộc mưu sinh của những người buôn bán nhỏ, những người làm đủ mọi nghề cần thiết trong xã hội, tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, sinh động về kinh tế của thành phố này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những ngôi chợ độc đáo ở TPHCM

0
(SGTT) - Chợ vốn dĩ là hình ản quen thuộc của biết bao người, ấy vậy mà ở tại TPHCM vẫn có những ngôi...

Tấm lòng của chợ

0
Ánh Tuyết Ngày còn bé, đường đến trường của tôi phải qua một cái chợ. Đó chỉ là vài chục cái lều lụp xụp lợp...

Ngẫm giữa chợ mai cuối năm

0
Xuân Huy Năm nào cũng vậy, cứ khoảng một tháng trước tết Âm lịch là tụi bạn quê lại gọi điện thoại hoặc nhắn tin...

Lên “mây”… họp chợ

0
Chí Thịnh Bên cạnh những ngôi chợ truyền thống tồn tại từ rất lâu, đến nay chợ đã có thêm nhiều hình thức hiện đại....

Dạo chợ trong lòng đất

0
Như Quỳnh Xu hướng phát triển đô thị đang đưa những ngôi chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần là mua bán...

Chợ… đèn pin

0
Phạm Đình Quát Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 3-4 giờ sáng là con đường Quang Trung, đoạn đầu đường dẫn ra bờ sông Thạch...

Kết nối